Bộ Công Thương vừa công bố Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: giai đoạn 2017 – 2020, xuất khẩu hàng năm 4,5 – 5 triệu tấn, thu về 2,2 – 2,3 tỷ USD/năm; giai đoạn 2021 – 2030, hàng năm khoảng 4 triệu tấn, trị giá 2,3 – 2,5 tỷ USD/năm.

Lượng đứng đầu, giá xếp cuối

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương cho biết, trước hết sẽ thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu. Cụ thể, đến năm 2020, gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20% tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo Japonica chiếm 30%, gạo nếp 20%, các loại gạo khác khoảng 5%.

Đến năm 2030, tỷ lệ gạo trắng thường chiếm 25%, gạo phẩm cấp trung bình dưới 10%, gạo Japonica chiếm 40%, gạo nếp 25%, gạo dinh dưỡng khác khoảng trên 10%. Nhưng liệu mục tiêu này có đạt được đúng tiến độ đã đề ra?

Năm 2017, xuất khẩu lúa gạo đã khởi sắc, dồn dập tiếp nhận các đơn hàng khi Việt Nam trúng thầu bán 175.000 tấn gạo cho Philippines, còn Băngladesh vừa thông báo mời thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ non-basmati.

Ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – cho biết từ tháng 5/2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao và số lượng có khả năng đến 880.000 tấn, trong đó có khoảng 770.000 tấn dự kiến được các nước nhập khẩu và nhận giao hàng vào tháng 8/2017.

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2017 ước đạt 465.000 tấn với giá trị 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,3 triệu tấn với 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, xét về giá, giá gạo xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm 2017 đạt 444,6 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tháng 5/2017, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350 – 354 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan đạt 390 USD/tấn, gạo Ấn Độ 388 USD/tấn, Pakistan dao động 408 – 412 USD/tấn.

Có một số quan điểm thẳng thắn cho rằng chính lợi thế giá bán thấp hơn so với đối thủ nên gạo Việt được các đối tác nước ngoài tìm mua vào ồ ạt, đẩy sản lượng xuất khẩu gạo tăng cao.

PGs.Ts. Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận xét: riêng đối với mặt hàng gạo, Việt Nam được coi là một nước lớn về xuất khẩu trên thị trường gạo thế giới và đã có thời điểm trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan.

Tuy nhiên, khi so về giá, nếu lấy giá gạo 25% tấm xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2003 – 2016 để so sánh, có thể thấy trong suốt thời gian này, giá gạo của Thái Lan luôn cao hơn đáng kể so với giá gạo cùng loại xuất khẩu của Việt Nam.


Giá gạo của Thái Lan luôn cao hơn đáng kể so với giá gạo cùng loại xuất khẩu của Việt Nam

Cụ thể, Ts. Lạng cho biết, mức giá xuất khẩu loại gạo này của Việt Nam dao động 161,5 – 426 USD/tấn, so với 176 – 603 USD/tấn của Thái Lan. Thời điểm năm 2008, giá xuất khẩu gạo này của Thái Lan cao gần gấp đôi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Việt Nam. Nếu so với kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan trong cùng một giai đoạn 1995 – 2013, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn đáng kể và chỉ bằng 1/2 – 1/3 kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Campuchia cũng có chiến lược thúc đẩy xuất khẩu gạo và năm 2001, kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia vượt cả Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

Đồng thời, với sự thay đổi của kim ngạch xuất khẩu của cả bốn nước, có thể thấy khả năng xuất hiện những thay đổi quan trọng trong thứ tự về quy mô xuất khẩu của các nước với nhau, nhất là khả năng bám sát của Việt Nam.

Đối với Myanmar, từng là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới vào đầu những năm 1960, nếu có chiến lược đầu tư hiệu quả, Myanmar có thể lấy lại vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này trong điều kiện phát triển mới. Điều này cho thấy tính cạnh tranh rất cao trên thị trường gạo thế giới.

Như vậy, tính cạnh tranh này sẽ gây ảnh hưởng đến chiến lược cung ứng, chất lượng và các hoạt động đầu tư phát triển mặt hàng này trên thị trường thế giới.

Ngoài ra, nếu xem xét thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể thấy các nước trong ASEAN như Indonesia, Philippines là những đối tác nhập khẩu chính gạo Việt Nam với yêu cầu không quá cao về chất lượng.

Tuy nhiên, những hàng rào kỹ thuật mới về kỹ thuật gieo trồng, đóng gói bao bì, bảo quản cùng những đòi hỏi về chất lượng gạo đang làm giảm dần nhu cầu nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam so với gạo cùng loại của Thái Lan.

Ts. Lạng lo ngại, nếu thiếu người mua gạo xuất khẩu của Việt Nam, sản xuất gạo trong nước khó có thể mở rộng quy mô đến mức hiệu quả. Do đó, để chuyển dịch cạnh tranh từ gạo chất lượng trung bình lên gạo chất lượng cao, cần đầu tư thỏa đáng vào cải thiện chất lượng mặt hàng này.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức nên gạo Việt Nam xuất khẩu khối lượng tuy lớn nhưng giá thấp dẫn đến tổng giá trị thu về thấp. Các loại kỹ thuật thị trường chưa được khai thác nên Việt Nam chưa thể chi phối được giá nông sản thế giới.

Còn theo PGs. Ts. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ, thời gian gần đây, sản xuất lúa gạo kém bền vững vì chất lượng sản phẩm thấp, chuỗi giá trị lúa gạo rất nhiều bất cập, dẫn đến cạnh tranh kém trên thị trường trong bối cảnh người tiêu dùng cần sản phẩm xanh, sạch và thân thiện môi trường.

Trong khi đó, ở Việt Nam, người nông dân sử dụng dư thừa phân bón trong thâm canh nông nghiệp. Ước tính mỗi năm hơn 10 triệu tấn phân bón được sử dụng và khoảng 2/3 lượng này sử dụng cho lúa, trung bình 180kg/ha, mức sử dụng phân bón Việt Nam cao hơn 30 – 200% so với các nước Đông Nam Á. Khoảng 1/2 – 1/3 lượng phân bón bị lãng phí.

PGs. Ts. Nguyễn Văn Sánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long

Để lúa gạo Việt Nam cạnh tranh trong hiện tại và tương lai, cần am hiểu về cấu trúc thị trường, bao gồm: tiềm năng thị trường, đối thủ cạnh tranh và chính sách Nhà nước; thực hiện thị trường qua nâng cấp chuỗi giá trị mà hiện nay chúng ta đang thực hiện trong chương trình cánh đồng mẫu lớn. Nhưng quan trọng hơn cả là cần đánh giá về hiệu quả thị trường liên quan tới bốn đúng về chất, lượng, xu thế người tiêu dùng và thời điểm thị trường cần, đồng thời giá thành sản xuất phải hạ.

Ông Nguyễn Đình Bích - Chuyên gia lúa gạo

Chúng ta không nên trông chờ quá nhiều vào các hợp đồng tập trung mà cần đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng thương mại, đồng thời tăng cường xuất gạo chất lượng cao, giá cao thay vì xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp thấp, giá thấp như nhiều năm nay.

Gs.Ts. Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Việc sử dụng các loại giống lúa chất lượng thấp đi kèm nhiều loại hóa chất gây độc hại đến chất lượng lúa như phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đang làm giảm chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam chưa được tổ chức theo chuỗi mặt hàng gạo chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, phát triển, lựa chọn giống chất lượng cao đến chế biến, đóng gói và quảng bá cho nên chất lượng không ổn định và khó tạo lập được thương hiệu.

Lê Thúy