(TBKTSG) - Tác động chính sách vào nông nghiệp không theo chiều hướng thuận lợi mà trái lại, trên nhiều phương diện, làm mất động lực phát triển, làm méo mó sự phân bổ nguồn lực một cách có hiệu quả.

Thu hoạch hành tím ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ 

Nông nghiệp không còn đỡ nổi nền kinh tế

Sự tăng giảm của nông nghiệp, nếu là do yếu tố chu kỳ thì nó sẽ được bù đắp ở chu kỳ sau. Do đó, tăng trưởng âm của nông nghiệp trong các tháng đầu năm không đáng ngại lắm. Thiên tai, thời tiết, kể cả sự cố là những điều khó tiên liệu nhưng nền kinh tế nào cũng gặp phải.

Song, xu hướng tăng trưởng của nông nghiệp đang chậm dần là điều không thay đổi. So với các năm 1996-2000, tăng trưởng của nông nghiệp cứ sau năm năm thì thấp hơn từ 1% đến trên 1%. Tăng trưởng của nông nghiệp gần đây đã ở mức trung bình dưới 3% và sẽ tiệm cận nhanh ở mức 2%.

Tăng trưởng chậm lại của nông nghiệp sẽ mang lại hệ lụy cả tiêu cực lẫn tích cực. Trong trước mắt hệ lụy tiêu cực là lớn hơn.

Tích cực là sự di chuyển lao động sang khu vực phi nông nghiệp, duy trì được nguồn lao động đảm bảo yếu tố cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực. Các địa phương lâu nay dựa vào nông nghiệp sẽ phải tính đến sự thay đổi. Chính phủ cũng phải thay đổi căn bản cách tiếp cận chính sách, bao gồm vấn đề hệ trọng về thể chế. Phải lo nhiều hơn đến bài toán giải quyết công ăn việc làm, chiến lược phát triển các vùng hơn là chỉ ở cấp tỉnh.

Yếu tố tiêu cực cũng chính là sự di chuyển dân số, lao động rất lớn, rất nhanh sẽ để lại khu vực nông nghiệp, nông thôn yếu kém.

Nền tảng để nông nghiệp phát triển trong nhiều năm qua là nhờ vào nhu cầu gia tăng và nguồn lực vốn có của nó là tài nguyên đất, nước, thời tiết và lao động của người nông dân hơn là đầu tư công và chính sách. Điều đó lý giải vì sao nông nghiệp chiếm 20-30% trong GDP suốt trong nhiều năm nhưng đầu tư cho nó không đến 10% GDP và đi theo xu hướng giảm nhưng nông nghiệp vẫn có tăng trưởng. Nếu điều này xảy ra ở khu vực công nghiệp hay dịch vụ thì bức tranh đã hoàn toàn khác.

Sắp tới, với tỷ trọng sẽ chưa tới 15% trong GDP thì nông nghiệp không thể là trụ đỡ cho nền kinh tế nữa, nhất là khi nền kinh tế đã chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa. Gán cho nó một nhiệm vụ mà nó không thể gánh vác được là tạo nên gánh nặng chính sách, thể chế không giải phóng được nguồn lực để nó phát triển. Tuy nhiên, nông nghiệp có thể làm cho nền kinh tế mất đi sự ổn định bởi sự thay đổi cấu trúc dân số, lao động kéo theo đó là sự thay đổi văn hóa, ứng xử, sự yếu kém của khu vực nông thôn trong khi các thiết chế mới chưa hình thành vững chắc.

Vấn đề ở thể chế

Chính phủ cần xác lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không chỉ trong nông nghiệp mà cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó nông nghiệp, nông dân cũng phải được thụ hưởng và bình đẳng với dân ở đô thị, với ngành công nghiệp. 

Quy hoạch ngành quá sâu, quá chi tiết làm cho người nông dân mất quyền tự do, tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Lâu dần họ trở nên thụ động trước sự thay đổi của thị trường. Các chính sách thu mua, định giá nông sản thấp gây phương hại một thời đã không thực sự mất đi mà biến tướng vào chính sách thu mua tạm trữ, chính sách bình ổn giá và tư duy kiềm chế giá nông sản.

Nếu muốn nhấn mạnh về chính sách thì đây chính là nguyên nhân cốt lõi. Có thay đổi được không? Câu trả lời của tôi là không mấy tin tưởng. Điều này đã được nói từ lâu rồi, và không đợi đến mới đây Ngân hàng Thế giới nói, nhưng căn bản vẫn không có mấy thay đổi.

Chính phủ phải làm công việc của Chính phủ là xây dựng, hơn thế, là xác lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không chỉ trong nông nghiệp mà cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó nông nghiệp, nông dân cũng phải được thụ hưởng và bình đẳng với dân ở đô thị, với ngành công nghiệp.

Thể chế về đất đai là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển nông nghiệp, các quy định nghiêm ngặt về đất lúa là sự đối xử không công bằng với nông dân, làm tê liệt thị trường đất nông nghiệp. Một nguồn lực lớn của xã hội không được huy động. Các quy định về đất nông nghiệp, đặc biệt với đất lúa, không thể ngăn cản được cơn thèm khát đất đai của các đại gia bất động sản mà chỉ làm giàu cho họ.

Quyền sở hữu có rõ ràng thì mới có thể ngăn cản được việc mất đất nông nghiệp quá nhanh. Giá đất nông nghiệp bị quy định thấp làm suy yếu vị thế của người nông dân trong thương lượng, nó cũng không khuyến khích việc chăm sóc bảo vệ đất đai trước vấn nạn ô nhiễm môi trường. Giá đất nông nghiệp bị quy định thấp là nguyên nhân của lãng phí tài nguyên đất khi người sử dụng dễ dàng huy động vào sản xuất ở các phân khúc gia trị thấp, thay vì với giá đất cao họ phải tính toán để có giá trị gia tăng cao. Việc ứng dụng công nghệ khó xảy ra ở phân khúc giá thấp, năng suất trong nông nghiệp, do vậy cũng rất khó cải thiện khi giá đất quá thấp bị ràng buộc bởi các quy định.

Tự do hóa trong nông nghiệp là phải bãi bỏ các quy hoạch ngành. Phải trả cho nông dân quyền tự do kinh doanh như những gì đã có ở khu vực phi nông nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp là do chính những nông dân làm chủ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở khu vực này từ đó mà đi lên mới có thể mang lại sự ổn định và bền vững.

Không ai hiểu nông nghiệp bằng chính nông dân, không ai yêu đất đai bằng người nông dân. Mang những yếu tố bên ngoài vốn không hiểu biết nông nghiệp, không yêu quý đất đai nông nghiệp vào để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thì khó thành công hơn là giúp cho người nông dân hiểu về thị trường, hiểu về công nghệ, hiểu về quản trị. Nguồn vốn thì tất cả cũng đều từ nguồn đi vay ở ngân hàng mà ra.

Vấn đề là ở thể chế mà thôi!