Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng. Con số này cho thấy, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang có đất sống, và diễn biến phức tạp đặc biệt là ở vùng nông thôn.


Người nông dân vẫn đang phải tiêu thụ một lượng lớn phân bón giả, kém chất lượng.

Vẫn phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm

Với nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón/năm và khoảng hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón và hàng ngàn cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ, đây là lý do khiến ngành phân bón Việt Nam luôn có nhiều diễn biến phức tạp. Và theo nhận định của cơ quan quản lý thị trường,  phân bón cũng chính là sản phẩm hay bị làm giả, kém về chất lượng nhất.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, bình quân mỗi năm cơ quan này phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 4.542 vụ thì phát hiện tới 1.434 vụ vi phạm.

Chỉ nhìn qua con số vụ vi phạm khủng khiếp này, có thể thấy, lượng phân bón giả, kém chất lượng đang chiếm đến 1/3 số được đưa ra thị trường. Và con số này là minh chứng rõ rệt chỉ ra rằng, người nông dân vẫn đang tiếp tục phải sử dụng một lượng lớn phân bón rởm, và điều này cũng đồng nghĩa, ngành nông nghiệp vẫn đang từng ngày từng giờ bị vấn nạn phân bón giả tàn phá. Mặc dù cơ quan quản lý đã nỗ lực vào cuộc để siết chặt hơn thị trường này, song những diễn biến thực tế cho thấy, vấn nạn này chưa có dấu hiệu thuyên giảm?

Thực trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu, phải chăng chính sự chồng chéo trong việc quản lý đã khiến cho thị trường phân bón ngày càng trở nên phức tạp, rối ren?

Trao đổi với báo giới về thực trạng thị trường phân bón, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát thị trường phân bón khó khăn đó là do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm vô cùng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp.

Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế tổ chức hội nghị giới thiệu và khẳng định phân bón đảm bảo chất lượng.

Địa điểm sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón thường liên tục thay đổi và được thuê tại các nơi xa xôi, vắng vẻ, đi lại khó khăn để dễ dàng trốn tránh trách nhiệm và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Quản lý vẫn chồng chéo

Trước thực tế đó, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị các Sở Công Thương rà soát, thống kê danh sách, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, đôn đốc các cơ sở sản xuất đảm bảo điều kiện sản xuất và lập hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất.

Thông tin, số liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn đã được các Sở Công Thương báo cáo về Bộ Công Thương khá cụ thể, làm cơ sở cho công tác quản lý phân bón được hiệu quả hơn.

Cũng theo Bộ Công Thương, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nhằm điều chỉnh những quy định còn hạn chế trong quản lý phân bón thời gian qua. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2016 . 

Để các cơ quan, nhà nước và người dân có thông tin chính xác, Bộ này cho biết, danh sách các DN được cấp Giấy phép sản xuất, gia công phân bón vô cơ; Danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón đã công bố hợp quy; Thông tin về các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận, giám định phân bón vô cơ được liên tục cập nhật và đăng trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương nhằm công khai thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời giúp địa phương theo dõi, kiểm tra thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc địa bàn quản lý.

Trước đó, trả lời về thực trạng phân bón giả tràn lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, quản lý nhà nước trong đấu tranh chống hàng lậu, đặc biệt là mặt hàng phân bón, có trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với thị trường phân bón, còn chồng chéo giữa Bộ NN&PTNN và Bộ Công Thương trong quản lý phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, nguồn lực quản lý hạn chế...

    Minh Phương