Từ khi triển khai đến nay, mô hình cánh đồng lớn (CĐL) đã khẳng định được vị trí của một phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, qua đó, thực hiện mối liên kết “bốn nhà” tạo nên chuỗi giá trị cho hạt gạo, mang lại lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp. Thực tiễn triển khai CĐL tại các địa phương đã bổ sung nhiều bài học kinh nghiệm để tiến tới thực hiện thành công CĐL trên cả nước.
 
Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn.

Bài 1: Tiềm ẩn rủi ro cánh đồng lớn

Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt triển khai mô hình CĐL nhưng đến nay, kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Diện tích CĐL tại các địa phương vẫn rất “khiêm tốn” so với tổng diện tích canh tác, người dân còn hồ nghi mô hình CĐL vì chưa thấy rõ lợi ích. Việc xây dựng chuỗi giá trị cho hạt gạo còn gặp nhiều thách thức, bất cập.

“Teo tóp” cánh đồng lớn

Trong cơn mưa chiều cuối tháng 10, hội trường UBND xã nông thôn mới Bình Nhì (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) vẫn chật kín người về dự Hội nghị triển khai mô hình CĐL của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì giai đoạn 2016-2021. Hàng trăm hộ nông dân tề tựu đông đủ với tâm lý kỳ vọng. Thực ra, CĐL chẳng xa lạ gì với nông dân nơi đây, vì họ đã tham gia nhiều năm. 

Điểm mới trong phương án triển khai mô hình CĐL lần này là lần đầu tại Tiền Giang, không phải doanh nghiệp mà là một hợp tác xã (HTX) đứng ra tổ chức liên kết với doanh nghiệp và liên kết với nông dân tạo thành chuỗi cung ứng khép kín từ giống lúa, thiết bị vật tư nông nghiệp cho đến tiêu thụ sản phẩm bằng những bản hợp đồng ký kết trước sự chứng kiến của nhiều người. Ngoài lợi ích được ứng trước giống, vật tư nông nghiệp không tính lãi suất, HTX còn kỳ vọng được chia thêm lợi nhuận sau khi hạch toán chi phí cuối năm có lãi. Vì thế, nhiều nông dân hy vọng, cách làm mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Trao đổi với chúng tôi, lão nông Trần Văn Trung, ở xã Bình Nhì, cho biết: “Gia đình tôi có 4.000 m2 đất, tham gia CĐL từ năm 2012 đến nay. Sản xuất theo mô hình CĐL giúp gia đình tôi tiết kiệm chi phí sản xuất, giá bán nhỉnh hơn giá thị trường”. Tuy nhiên, ông Trung cũng thẳng thắn nêu những băn khoăn, đề nghị người “cầm trịch” chương trình CĐL tìm hướng khắc phục tình trạng thiếu quy hoạch vùng canh tác. Do thiếu quy hoạch, CĐL trông giống như “da beo” xen lẫn giống ngắn ngày, dài ngày; giống lúa chất lượng cao xen lẫn giống cao sản. Tình trạng này khiến máy móc đi vào đồng ruộng rất khó khăn, thời gian thu hoạch không đồng nhất.

Tâm sự của ông Trung cũng là nỗi lo của nhiều nông dân. Điều này phản ánh thực tế, phần lớn các CĐL chưa bảo đảm đầy đủ các tiêu chí đã ban hành, quá trình thực hiện còn mang tính hình thức. Hình thức là CĐL, nhưng cách thức sản xuất thì vẫn “nhỏ” như cũ, mang tính tự phát, phân tán, manh mún. Đó là lý do tại sao, dù mô hình CĐL thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân, doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có bước phát triển đột phá, nông dân vẫn hồ nghi những lợi ích mang lại cho họ từ CĐL. Nhiều địa phương vẫn chật vật với bài toán mở rộng quy mô CĐL. 

Theo thống kê, quy mô CĐL tại Bến Tre chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh: 581 trong số 61.680 ha canh tác lúa (chiếm 0,94%); diện tích CĐL tại Long An có khá hơn, tỉnh quy hoạch được 40 nghìn trong số 233 nghìn ha đất trồng lúa (chiếm 17,1%); riêng diện tích CĐL của tỉnh Tiền Giang cũng chiếm tỷ lệ thấp, đạt 4.634 ha (bằng 2,1% tổng diện tích canh tác lúa); hằng năm diện tích CĐL của Tiền Giang tuy có tăng nhưng không nhiều, đang có chiều hướng chậm lại.

Sở dĩ CĐL ở Bến Tre không được nhân rộng vì có rất nhiều cái khó. Trong đó, phải kể đến lý do đất đai quá manh mún, bình quân đầu người chưa được 800 m2 đất sản xuất, phổ biến mỗi hộ nông dân có từ ba đến năm công đất. Muốn có diện tích đất tối thiểu cho một CĐL trồng lúa là 50 ha, thì phải ít nhất 100 hộ tham gia. Tình trạng đó tương tự ở Tiền Giang. Do đất đai manh mún, nhỏ lẻ nên Công ty Lương thực Tiền Giang từng xây dựng CĐL 2.000 ha mà phải hợp đồng với 4.000 hộ nông dân. Bài toán tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp thực hiện CĐL trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Quốc hội cho phép sửa Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 với việc không quy định hạn điền nữa nhằm “cởi trói” cho hoạt động tích tụ ruộng đất, thúc đẩy triển khai CĐL.

