Trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý khoảng 10.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Riêng năm 2015 lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 38.059 vụ; phát hiện 25.123 vụ vi phạm và xử phạt hành chính 68 tỷ đồng với tổng trị giá hàng vi phạm trên 536 tỷ đồng. Đó là những con số được ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đưa ra tại Hội thảo “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp” tổ chức ngày 25/5, tại Hà Nội.
Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra chất lượng
hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị. (Ảnh: TL).
Doanh nghiệp ngại “ra mặt”
Những
con số công bố cho thấy, vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn đang là nỗi bức
xúc của xã hội mặc dù có sự đồng tình vào cuộc quyết liệt của các cơ
quan chức năng như: công an, Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên
ngành. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ Việt Nam thì khó có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên
nếu không có giải pháp căn cơ hơn. Như vậy, hàng giả hàng nhái ngày càng
triệt tiêu sự tồn tại của nhiều DN làm ăn chân chính, phương hại đến
lợi ích của người tiêu dùng.
Tại
hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến cho vấn nạn
hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, bức bối hơn, là do các DN chưa
chịu hợp tác với cơ quan chức năng, chưa chủ động trong việc tố giác các
hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của các đối tượng vi phạm. Theo ông
Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, mặc dù thời gian
qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc đấu tranh phòng, chống
hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng số vụ vi phạm vẫn lớn do vẫn còn tồn
tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn
lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên
quan.
Bên cạnh đó, mặc dù
vấn nạn hàng giả hàng nhái liên quan trực tiếp đến thương hiệu, uy tín
của các DN, song, thực tế nhiều DN lại e ngại khi phải “ra mặt” để cùng
cơ quan chức năng vào cuộc phanh phui các vụ việc hàng giả, hàng nhái.
Điều
này cũng được ông Hoàng Văn Trực - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế,
Bộ Công an thừa nhận khi cho rằng, do sợ bị ảnh hưởng đến uy tín,
thương hiệu sản phẩm, hiện nay vẫn có tình trạng các DN né tránh, không
tham gia phối hợp điều tra với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ vấn
đề. “Có DN khi thấy sản phẩm của mình bị làm giả được công bố trên các
phương tiện truyền thông thì lo ngại bị mất uy tín nên họ càng tránh xa,
không dám hợp tác với cơ quan chức năng… khiến cho việc điều tra, lật
tẩy các đối tượng lại càng trở nên khó khăn hơn” – ông Trực cho hay.
Ngành chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái.
Nông dân khổ vì phân bón giả
Một
trong những lĩnh vực bị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà
trộn nhiều nhất là mặt hàng phân bón. Con số thống kê của cơ quan chức
năng cho biết, nhu cầu sử dụng phân bón hàng năm của cả nước khoảng 10,5
triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước được hơn 8 triệu tấn, còn lại
nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn. Do nhu cầu sử dụng cao, nên trên thị
trường phân bón thời gian qua vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng hoành
hành dữ dội và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Hẳn
dư luận vẫn chưa quên sự vụ phân bón giả nổi đình nổi đám hồi năm 2012,
tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình bà con nông dân mua phải phân bón NPK
5.10.3 giả phân bón Lâm Thao bón cho cây ngô, sau khi bón xong cây ngô
không sinh trưởng được. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và
kết luận phân bón được làm từ đất sét và bột đá, không có dinh dưỡng do
một đối tượng ở Hà Nội sản xuất và tiêu thụ. Sự việc này đã gây ảnh
hưởng không nhỏ đến thương hiệu, uy tín của phân bón Lâm Thao. Còn hàng
loạt các vụ việc đã được cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý chủ yếu liên
quan đến vấn nạn phân bón kém chất lượng như sự vụ công ty Cổ phần đầu
tư quốc tế Đại Sơn ghi nhãn mác mập mờ để đánh lừa người tiêu dùng. Cụ
thể, trong trường hợp này, các đối tượng tung ra thị trường các sản phẩm
phân bón chỉ đạt 5% thành phần dinh dưỡng cho cây, song giá bán đến tay
người nông dân tới 3.000 đồng/kg, cao hơn giá thành của Supe Phốt –
phát Lâm Thao 380 đồng/ kg (giá thành phân bón của Supe Phốt – phát Lâm
Thao là 2.620 đồng/kg)… Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến đời sống
của 10 triệu hộ nông dân Việt Nam, do đó, nếu không có giải pháp xử lý
triệt để, người nông dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu nặng nề nhất.
Chia
sẻ kinh nghiệm “chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” tại hội
thảo, ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền
Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, các DN cần phải chủ động vào cuộc
phối hợp với cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin để cơ
quan bảo vệ pháp luật có căn cứ xử lý các sản phẩm hàng hóa vi phạm.
“Nếu DN cứ né tránh thì sẽ rất khó cho cơ quan chức năng vì không có ai
đối chứng để giúp cơ quan điều tra nhận định rõ hàng nào hàng thật, hàng
nào hàng giả. Và như vậy sẽ rất mất thời gian, công sức, đối tượng vi
phạm lai có thêm cơ hội để lẩn tránh” – ông Bảo nêu quan điểm.
Ông
Bảo cũng đề xuất, các văn bản pháp luật hiện nay vẫn chồng chéo, nhiều
quy định trùng lắp gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý,
do đó cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế thực thi… để đảm bảo
công tác chỉ đạo, điều phối thực thi đấu tranh chống buôn lậu, hàng
giả, và gian lận thương mại hiệu quả hơn. Ngoài ra, một khúc mắc hiện
nay đó là vấn đề tiêu hủy hàng giả, đặc biệt là đối với mặt hàng thuốc
bảo vệ thực vật bị vi phạm nhiều nhất. Theo ông Bảo, nếu tiêu thủy hàng
giả, hàng nhái không đúng cách thì sẽ vi phạm Luật Môi trường. Do đó,
lĩnh vực này cần giao cho một đơn vị có chức năng và có nghiệp vụ về thu
gom, tiêu hủy để tránh những sai phạm không đáng có.
Minh Phương( theo daidoanket.vn)