Sản lượng giảm 148 nghìn tấn
Cục Trồng trọt đánh giá, vụ mùa 2017 ở các tỉnh phía Bắc là một vụ khó khăn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thiên tai chồng thiên tai, dịch bệnh chồng dịch bệnh. Năng suất lúa mùa thấp nhất trong vòng hàng chục năm gần đây.
Vụ mùa 2017 là một trong những vụ khó khăn nhất trong 5 năm trở lại đây
Ngay từ đầu vụ, ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 4 đã khiến trên 20 nghìn ha lúa phải gieo cấy lại do ngập úng, trong đó Nam Định là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 17 nghìn ha bị ảnh hưởng và trên 10 nghìn ha phải gieo cấy lại.
Cuối vụ, ảnh hưởng của cơn bão số 10 đã khiến trên 75 nghìn ha lúa bị thiệt hại, trong đó hơn 15 nghìn ha bị thiệt hại trên 70%; 60 nghìn ha bị thiệt hại từ 30 - 70%, đồng thời khiến trên 40 nghìn ha rau màu vụ đông sớm bị "xóa sổ".
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh với trên 44 nghìn ha bị nhiễm, trong đó mất trắng trên 14 nghìn ha.
Theo Cục Trồng trọt, những nguyên nhân này đã khiến năng suất lúa vụ mùa 2017 giảm khá mạnh, với mức bình quân chỉ đạt 49,3 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ mùa 2016. ĐBSH là vùng có năng suất lúa giảm mạnh nhất, bình quân chỉ đạt 52,7 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha so với năm 2016, chủ yếu do ảnh hưởng mưa lũ và dịch bệnh lùn sọc đen, trong đó Nam Định là tỉnh giảm mạnh nhất với mức bình quân năng suất chỉ 45 tạ/ha, giảm 6,6 tạ/ha so với vụ mùa 2016.
Vụ mùa 2017, tốc độ giảm diện tích gieo cấy lúa ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục diễn ra khá mạnh với tổng diện tích gieo cấy chỉ đạt khoảng 1.134.000ha, giảm khoảng 15,4 nghìn ha so với vụ mùa năm 2016, trong đó ĐBSH có tốc độ giảm diện tích đất lúa cao nhất với trên 7,4 nghìn ha. Những yếu tố này đã kéo tổng sản lượng lúa của miền Bắc tụt giảm khá mạnh, chỉ đạt 5,59 triệu tấn, giảm khoảng 148 nghìn tấn so với năm 2016; riêng vùng ĐBSH giảm khoảng 114 nghìn tấn…
Thiên tai dịch bệnh cũng khiến SX giống lúa lai F1 tại phía Bắc thiệt hại nặng nề, với tổng diện tích chỉ đạt khoảng 756ha, giảm gần 114ha so với vụ mùa 2016; năng suất trung bình chỉ đạt 13,7 tạ/ha, giảm 1,1 tạ/ha; sản lượng đạt trên 1.000 tấn, giảm hơn 1.100 tấn so với vụ mùa 2016.
Cục Trồng trọt khuyến cáo, các tỉnh có diện tích lúa lai thương phẩm lớn như trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần đặc biệt lưu ý nguồn cung giống lúa lai F1 trong vụ ĐX 2017-2018. Vụ mùa 2017 cũng đã ghi nhận diện tích lúa lai thương phẩm tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục tụt giảm mạnh, với tổng diện tích chỉ đạt khoảng 200 nghìn ha, giảm 16 nghìn ha so với năm 2016.
Cảnh báo dịch bệnh
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: Hiện tại, bệnh lùn sọc đen đã lây sang một số diện tích ngô vụ đông. Vì vậy, nguy cơ bệnh lưu trú và tái bùng phát trong vụ ĐX 2017-2018 là rất nguy hiểm. Cục BVTV đề nghị các địa phương cần chỉ đạo ngành BVTV tang cường công tác giám sát sự lưu hành của virus lùn sọc đen, đồng thời lấy mẫu giám định để xác định sự lưu hành của virus nhằm có kế hoạch phòng trừ sớm ngay từ đầu vụ.
