(TBKTSG) - Số doanh nghiệp cũng như dòng vốn chảy vào nông nghiệp, lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế, không những không tăng mà còn đang có dấu hiệu giảm. Điều gì khiến dòng vốn đầu tư chưa vào lĩnh vực này?
Đất đai đang là một cản trở lớn nhất của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Lĩnh vực tiềm năng nhưng số doanh nghiệp giảm
Chuyên gia ngành nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD,) còn nhớ như in năm lần được tháp tùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Cả năm lần tham dự thì cả năm lần phái đoàn nông nghiệp đều được các doanh nghiệp đa quốc gia săn đón nhất, trong khi các đoàn công nghiệp, dịch vụ khác của Việt Nam thì không được quan tâm bằng.
Theo ông Sơn, ngành nông nghiệp đã khẳng định được tầm quan trọng khi là điểm sáng vực dậy khu vực nông thôn và cả nền kinh tế trong điều kiện khó khăn về biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
Gần đây, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Hòa Phát, FPT, Viettel... vì, theo cách nói của ông Sơn, “nó lành, bền và là nền kinh tế thực, nền kinh tế toàn dân”.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, dù nông nghiệp là ngành xuất siêu năm sau cao hơn năm trước trong cả chục năm qua nhưng số liệu thống kê mới nhất vẫn cho thấy chưa có sự cải thiện về tổng số doanh nghiệp cũng như dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này.
Theo số liệu tổng hợp của IPSARD, trong 10 tháng đầu năm 2015, trong khi tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tăng lên thì số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản lại giảm xuống. Cụ thể, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 1.814 đơn vị, tăng 47,19% so với cuối năm 2014 và tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn, lên đến 2.019 đơn vị, chiếm 52,52% so với tổng số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản tính đến tháng 10-2015 đã giảm 5,33% so với cuối năm 2014.
Theo báo cáo nói trên, nông, lâm, thủy sản là lĩnh vực mà doanh nghiệp đang có xu hướng ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD, cho rằng đây là vấn đề đáng quan tâm khi Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Còn nhiều rào cản
Trong buổi họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra cuối tuần trước, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, cho biết sau hàng chục năm làm ăn ông có thể khẳng định nông nghiệp chính là lợi thế của Việt Nam. Điều này được biểu hiện bằng sự tham gia của một loạt tập đoàn xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Nam, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Riêng trong ngành cà phê, Intimex hiện có 12 nhà máy nhưng chỉ là những nhà máy nhỏ, chế biến thô để xuất khẩu nên vừa qua, giá cà phê nguyên liệu giảm đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất. Trong khi đó, với các tập đoàn lớn như Nestlé, giá cà phê của họ bán trên thị trường không giảm theo giá nguyên liệu nên lợi nhuận rất cao.
Song, ông Nam cho biết, để đầu tư một nhà máy chế biến tinh không hề đơn giản vì ít nhất cũng phải bỏ ra khoảng 25 triệu đô la Mỹ, chưa kể nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành.
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch tập đoàn Geleximco, nói rằng đất đai đang là một cản trở lớn nhất của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Geleximco đã xây dựng nhà máy giấy với số vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng sau khi Chính phủ quy hoạch cho 165.000 héc ta rừng ở Tuyên Quang nhưng khi triển khai thực tế thì hoàn toàn khác. “Chúng tôi chỉ có 500 héc ta mà còn bị người dân lấn chiếm nên buộc phải ăn đong từng ngày để có nguồn nguyên liệu sản xuất giấy”, ông Tiền nói.
Trong khi đó, theo báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra tại 40 quốc gia, môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Kết quả điều tra trong nước cũng cho thấy gần 80% doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn thủ tục hành chính “thông thoáng” hơn.
Báo cáo của IPSARD cũng cho biết 67,7% số doanh nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp như chưa có chính sách tạo quỹ đất hạ tầng phục vụ nông nghiệp; doanh nghiệp thuê đất phải chịu chi phí trung gian và chi phí quản lý lớn; các quy định về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa rõ; việc chuyển đổi, tích tụ đất còn hạn chế. Ngoài ra, điều tra còn cho thấy có tới 65% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng.