Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, Bộ Công Thương đã đề xuất quy định quảng cáo, thông tin về thành phần, công dụng, cách sử dụng phân bón đúng với bản chất của phân bón.
Tại dự thảo, đối với quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón, bên cạnh những quy định hiện được thực hiện theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón, tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón phải quảng cáo, thông tin về thành phần, công dụng, cách sử dụng phân bón đúng với bản chất của phân bón, đúng với quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất thêm quy định đối với tổ chức, cá nhân san chiết, đóng gói phân bón. Cụ thể, tổ chức san chiết, đóng gói phân bón phải đăng ký hoạt động san chiết, đóng gói phân bón theo quy định; ghi và lưu nhật ký quá trình san chiết, đóng gói phân bón ít nhất là 2 năm; lưu hồ sơ kết quả kiểm nghiệm và lưu mẫu nguyên liệu, sản phẩm xuất xưởng; bảo quản các mẫu lưu 6 tháng kể từ khi lấy mẫu; thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn phân bón, bao bì hoặc tài liệu kèm theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; quảng cáo, thông tin về thành phần, công dụng, cách sử dụng phân bón đúng với bản chất của phân bón, đúng với quy định của pháp luật; thu hồi, xử lý phân bón không đảm bảo chất lượng và đền bù thiệt hại gây ra cho người bị hại theo quy định của phát luật; chấp hành sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền; chấp hành các quy định về sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về các hoạt động liên quan đến phân bón. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể mẫu báo cáo và thời gian cụ thể gửi báo cáo đối với phân bón vô cơ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể mẫu báo cáo và thời gian cụ thể gửi báo cáo đối với phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất phân bón
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất phân bón lập 1 bộ hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp.
Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp phép.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất phân bón cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn (Theo baochinhphu.vn)