Xuất khẩu có thể đạt 3,6 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu (XK) trong năm nay khi giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 11 tiếp tục đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 11 tháng, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường XK hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam khi chiếm tới 84,7% tổng giá trị XK hàng rau quả, với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (67,6%), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (56,9%), Trung Quốc (52,7%).
Đáng ngạc nhiên là XK rau quả hiện đã vượt xa các ngành hàng chủ lực quốc gia khác như: gạo, cao su, chè, hạt điều... Với việc được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng 7/10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lại là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia cho thấy thị trường châu Á có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành hàng này.
Thêm vào đó, những thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện đã mở cửa lại cho rau quả Việt Nam nên doanh nghiệp hoạt động ở ngành hàng này sẽ còn rất nhiều cơ hội để mở rộng thị phần, tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu lên trong thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT, ngành rau quả đã có sự bứt phá trong 2 năm gần đây, trở thành một lợi thế cạnh tranh xuất khẩu quốc tế của Việt Nam. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2017, kim ngạch XK mặt hàng này có thể đạt kỷ lục mới, vượt qua mốc 3,6 tỷ USD.
Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đưa nhận định rất “sáng sủa” về nhu cầu tiêu thụ rau quả thế giới, khi nhu cầu được dự báo là sẽ tăng 3,5%, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu rau quả nhiệt đới từ các nước phát triển. Vì vậy thời gian tới tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ còn tăng cao.
Còn nhiều dư địa phát triển
Ông Nguyễn Đức Lộc, Quyền Giám đốc Trung Tâm Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam, Bộ NN&PTNT nói có 3 nguyên nhân làm cho ngành hàng rau quả có những bứt phá mạnh mẽ trong vài năm lại nay.
Thứ nhất, thị trường thế giới đang có sự tăng trưởng nhanh, do kinh tế thời gian qua tăng trưởng khá ổn định làm cho tiêu dùng tăng lên. Thứ hai, các sản phẩm Việt Nam đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới và nhu cầu nhập rau quả của Việt Nam tăng cao.
Thứ ba, Việt Nam đang hội nhập mạnh vào thị trường thế giới thông qua các Hiệp định song phương và đa phương. Việc các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa cho một số loại trái cây Việt Nam là thông điệp tốt thúc đẩy xuất khẩu.
Cũng theo chuyên gia ngành hàng này, việc rau quả Việt Nam xuất nhiều sang các nước châu Á là do những yếu tố tương đồng về văn hóa, khẩu vị ăn…. Hơn nữa đây là khu vực kinh tế năng động, có nhịp độ tăng trưởng cao, dân số đông… Tuy nhiên, theo ông Lộc, nếu xét về cơ cấu sản xuất và nhu cầu thị trường thì Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng rất nhiều loại sản phẩm rau quả khác nhau do vùng sinh thái kéo dài từ Bắc vào Nam…Nhưng các sản phẩm xuất khẩu vẫn chỉ là các sản phẩm rau quả nhiệt đới, các sản phẩm khác chiếm tỷ trọng rất thấp.
Ông Lộc cũng nhìn nhận, Việt Nam có lợi thế về mặt địa lý khi gần Trung Quốc là một thị trường lớn và yêu cầu về tiêu chuẩn không quá khắt khe. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế của khi người sản xuất, doanh nghiệp đã có thói quen sản xuất theo sản lượng và ít chú trọng đến chất lượng.
“Do đó, để tiếp cận tốt hơn với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc thì người sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi tập quán sản xuất kinh doanh, phải biết áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ thì mời có thể tiếp cận sâu rộng hơn nữa vào các thị trường khó tính này.”- Người đứng đầu Trung tâm Chính sách và chiến lược miền Nam NNNT miền Nam nhấn mạnh.
Hiện xuất khẩu rau quả hiện vượt xa các ngành hàng chủ lực quốc gia khác, vậy Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch gì để nâng cao vị trí cho ngành hàng này?. Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lộc cho rằng nên nhìn nhận rau quả là một nhóm ngành hàng và sẽ là khập khiễng khi so sánh với nhóm khác như gạo, cao su, chè, hạt tiêu.
Tuy nhiên, ông Lộc cho biết, trong quyết định số 1648/QĐ-BNN-TT ngày 07/7/2013, Bộ NN&PTNT đã đề cập đến nhóm trái cây chủ lực. “Và trong việc triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp gần đây Bộ NN&PTNT cũng đề xuất phương án “xoay trục” từ Lúa Gạo-Thủy sản-Rau Quả sang Thủy sản-Trái Cây-Lúa Gao cho ĐBSCL. Điều đó thể hiện Bộ NN&PTNT đã chú trọng nhiều hơn cho ngành rau quả”- ông Lộc nói.
Phi Hùng (Báo Pháp Luật)