Tại hội nghị tổng kết hoạt động xuất khẩu gạo năm 2012 và phương hướng năm 2013 hôm 7.1.2012 vừa qua, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết hoạt động xuất khẩu gạo 2013 sẽ diễn ra khó khăn. Điều này khiến nhiều nông dân lo lắng vì “cái khó sẽ bó giá gạo” bởi trong năm 2012, nghịch lý về gạo vẫn xảy ra khi xuất khẩu gạo đạt 7,72 triệu tấn, trị giá gần 3,5 tỉ USD, tăng 8,2% về số lượng nhưng giảm khoảng 2% về giá trị.

Hiện nay, xuất hiện sự chênh lệch khá lớn về giá xuất khẩu gạo giữa các “cường quốc gạo” ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Theo cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), gạo Việt Nam loại 5% tấm chỉ ở mức 412 USD/tấn vào tháng 12.2012. Giá thấp hơn còn có gạo Ấn Độ, Pakistan. Trong khi đó, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ở mức 583 USD/tấn tính đến tháng 12.2012, còn giá gạo giống Indica ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc tính đến tháng 9.2012 đã tăng 11% lên mức 3.900 nhân dân tệ, tương đương 625 USD/tấn. Theo dự báo của các hiệp hội ngành hàng nông sản Việt Nam, năm 2013, giá nông sản trong đó có gạo sẽ không có nhiều biến động so với năm 2012, nghĩa là làm lúa “càng nhiều tấn, càng lỗ nhiều tiền”.

Năm 2013, giá nông sản trong đó có gạo sẽ không có nhiều biến động so với năm 2012,
 nghĩa là làm lúa “càng nhiều tấn, càng lỗ nhiều tiền”? 

Ba kịch bản cho xuất khẩu gạo

Đứng trước những “đối thủ đồng minh” với sự chênh lệch giá cả cạnh tranh lẫn thị phần, gạo Việt Nam có ba kịch bản.
Thứ nhất, lấy Ấn Độ làm hình mẫu với “gạo chất lượng thấp, giá rẻ, bán lấy lượng”. Nếu chọn con đường này, người khổ sẽ là nông dân trồng lúa. Thực tế trong năm 2012 và hiện nay, cuộc sống nông dân dường như bế tắc khi “con cá 30%” không đảm bảo cuộc sống cho họ dù lượng gạo họ làm ra “chảy” liên tục sang nước ngoài với giá rẻ bèo. Quan trọng hơn, gạo chất lượng thấp giá rẻ sẽ là cản trở lớn đối với việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Thứ hai, theo con đường của Thái Lan “bán gạo chất lượng cao, theo giá gạo chất lượng cao để lấy lời”. Con đường này cũng không kém phần gian nan, bởi gạo Việt Nam chưa có thương hiệu và sức ép cạnh tranh giá thấp từ Ấn Độ và Pakistan có thể sẽ khiến hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay người tiêu dùng chọn “no và rẻ” chứ chưa vội nghĩ đến gạo ngon. Việc Thái Lan mất thị trường Hong Kong, Trung Quốc… do gạo Việt, Ấn giá rẻ là một bài học.
Như thế, kịch bản cuối cùng sẽ đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu xuất khẩu, liên kết hợp tác xuất khẩu để đảm bảo được sự cân bằng yếu tố cung và cầu trên thị trường xuất khẩu gạo.

Nhận định về vấn nạn gạo rẻ, GS Võ Tòng Xuân cho rằng việc bán gạo nhất thiết phải chú ý đến “lợi ích quốc gia và lợi ích của nông dân, lực lượng chiếm gần 70% dân số của Việt Nam”.

