Trước thực trạng tràn lan phân bón giả, kém chất lượng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 nhằm siết lại trật tự kinh doanh, triệt tiêu nạn phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định khiến nhiều DN như bị "trói” chân.
Kỳ vọng "dẹp loạn”
Nhìn lại thị trường phân bón năm 2013, có thể thấy, đây là năm các nhà máy sản xuất phân bón phải đối mặt với nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành hành mạnh mẽ nhất.
Theo Bộ Công thương, việc nhập khẩu ồ ạt phân urê có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá bán thấp hơn so với giá urê sản xuất trong nước khiến thị trường phân bón trở nên méo mó, cạnh tranh không lành mạnh và khó kiểm soát. Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón nhằm nghiêm cấm DN sản xuất, kinh doanh phân bón khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón; cấm sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón giả, phân bón đã bị cấm sử dụng; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi, tiếp thị phân bón không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kinh doanh phân bón đã hết hạn sử dụng... được dư luận đồng tình. Nhiều DN đặt kỳ vọng rằng, Nghị định 202 sẽ là gọng kìm siết chặt hơn thị trường phân bón vốn đang rất lộn xộn, không chỉ các DN làm ăn chân chính được bảo vệ mà bản thân người nông dân cũng không bị thiệt thòi do nạn phân bón giả.
Tuy nhiên, thực tế là, Nghị định 202 có hiệu lực từ ngày 1-2-2014, song đến nay vẫn chưa hề có Thông tư hướng dẫn thực hiện khiến thị trường phân bón vẫn không có dấu hiệu cho thấy ổn định. Hơn thế nữa, chính sự chậm trễ này cũng đang khiến nhiều DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu phân bón lâm cảnh bí bách.
Một số DN nhập khẩu và phân phối phân bón cho biết, do vướng Nghị định 202 nên nhiều sản phẩm phân bón đang chuẩn bị đưa vào danh mục khảo nghiệm lại bị dừng, gây khó khăn cho các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cơ cấu lại thị trường phân bón
Đặc biệt, một số quy định trong Nghị định cũng chưa rõ ràng nên, không chỉ DN loay hoay mà chính những cơ quan chức năng cũng rất bỡ ngỡ. Cụ thể, nhiều chuyên gia trong ngành nêu vấn đề: Việc phân định cơ quan nào chịu trách nhiệm lấy mẫu phân bón dường như vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Nghị định 202. Không biết là cơ quan Quản lý thị trường hay thanh tra Sở Công thương các tỉnh. Chính vì quy định vẫn còn rất lờ mờ, trong khi thông tư hướng dẫn còn chưa có nên thị trường phân bón vẫn đang ở tình thế lộn xộn như khi Nghị định 202 chưa ra đời; số DN làm ăn không lành mạnh vẫn đang "tranh thủ cơ hội” trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường, gây thất thu cho những DN kinh doanh chân chính.
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một DN chuyên sản xuất, kinh doanh phân bón nhận xét: Nghị định 202 ra đời nhưng chưa dẹp loạn được phân bón giả, phân bón kém chất lượng thị trường hầu như không có nhiều cải thiện. "DN làm ăn chân chính như chúng tôi vẫn đang bị các DN "bát nháo” lấn át vì tuồn hàng kém chất lượng, rẻ tiền vào thị trường” – ông Minh chia sẻ và cũng đặt câu hỏi, Nghị định, quy định những hành vi bị cấm đã có nhưng ai thanh tra, ai lấy mẫu vẫn chưa rõ ràng thì ai đứng ra kiểm tra, kiểm soát, ai là người xử phạt đây?
Rõ ràng, Nghị định ra đời đang nhen lên những kỳ vọng cho sự ổn định của thị trường phân bón cũng như bảo vệ các DN làm ăn chân chính, song những kỳ vọng ấy đang dần dần bị tắt lịm chỉ bởi sự chậm trễ của các nhà làm chính sách trong việc ban hành thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh việc khẩn trương có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 202, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, giải pháp cấp bách là phải tái cơ cấu thị trường phân bón. "Hiện nay, hệ thống cung ứng chồng chéo, đội giá thành đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho bà con nông dân, do đó rất cần phải "thanh lọc” lại thị trường”. Đặc biệt, cần kiện toàn, kiểm soát chặt chất lượng phân bón và hệ thống sản xuất phân bón NPK để tránh làm giả, làm nhái. Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng đối với việc kiểm tra, kiểm soát đường biên giới để ngăn chặn phân bón kém chất lượng từ Trung Quốc tràn vào là rất cần thiết.
Minh Phương