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Có những địa phương, diện tích CĐL ngày càng teo lại. Tỉnh Tiền Giang triển khai với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm nhưng chắc, chứ không làm ồ ạt. Để mô hình CĐL thành công, tôi đề nghị chủ trương phải thống nhất, đó là ràng buộc điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu (CĐL) hơn 3.000 ha. Bây giờ, cơ chế của chúng ta quá dễ dãi nên Tiền Giang chỉ có hai trong số sáu doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tham gia CĐL. Nếu không ràng buộc thì chỉ có vài doanh nghiệp xuất khẩu tham gia CĐL trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu khác đứng ngoài cuộc là điều không bình đẳng trong cạnh tranh. Khi nào thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia thì quy mô CĐL mới phát triển đột phá được”.

Thiếu chữ “tín” trong liên kết

Mô hình CĐL đã triển khai được 5 năm, đó là quãng thời gian thử thách mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng. Thực tiễn cho thấy, khi nào mối liên kết này bền chặt, bảo đảm hài hòa được lợi ích của đôi bên thì mô hình CĐL sẽ thành công. Nhưng thật tiếc, điều người ta vẫn thường nghe khi đề cập đến mô hình CĐL là hai từ “bẻ kèo”. Lúc thì do nông dân, khi lại do doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng vào thời điểm giá lúa có biến động.

Trong năm 2016, nhiều nơi ở Tiền Giang để xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng sau thu hoạch, doanh nghiệp không thu mua đủ lúa so với diện tích ký kết ban đầu. Cụ thể, vụ đông xuân 2015- 2016, tổng diện tích liên kết sản xuất lúa theo CĐL tại Tiền Giang là 3.150 ha, nhưng diện tích mua lúa của ba doanh nghiệp tham gia CĐL trên địa bàn tỉnh là 1.936 trong số 3.150 ha, chỉ đạt 61,5% kế hoạch. Trong đó, Công ty Lương thực Tiền Giang chỉ thu mua được 1.412 ha trong số 2.566 ha (55% kế hoạch). Tương tự, vụ xuân hè 2016, ba doanh nghiệp thu mua được hơn 67% kế hoạch; vụ hè thu vừa qua, doanh nghiệp chỉ thu mua được 60,7% kế hoạch. Kết quả thu mua của doanh nghiệp như vậy là quá thấp.

Các doanh nghiệp lý giải nguyên nhân tình trạng này là do nông dân đơn phương phá vỡ cam kết hợp đồng. Theo quy định của hợp đồng, công ty thỏa thuận giá mua ba ngày trước khi thu hoạch nhưng nông dân đã tự ý bán cho hàng xáo trước khi cắt lúa. Chưa kể, tình trạng “cò lúa” tại địa phương kết nối với thương lái bên ngoài dùng nhiều chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp. Đó là chiêu lựa chọn một diện tích lúa chất lượng thật tốt, nâng giá lên để thu mua, tạo mặt bằng giá thị trường “ảo”. Sau đó, “cò lúa” bỏ đi để doanh nghiệp mua lúa chất lượng thấp với áp lực phải mua giá cao bằng với thương lái. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó đàm phán về giá với nông dân. Tại Bến Tre, tình trạng “bẻ kèo” sau thu hoạch cũng xảy ra do thỏa thuận giữa doanh nghiệp với nông dân tuy có nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Bốn nội dung bị "bẻ kèo" phổ biến được xác định là giống lúa, độ khô của lúa, độ sạch của lúa và giá lúa thị trường.

Người nông dân cũng đưa ra lý lẽ khiến họ phải phá vỡ cam kết, bán lúa ra bên ngoài. Ông Huỳnh Văn Chấn có 8.000 m2 đất tham gia CĐL ở xã Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm) nêu bức xúc: "Khi cần thì cái gì doanh nghiệp cũng chịu, nhưng khi “dội hàng” thì chê đủ thứ. Mình trồng lúa hạt dài thì khen lúa hạt tròn, nhưng khi vụ sau mình trồng lúa hạt tròn thì lại khen lúa hạt dài. Chưa hết, doanh nghiệp còn chê lúa không được khô lại còn quá dơ. Thắc mắc thì cán bộ không trả lời cụ thể, chỉ nói bỏ lúa vào miệng cắn cốc cốc là được, còn lúa sạch là chỉ có hạt chắc chứ không lẫn lúa lép và các tạp chất. Căn cứ vào mấy cái đó mà định giá, miễn sao doanh nghiệp có lời, còn người trồng lúa thì mặc kệ. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải bán chỗ khác thôi, chỗ nào giá cao, có lời thì chúng tôi bán".

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam, CĐL là xu hướng tất yếu để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, liên kết "bốn nhà", trong đó đáng chú ý là mối liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp, phải thực chất, cùng chịu trách nhiệm, có lợi cùng hưởng, thua lỗ cùng chịu. Doanh nghiệp phải đủ lực, đủ tài chính và phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp đầu ra và doanh nghiệp đầu vào, để giảm giá thành. “Bây giờ cứ mạnh ai người nấy kiếm lời thì người nông dân lúc nào cũng chịu thiệt. Cứ như vậy thì liên kết không bao giờ bền vững, sớm muộn gì cũng tan, chứ đừng nói đến chuyện chất lượng sản phẩm nâng lên” - ông Nam nhấn mạnh.