Xuất khẩu gạo cao cấp được xem là hướng đi quan trọng, từng bước khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mặc dù Việt Nam có sản lượng xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới nhưng về giá trị thì rất khiêm tốn vì gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để gạo Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường lớn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang hướng tới sản xuất gạo chất lượng cao. 


Xuất khẩu gạo cao cấp không chỉ mang về lợi nhuận cao hơn mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu. (Ảnh minh họa: KT) 

Những năm gần đây, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo dược liệu giá trị dinh dưỡng cao, đã góp phần gia tăng sản lượng trong cơ cấu gạo xuất khẩu của nước ta. Đây được xem là hướng đi quan trọng, từng bước khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường, đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất gạo cấp thấp tồn tại nhiều năm qua của người dân. 

Từ thực tế của một trong những doanh nghiệp đi đầu trong xuất khẩu gạo cao cấp tới một số thị trường truyền thống như Hong Kong, Mỹ, Australia, Hà Lan, Đài Loan..., ông Phạm Thanh Thọ, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đối với dòng gạo phổ thông, Việt Nam vẫn còn rất yếu thế. Hàng năm sản lượng gạo của công ty bán ra không nhiều, chỉ khoảng 15.000 tấn cho thị trường nội địa. Còn thị trường nước ngoài, gạo cao cấp vẫn giữ thế chủ đạo.

So sánh về lợi nhuận mà dòng sản phẩm cao cấp mang lại, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều nhận định là hấp dẫn hơn nhiều so với hàng phổ thông và cấp thấp. Cụ thể, với dòng gạo cao cấp, Lộc Trời xuất khẩu với mức giá khoảng 700 USD/tấn. Với loại gạo trắng thông thường, chỉ bán với mức giá 370-380 USD/tấn.

Để có được các sản phẩm gạo cao cấp, Tập đoàn Lộc Trời đã sản xuất gạo cấp cao theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào đến khâu cuối cùng, kiểm soát chặt theo quá trình cung cấp vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giống.

“Mô hình sản xuất lúa gạo của Tập đoàn theo hình thức hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị. Tập đoàn đầu tư cho nông dân từ vật tư nông nghiệp đầu vào cùng với nông dân tổ chức canh tác lúa và ký kết hợp đồng đến lúc thu hoạch sẽ thu mua theo giá cả thị trường. Cùng với định hướng của mình, tập đoàn sẽ hướng đến những thị trường cao cấp như Mỹ, Hong Kong, Singapore và một số nước EU, theo lộ trình cắt giảm thuế, đặc biệt là đối với mặt hàng gạo tại các thị trường này”, ông Thọ cho biết.

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nhu cầu thị trường thế giới với loại gạo chất lượng cao ngày càng tăng, nhưng khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Một trong những khó khăn trực tiếp đó là phải cạnh tranh với Thái Lan, nơi có thương hiệu gạo thơm nổi tiếng cả về chất lượng và thương hiệu, cùng với đó là dòng gạo lúa mùa nổi tiếng của Campuchia.

Tuy nhiên, nếu bám sát vào nhu cầu thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao, thì tương lai ngành lúa gạo không chỉ mang về lợi nhuận cao hơn mà còn dễ dàng xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt, cần thay đổi tư duy xuất khẩu và tăng cường tìm kiếm các thị trường không lớn nhưng mang lại giá trị cao.

Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, trong bối cảnh thị trường lúa gạo của Việt Nam hiện nay, việc xây xựng và sản xuất thương hiệu gạo cao cấp là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, công việc này không thể tiến hành trong ngày một, ngày hai mà phải xử lý hết từ cơ cấu giống đến thủy lợi, quy trình canh tác.

“Để nâng cấp gạo xuất khẩu lên một chất lượng mới, cần có thời gian nhất định. Tuy nhiên, đây cũng là chủ chương đúng của ngành nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành lúa gạo đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ xuất khẩu hiện nay đang bám rất sát và cạnh tranh khốc liệt về mặt thị trường”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Từ trước đến nay, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu với giá thấp. Tuy nhiên, thời gian tới, ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi gạo tồn kho của Thái Lan rất lớn. Cùng với đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh. Để có thể chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài, đòi hỏi gạo Việt phải đạt về mọi mặt. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo cao cấp. 

Ông Lê Văn Bành, Cục trưởng Cục chế biến nông-lâm-thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT cho rằng, trong bối cảnh đất nước hội nhập, gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm gạo của nhiều nước khác, muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì cần phải xây dựng được thương hiệu gạo một cách bền vững:

“Quan trọng nhất hiện nay là gạo của Việt Nam phải có thương hiệu, có số lượng lớn, đồng đều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo trong tiêu chuẩn cho phép. Muốn làm tốt thì doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu, phải có giống thuần, đồng bộ như vậy mới chiến lượng xây dựng thương hiệu gạo mới thành công”, ông Bành nói.

Đề án Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng chỉ rõ, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, gạo thơm và gạo đặc sản sẽ chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Hiện nay, gạo chất lượng cao của Việt Nam chiếm 27% sản lượng xuất khẩu. Để mở rộng đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Australia… các doanh nghiệp và người nông dân cần phải đầu tư nhiều cho giống lúa, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Đây là hướng đi phù hợp để tổ chức lại sản xuất lúa gạo, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam./.