Vượt rào quy hoạch
Thời gian qua, giá sầu riêng tăng đột biến khiến nông dân tỉnh Khánh Hòa đua nhau mở rộng diện tích trồng loại cây này. Theo Bộ NN&PTNT, người dân một số huyện trên địa bàn tỉnh này đã tự phát mở rộng diện tích trồng sầu riêng ngoài vùng quy hoạch của địa phương. Đơn cử tại huyện Khánh Sơn hiện có tới gần 500ha sầu riêng. Mặc dù từ cuối năm 2016, huyện khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích loại cây trồng này ở những khu vực nằm ngoài vùng quy hoạch như: Đất lâm nghiệp, khu vực có độ dốc cao, xa nguồn nước tưới. Song từ cuối năm 2016 đến nay, giá sầu riêng liên tục tăng khiến nông dân không chỉ tự phát mở rộng diện tích ở những khu vực thấp, mà còn trồng ở cả những khu vực đồi cao, đất lâm nghiệp. Thực trạng trên cũng đang xảy ra tại một số huyện khác của tỉnh Khánh Hòa.
Diện tích trồng dưa hấu tại Quảng Ngãi vượt quy hoạch dẫn đến khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
“Trồng sầu riêng ở những khu vực đất lâm nghiệp, đất đồi dốc, người dân phải đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới do hạn hán kéo dài như những năm trước. Bên cạnh đó còn phá vỡ quy hoạch của nhiều loại cây trồng khác” - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn nói.
Còn tại các tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng sắn tăng mạnh trong những năm gần đây đang trở thành nỗi lo của các nhà quản lý. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 400.000ha sắn, riêng các tỉnh Tây Nguyên có 160.000ha. Nhiều diện tích được quy hoạch trồng ngô lai, bông vải nay nông dân đã tự phát chuyển sang trồng sắn khiến sản lượng sắn tăng mạnh. Chẳng hạn như tỉnh Gia Lai, đến nay các nhà máy chế biến chỉ tiêu thụ được 40% sản lượng sắn toàn tỉnh. Số còn lại trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá, nông dân thiệt hại lớn về kinh tế.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho rằng, việc bùng nổ diện tích trồng sắn ở Tây Nguyên đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: Phá vỡ quy hoạch chung của ngành Nông nghiệp ở địa phương; ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng... Ðáng ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao nên việc tiêu thụ khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ. Ngoài ra, chỉ qua 3 đến 4 vụ trồng sắn sẽ dẫn đến tình trạng đất kém dinh dưỡng nếu có trồng cây khác thì năng suất thấp, chất lượng sản phẩm cây trồng bị ảnh hưởng.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện còn nhiều loại cây trồng đang vượt quy hoạch ở hầu hết các địa phương như dưa hấu (Quảng Ngãi), hành tím (Sóc Trăng), thanh long (Bình Thuận), mía tím (Hòa Bình)…
Hậu quả khó lường
Thực tế, việc nông dân tự ý mở rộng diện tích các loại cây trồng, vượt rào quy hoạch sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được. Và điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” tiếp tục tái diễn mà không có hồi kết. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc những năm qua Nhà nước và nhiều cấp, ngành, tổ chức đã phải tiến hành “giải cứu” các loại nông sản.
Ngoài ra, việc tự ý mở rộng các loại cây trồng còn làm mất thương hiệu cho các sản phẩm mang tính chủ lực, được quy hoạch sản xuất. Cụ thể như việc cam Cao Phong (Hòa Bình) vốn là sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng cả nước tin tưởng, tuy nhiên nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh nông dân tự ý phá bỏ vải trồng cam khiến chất lượng giống cam này kém, khi tiêu thụ tại thị trường thương lái lại mượn mác cam Cao Phong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu sản phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Những năm qua, diện tích trồng hồ tiêu cả nước tăng đáng kể, vượt qua cả quy hoạch Bộ NN&PTNT đề ra. Hậu quả là những diện tích hồ tiêu mới không nằm trong quy hoạch, dẫn đến nhiều rủi ro về điều kiện tự nhiên (đất, nguồn nước, khí hậu), giống, kỹ thuật canh tác, trình độ quản lý. Đồng thời, chất lượng hồ tiêu cũng bất ổn… Đó là nguyên nhân mà một số hiệp hội gia vị Châu Âu, Mỹ, Canada đã nhiều lần cảnh báo và có động thái ngừng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam...
Thực tế, việc định hướng và quy hoạch các vùng sản xuất cây trồng được Bộ NN&PTNT đề ra có ý nghĩa quan trọng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Quy hoạch các loại cây trồng được Bộ tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở tài nguyên, khí hậu từng vùng. Đặc biệt, quy hoạch có xem xét đến từng vùng, từng sản phẩm cũng như thực trạng, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới, qua đó đưa ra bài toán về diện tích, sản lượng cũng như các giải pháp kỹ thuật, lộ trình triển khai. Việc phá vỡ quy hoạch, tự phát mở rộng diện tích sản xuất sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm suy kiệt tài nguyên đất, nước và tiềm năng xuất khẩu một số nông sản chiến lược.
Theo Đỗ Minh - Hà Nội Mới