Để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, giá gạo nhất thiết phải đúng với giá trị của nó. Nghĩa là Việt Nam cần đi theo hướng “gạo chất lượng cao, bán lấy lời” như mục đích của Thái Lan. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu và né bài học “mất thị trường” từ Thái Lan, hoạt động liên kết xuất khẩu – không “đơn thân độc mã” tiến hành tăng giá gạo là rất cần thiết, bởi điều này sẽ gây sốc cho thị trường; đặc biệt là khi xung quanh còn có Ấn Độ, Pakistan có một lượng gạo lớn với giá rẻ hơn nhiều. Theo ý của GS Võ Tòng Xuân, khi Chính phủ Thái Lan công bố nâng giá gạo 50%, Việt Nam nên nâng theo vì hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan chiếm thị phần rất lớn. Cả hai cùng đồng lòng sẽ có lợi cho nông dân hai nước. “Vắng bóng” Việt Nam, việc nâng giá gạo của Thái Lan hiện vẫn bị đánh giá là chiêu bài “dân tuý” mang tính tạm thời và nguy cơ “vỡ gạo” tồn kho của Chính phủ Thái Lan là rất cao.

Lợi ích quốc gia = đời sống nông dân và thương mại lúa gạo ổn định

Cùng nhìn lại thị trường gạo thế giới 2012, sản lượng xuất khẩu của các nước tăng mạnh với sự thay đổi thứ tự trên bảng xếp hạng. Sẽ có ý kiến ngợi khen gạo Ấn Độ, gạo Việt Nam với những cú “lội ngược dòng” khi giữ vị trí số một, số hai về xuất khẩu. Cũng có ý kiến chê bai, cảnh báo hoạt động thương mại lúa gạo Thái Lan khi nước này lần đầu tiên trong hơn mấy mươi năm qua tuột hạng thê thảm, đứng thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn vào các nước nhập khẩu, điển hình là Trung Quốc.

Trong năm 2012, theo FAO, Trung Quốc nhập khẩu từ 2,3 – 2,4 triệu tấn gạo, gấp bốn lần con số 600.000 tấn của năm 2011. Trung Quốc đã và đang tiến hành chính sách tăng giá gạo nội địa nhằm hỗ trợ người nông dân trong nước. Việc này dẫn đến hai “hiệu ứng” khiến hoạt động thương mại gạo Trung Quốc năm này trúng lớn. Thứ nhất, giá gạo nội địa cao giúp thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống nông dân, khuyến khích tăng gia sản xuất. Thứ hai, giá nội địa cao khiến gạo khắp nơi trên thế giới đổ về nơi này, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia với lượng chi phí bỏ ra thấp hơn do cơ chế cạnh tranh về giá giữa các nước “đối tác” như Ấn Độ, Việt Nam. Đây được đánh giá là kế hoạch “nhất tiễn song điêu”, một “lá bài” giải quyết hai vấn đề mang tính “lợi ích quốc gia” chính là: đời sống nông dân và an ninh lương thực giá rẻ. Như vậy, thặng dư mà Trung Quốc cùng nông dân nước này được hưởng chính là từ “túi” của nông dân các nước xuất khẩu giá rẻ, điển hình là Việt Nam.

Cần nhớ rằng các nước Ấn Độ, Pakistan cùng năm nước khu vực ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar tạo nên một “vành đai lúa gạo” vững chắc, đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực cho khu vực và rất nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, lời của GS Võ Tòng Xuân về vấn đề “lợi ích quốc gia – lợi ích cho người trồng lúa” là một điểm chung quan trọng, cốt yếu để các nước có thể ngồi lại đàm phán với nhau trong việc phân khúc thị trường gạo, thành lập liên hiệp gạo nhằm đồng bộ hoá chất lượng, linh hoạt hoá cung ứng gạo toàn cầu để có thể đưa hạt gạo về đúng với giá trị vốn có của nó.

Trong bối cảnh VFA dự báo “xuất khẩu gạo khó khăn”, Việt Nam nhất thiết sẽ phải chọn một trong ba kịch bản nói trên và trong đó, cần phải lưu ý giữ vững mục tiêu quan trọng nhất: lợi ích quốc gia – lợi ích của rất đông người trồng lúa, cùng với nền thương mại lúa gạo ổn định trong bối cảnh hội nhập.
Theo SGTT