Nguy cơ nhiều loại dịch bệnh bùng phát trong vụ ĐX 2017-2018 rất cao
Cục BVTV đã có kế hoạch trang bị khoảng 1.000 bộ kít để hỗ trợ các địa phương phục vụ giám định nhanh virus lùn sọc đen lưu hành trong môi trường. Bên cạnh đó, các tỉnh phải quyết liệt triển khai hướng dẫn các giải pháp cho nông dân áp dụng biện pháp gieo mạ bằng giải pháp có che phủ nilon trong vụ ĐX 2017-2018 để phòng bệnh lùn sọc đen ngay ở giai đoạn mạ.
“Thời gian qua, bệnh lùn sọc đen cũng đã xuất hiện tại phía nam Trung Quốc nên nguy cơ tái bùng phát trong vụ ĐX tới là rất cao. Hiện nhiều địa phương đã phá vỡ hệ thống bẫy đèn để phòng trừ rầy, vì vậy trong thời gian tới, phải khôi phục lại hệ thống bẫy đèn để phục vụ cho công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen trong vụ ĐX tới. Ngoài ra năm 2016, dịch châu chấu cũng đã bùng phát khá mạnh, nhất là các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc. Vì vậy các tỉnh cần có biện pháp chỉ đạo phòng trừ sớm từ tháng 3 - 4 năm 2018, khi châu chấu mới giai đoạn nở con non”, ông Dương đề nghị.
Lo lắng về tình hình dịch bệnh trong vụ ĐX 2017-2018, ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghê An cho rằng, cùng với bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn cũng cần phải đặc biệt lưu ý, điển hình thiệt hại của Hà Tĩnh trong vụ ĐX 2017-2018 là một bài học.
“Thời gian qua, nhiều cơ quan khoa học thông tin bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp là do xuất hiện chủng mới, tuy nhiên lại chưa nói rõ là chủng gì, cách xử lý thế nào với chủng mới. Cái này cần phải làm rõ để các địa phương có phương án phòng chống”, ông Lập băn khoăn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cảnh báo: Trước đây, bệnh bạc lá thường chỉ xuất hiện trong vụ mùa, tuy nhiên gần đây đã xuất hiện cả trong vụ xuân, thậm chí mức độ nhiễm trong vụ xuân một số nơi còn nghiêm trọng hơn cả vụ mùa. Vì vậy nguy cơ nhiều loại dịch bệnh trong vụ ĐX tới là rất cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý: Thiệt hại một phần do dịch bệnh trong vụ mùa 2017 là một bài học đáng tiếc, trong đó một số địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan trước các nguy cơ dịch bệnh. Đây là vấn đề các tỉnh cần phải nghiêm túc tổng kết, rút kinh nghiệm và bài học để có giải pháp hành động quyết liệt trong vụ ĐX 2017-2018.
Đối với vụ ĐX tới, chủ trương vẫn là cố gắng tối đa cho trà xuân muộn, giải pháp mạ non, mạ nền, phủ nilon cho mạ. Năm nay, dự báo sẽ rét muộn, với các đợt rét tập trung kéo dài từ 9 - 10 ngày, vì vậy, chỉ gieo cấy tập trung sau lập xuân, kết thúc trong tháng 2/2018.
Về dịch bệnh, cần đặc biệt hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, kiểm soát chặt diễn biến rầy lưng trắng để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát bệnh lùn sọc đen.
Về giống lúa, dự báo chất lượng giống, nhất là nguồn cung hạt lai F1 sẽ khan hiếm do SX hạt lai F1 đã bị thiệt hại nặng nề, vì vậy các địa phương cần chủ động cân đối sớm và ổn định giá trên cơ sở làm việc với các DN và Hiệp hội Thương mại cây trồng VN…
Về chuyển đổi đất lúa, mặc dù Chính phủ đã cho phép linh hoạt hơn trong chuyển đổi, theo đó có thể chuyển cả sang cây dài ngày. Tuy nhiên, các địa phương phải có kế hoạch để kiểm soát, tránh tình trạng bung ra quá mạnh tay, chuyển đổi phải có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế…
LÊ BỀN (Nongnghiep.vn)