Trong quý III/2017, các DN ngành phân bón tại Việt Nam đón nhận hai thông tin chính sách quan trọng là Nghị định 108/2017 siết chặt thị trường phân bón và quyết định áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu của Bộ Công Thương.
Các phân tích cho thấy, do ảnh hưởng từ các tác động pháp lý này, cộng với việc mặt hàng phân bón vừa được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế VAT 0%, thị trường phân bón thời gian tới sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các DN có chi phí sản xuất cao sẽ đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, nhiều DN có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT thấp sẽ được hưởng lợi và có cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Phân tích cụ thể, CTCK KIS Việt Nam cho rằng, hiện nay các DN nhà máy sản xuất phân đạm dùng than hoặc sản xuất phân DAP trên quặng apatit như: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-Vinachem (DDV), đang thua lỗ nặng nề vì chi phí đầu vào gia tăng trong khi lượng bán ra suy giảm. Theo đó, DAP Đình Vũ, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình lần lượt chịu lỗ lũy kế 507 tỷ, 1.900 tỷ và 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù rất tích cực tìm phương thức để phục hồi các nhà máy trên, tuy nhiên áp lực từ ba phía: thiếu hụt nguồn cung than và quặng apatit chất lượng cao trong dài hạn; chi phí logistics ngày càng tăng cao; và bối cảnh đầu ra ảm đạm của ngành phân bón sẽ đe dọa đưa các công ty này vào bờ vực phá sản. Bởi với mô hình kinh doanh có nhiều bất cập, những nhà máy trên đang không trang trải nổi chi phí đang ở mức gần 7.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ ở mức 6.000 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, CTCK Rồng Việt nhận định rằng, việc áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu trước mắt sẽ chưa ảnh hưởng đến các DN lớn như CTCP Phân đạm và Hóa chất dầu khí (DPM), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC),bởi đối với DPM hiện nay đã có kế hạch sản xuất phân DAP, nhưng dự kiến năm 2018 mới tung ra thị trường sản phẩm này. Trong khi đó, BFC mặc dù sử dụng phân DAP như nguyên liệu đầu vào, nhưng tỷ trọng loại phân này trong giá vốn chỉ khoảng 20 - 25%, nên tác động là không đáng kể.
Theo CTCK Rồng Việt, DN được hưởng lợi rõ nhất từ quyết định áp thuế tự vệ sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu là CTCP DAP. Bởi hiện nay DN này là đơn vị duy nhất có sản phẩm chủ lực là phân DAP tại thị trường Việt Nam. Và trong 9 tháng vừa qua DN này đã công bố kinh doanh có lãi (8,4 tỷ đồng) sau 6 quý lỗ liên tiếp kể từ đầu năm 2016.
Liên quan đến đề xuất áp mức thuế VAT 0% cho mặt hàng phân bón, Bộ Công Thương cho rằng nếu áp dụng, điều này sẽ giúp cho các DN trong ngành tiết kiệm được khoảng 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, nhận định một cách cụ thể hơn, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, các DN sản xuất phân bón trong nước có tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế VAT 10% chiếm hơn 50% giá vốn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quy định này. Trong số các DN trên sàn, VCBS cho rằng, CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) sẽ là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất, với mức độ biến động lợi nhuận tăng lên sau chính sách là 77%, theo sau đó là các DN như CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF: 66%), CTCP Phân bón Miền Nam (SFG: 26%), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM: 22%), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM: 19%).
Và nếu việc sửa đổi các luật thuế nếu suôn sẻ, thì sớm nhất cũng phải đến 1/1/2019 mới có hiệu lực thi hành. Khi đó, cuộc cạnh tranh trên thị trường phân bón mới diễn ra khốc liệt.
Hà Minh (Thời Báo Ngân Hàng)