Ngày 26.9, ông Hà Ngọc Uyển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Tính đến cuối tháng 9, trên địa bàn tỉnh đã có 5 huyện bị nhiễm bệnh khảm lá virus hại cây sắn (mì), gồm Phú Thiện, A Yun Pa, Krông Pa, Ia Pa và Chư Pứh với diện tích gần 100ha. Bệnh khảm lá do virus sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây trồng và có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Theo ông Uyển, bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh khiến nhiều diện tích giống mới trồng buộc phải nhổ bỏ, tiêu hủy.
Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá gây vàng, xoắn lá (ảnh minh họa)
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai vừa ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan khẩn trương phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn, giao các địa phương đã xuất hiện bệnh khẩn trương đánh giá, xác định mức độ gây hại của bệnh và giai đoạn sinh trưởng của cây sắn để khoanh vùng và tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn.
Đối với diện tích sắn đã nhiễm bệnh thì tổ chức phun trừ môi giới truyền bệnh, hạn chế mầm bệnh lây lan.
Theo đó, nếu có bọ phấn trên cây sắn thì phun thuốc diệt trừ ngay, phun trên ruộng nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ di chuyển sang gây bệnh. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine, chú ý phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn.
Tiến hành nhổ bỏ tiêu hủy diện tích cây sắn bị bệnh khảm virus để tránh lây lan nguồn bệnh. Cũng theo công điện này, tỉnh nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11.
Hiện đã có 12 tỉnh thành nhiễm dịch khảm lá mì. Ảnh: Nguyên Vỹ
Phía Chi cục Trồng trọt tỉnh Gia Lai cũng có khuyến cáo nông dân nên chọn giống kháng bệnh, giống ít nhiễm bệnh như KM 94, KM 95, KM 98-5, KM 98-1, KM 140. Chi cục cũng bố trí cán bộ hướng dẫn nông dân cách phát hiện bệnh, kiểm tra thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp phòng trừ lây lan.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, bệnh khảm lá sắn do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (Begomovirus: Geminiviridae) gây ra, lây lan qua hom giống và môi giới truyền bệnh từ bọ phấn trắng. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá: Mức độ nhẹ lá biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo. Một khi cây nhiễm bệnh thì rất khó chữa, phương pháp ngăn bệnh lây lan hiệu quả là tiêu hủy cây trồng nhiễm bệnh.
Dịch khảm lá mì đã xuất hiện, gây hại ở 12 tỉnh
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay bệnh khảm lá mì đã xuất hiện, gây hại ở 12 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM, Long An, Gia Lai và Phú Yên.
Trước đó, vào cuối tháng 8, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 1.130ha mì bị bệnh khảm lá, tập trung tại các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Pắc, Ea H’leo. Trong đó, có 165ha nhiễm nặng trên 70%.
Ở huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), nhiều diện tích mì đang bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan nhanh khiến người dân phải nhổ bỏ. Đây là loại bệnh lần đầu tiên gây hại ở vùng trồng mì trong tỉnh, khiến nông dân lo lắng.
Đặc biệt là tại Tây Ninh, tính đến giữa tháng 9 đã có hơn 34.450ha mì nhiễm bệnh, chiếm 96,2% diện tích sản xuất.
Để khống chế nguồn bệnh lây lan, Bộ NNPTNT đã tạm thời cho phép tỉnh này dùng 2 loại hoạt chất có tính lưu dẫn là Dinotefuran và Pymetrozine để chống dịch trên địa bàn. Trước đó, Sở NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh làm đầu mối giới thiệu các địa chỉ cung cấp giống mì KM94 sạch bệnh được đưa từ các địa phương khác về.
Lê Kiến (Dân Việt)