Cơ quan chức năng của tỉnh đang quyết liệt vào cuộc, hướng dẫn nông dân xử lý, tiêu hủy diện tích nhiễm nặng.
Ông Trần Xuân Thành, xóm trưởng xóm Tân Quang, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành cho biết, bệnh lùn sọc đen xuất hiện ngay sau bão số 2, chủ yếu trên những chân ruộng trũng nước, ở thời kỳ cuối đẻ nhánh, đầu làm đòng. Diện tích lúa nhiễm bệnh tăng nhanh, đến nay xóm Tân Quang có 2ha nhiễm bệnh. Hiện nông dân đang tiêu hủy diện tịch bị nặng và theo dõi diện tích nhẹ để xử lý.
“Cây lúa nhiễm bệnh lùn hơn những cây còn lại, thân cứng, rễ đen, không trỗ được bông. Diện tích nhiễm nặng thì xuất hiện nốt sần trên thân, lá xoắn. Nhà tôi có 1.200m2 nhiễm nhẹ. Chúng tôi đã cắt đốt, xử lý diện tích nhiễm nặng. Với diện tích nhiễm nhẹ thì chờ khoảng 10 ngày nữa, khi thu hoạch xong sẽ đốt rạ, rải vôi, cày úp”, ông Thành cho biết.
Ông Nguyễn Khắc Đức, Chủ tịch UBND xã Hoa Thành cho biết thêm, bệnh lùn sọc đen xuất hiện ở tất cả các xóm trong xã. Đến nay, Hoa Thành có 27,5/220ha lúa hè thu – mùa bị nhiễm bệnh. Trong đó có 3ha nhiễm nặng (trên 70% diện tích bị nhiễm bệnh). Với diện tích nhiễm nặng, xã đã tổ chức tiêu hủy hết, vệ sinh kênh mương; diện tích nhiễm nhẹ đang tiếp tục theo dõi để có phương án xử lý kịp thời.
Yên Thành là huyện có diện tích nhiễm lùn sọc đen lớn nhất tỉnh với 500ha trong đó gần 160ha nhiễm nặng. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thành, đến nay huyện đã tiêu hủy được trên 100ha nhiễm lùn sọc đen nặng. Công tác tiêu hủy đang gặp những khó khăn nhất định do thời tiết và địa hình.
Một thửa ruộng bị lùn sọc đen tại huyện Yên Thành
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An, rầy nâu, rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh lùn sọc đen đang phát sinh gây hại nặng trên diện rộng. Toàn tỉnh hiện có trên 3.763,8ha nhiễm rầy, trong đó có 105,65ha nhiễm nặng và 2,4ha “cháy rầy”. Diện tích nhiễm rầy tập trung tại các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Đô Lương, Tương Dương... Mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2 , nơi cao 2.000 – 3.000 con/m2, cá biệt trên 5.000 con/m2. Vì thế, bệnh lùn sọc đen đang có nguy cơ lây lan rộng.
“Lúa bị nhiễm bệnh ở một số giống như nếp 97, nếp 352, Bắc thơm số 7… chủ yếu trên những chân ruộng trũng đã từng xuất hiện bệnh năm 2009.
Đầu vụ hè thu, khi cây lúa bị rầy tấn công, chúng tôi đã lấy mẫu đi xét nghiệm nhưng âm tính; sau cơn bão số 2, các mẫu xét nghiệm lại dương tính với bệnh lùn sọc đen. Thời điểm nhiễm bệnh, lúa đã ở thời kỳ cuối đẻ nhánh, đầu làm đòng.
Do không có thuốc đặc trị nên chúng tôi chỉ đạo nông dân cắt, đốt, cày úp đất, rải vôi để xử lý.
Diện tích nhiễm bệnh chủ yếu là ruộng trũng ở giữa những cánh đồng lớn nên nông dân chỉ cắt thủ công, không thể đưa máy vào. Hơn nữa, những ngày gần đây trời mưa, nông dân không ra đồng xử lý được”, ông Dương cho biết.
Trước diễn biến của bệnh lùn sọc đen, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ hè thu - mùa 2017 tại 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An cho biết: “Bệnh lùn sọc đen xuất hiện tại các huyện Yên Thành; Quỳnh Lưu; Tân Kỳ; Diễn Châu… trên hầu hết các giống lúa. Tỉnh đang tập trung dập dịch trên đồng ruộng bằng hình thức cắt, đốt, cày lật đất, bón vôi. Sắp tới sẽ tổ chức các cuộc hội thảo bàn về phương pháp phòng trừ để chủ động cho những vụ mùa tiếp theo.
"Bà con có thể nhận biết bệnh lùn sọc đen thông qua những dấu hiệu như cây lúa thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoắn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.
Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen”, ông Đức cho biết.
Nông dân Yên Thành phá bỏ diện tích nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen
Rải vôi diệt nguồn bệnh
Tác nhân gây bệnh lùn sọc đen (SRBSDV) là do virus thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới chính truyền bệnh. Virus không truyền qua trứng rầy. Bệnh không truyền qua hạt giống lúa, không truyền qua đất và tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe. Bệnh cũng có thể lưu tồn trên lúa chét của cây lúa bị bệnh trước đó. Virus gây bệnh tồn tại trong cơ thể của rầy lưng trắng sống qua đông hoặc di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và một số loài cây khác ở các vùng khác hoặc vụ tiếp theo.
VĂN DŨNG (Nông Nghiệp Việt Nam)