Mục tiêu xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo, trị giá 2,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu gạo trong năm 2017 càng trở nên khó nhằn khi đối thủ lớn của hạt gạo xuất khẩu Việt Nam là Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ. 

 
Quyết định xả kho 8 triệu tấn gạo tồn của Thái Lan càng khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam thêm phần chật vật. 

Xuất khẩu gạo của nước ta đã tụt giảm mạnh trong thời gian qua. Kết thúc năm 2016, xuất khẩu gạo đạt gần 4,95 triệu tấn với giá trị 2,2 tỷ USD, giảm mạnh lên đến 25,5% về số lượng và 20,5% về giá trị so với năm 2015.

Lường trước những trở ngại trong xuất khẩu, năm 2017, xuất khẩu gạo chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, trên 5 triệu tấn, với giá trị 2,3 tỷ USD, nhưng ngay từ đầu năm đã vướng phải khó khăn lớn khi Thái Lan có kế hoạch xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ.

Trước đó, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2016-2017 được giới phân tích dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 480 triệu tấn gạo xay xát, cao hơn niên vụ trước khoảng 1,6%.

Kéo theo đó là tồn kho gạo toàn cầu được dự báo lên ở mức cao nhất từ năm 2001 đến nay. Đáng chú ý, tồn kho ở các nước xuất khẩu chính lại giảm đáng kể, trong khi tăng ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu nhỏ. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhập khẩu và hạn chế các hợp đồng thương mại gạo.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, việc Thái Lan xả kho gạo trong những năm gần đây là yếu tố không nhỏ khiến giá gạo xuất khẩu của nước ta sụt giảm mạnh, điển hình là năm 2016.

Năm qua, xuất khẩu gạo đã bị tụt lại sau mặt hàng rau quả. Xuất khẩu gạo đã phải hạ chỉ tiêu từ hơn 6 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn, nhưng chỉ về đích với 4,95 triệu tấn.

Cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng khốc liệt không chỉ diễn ra với hạt gạo Việt Nam, mà các quốc gia xuất khẩu lớn cũng chịu áp lực tương tự.

Theo nguồn tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu gạo Thái Lan được dự báo giảm 4% trong năm 2017 đạt 9,5 triệu tấn với tổng giá trị 43 tỷ Bạth.

Mức dự báo này thấp hơn so với kim ngạch xuất khẩu 9,88 triệu tấn trong năm 2016. Nhận định trên được đưa ra giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng cao từ các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Việt Nam.

Bên cạnh đó, kế hoạch xả toàn bộ 8 triệu tấn gạo dự trữ trong năm nay của Chính phủ cũng khiến giá gạo của Thái Lan chịu nhiều áp lực.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch cắt giảm sản lượng gạo ở mức 27,2 triệu tấn so với mức trung bình 33 triệu tấn hàng năm. Song song với đó, Chính phủ có kế hoạch giảm diện tích gieo trồng từ mức 68 triệu rai (10,8 triệu héc-ta) xuống mức 60,6 triệu rai (9,6 triệu héc-ta). Đây là kết quả của nỗ lực cải cách nông nghiệp của Chính phủ. Mục tiêu chính nhằm hạn chế diện tích trồng lúa để có thể gia tăng gieo trồng đậu xanh, đậu nành, thực phẩm sạch, mía, sắn và chăn nuôi gia súc sử dụng công nghệ tiên tiến để mang lại lợi ích cao hơn về kinh tế.

Trong năm vừa qua, Thái Lan xuất khẩu được tổng cộng 9,88 triệu tấn xếp vị trí thứ hai sau Ấn Độ với 10,43 triệu tấn. Việt Nam xuất khẩu 4,95 triệu tấn. Pakistan và Mỹ xếp vị trí thứ tư và năm với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt lần lượt 4,19 triệu tấn và 3,52 triệu tấn.

Được biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm trước đều có kết quả khá tích cực, năm 2012 đạt kỷ lục trên 7 triệu tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo từ 2013 đến nay có xu hướng giảm và giảm mạnh nhất trong năm 2016, tụt xuống chưa đầy 5 triệu tấn.

Thế Hải