Năm 1991, ông Lực đã bắt đầu áp dụng mô hình sản xuất không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc phòng trừ sâu rầy, bệnh đều áp dụng phương thức quản lý dịch hại trên đồng ruộng như bẫy đèn, hệ thống thủy lợi với diện tích vài công để làm lúa cho gia đình. Sau khi thấy hiệu quả, ông Lực đã áp dụng với diện tích hơn 7 ha của gia đình chuyên trồng lúa cho hiệu quả thiết thực.
Tâm sự cùng chúng tôi, ông Lực cười và nói: “Cách đây vài chục năm thì cách làm của chú được xem là “khùng” vì đi khác so với những ruộng xung quanh, năng suất lúa thấp hơn và mạo hiểm nếu áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật sẽ mất trắng. Nhưng quan điểm của chú là phải tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, bảo vệ môi trường sống bởi chính chúng ta không tự bảo vệ mình thì ai sẽ bảo vệ mình”.
Câu chuyện chưa dừng lại đây, trong những năm đầu áp dụng phương thức trên, ông Lực đã phải chịu nhiều “gièm pha” từ những người xung quanh vì không ai có thể chấp nhận cách làm “trái chiều” như thế. Bằng sự kiên nhẫn, tính cần cù và ham học hỏi, ông Lực đã tham gia nhiều lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp như: quản lý dịch hại tổng hợp IPM, mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... từ đó mà áp dụng vào sản xuất trên đồng ruộng của mình. Hiện tại, gia đình ông Lực áp dụng hơn 7 ha đất canh tác giống OM 5451 cho năng suất dao động từ 6 - 6,5 tấn/ha bằng hoặc thấp hơn năng suất sản xuất truyền thống không nhiều. Đổi lại là chi phí đầu tư chỉ dao động từ 600.000 - 900.000 đồng/công, thấp hơn 1/2 so với sản xuất truyền thống.
Từ hiệu quả thiết thực mà nhiều nông dân đã tìm đến ông Lực học hỏi cách làm “quái lạ” này. Đến nay, có hơn 300 nông dân với tổng diện tích hơn 400 ha đất chuyên trồng lúa được áp dụng mô hình “nói không” với thuốc trừ sâu, rầy. Đây là bước đột phá và công lao rất lớn của một lão nông dám nghĩ dám làm. Chỉ cần tính toán mỗi 1 ha mỗi vụ sẽ sử dụng bao nhiêu trừ sâu, trừ rầy và mỗi năm 2 vụ sản xuất thì cứ nhân lên 400 ha có thể thấy giúp bảo vệ được môi trường sống xanh và an toàn.
Ông Bùi Thanh Tùng (46 tuổi) ngụ ấp Vĩnh Thới, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú cho biết, ban đầu cũng không dám làm vì sợ lúa không có năng suất, chất lượng kém. Sau khi áp dụng mới thấy được hiệu quả thiết thực của nó và bảo vệ môi trường sống. Phải nói anh Lực là người mở đường để nông dân huyện An Phú có được sản phẩm sạch, giúp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và cả người dùng lúa gạo hiện nay.
Bên cạnh việc sản xuất lúa thì ông Lực còn đầu tư hơn 30 hécta chuyên trồng rau màu, khoai môn, bắp nhằm đa dạng nguồn sản phẩm giúp gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ những kết quả đạt được, ông Lực thường xuyên có mặt trong các đợt khen thưởng của tỉnh, huyện về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân sản xuất ứng dụng công nghệ sinh thái bảo vệ môi trường. Chia sẻ kinh nghiệm về cách làm của mình, ông Lực cho biết thêm, ưu điểm của việc sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy là sản xuất bền vững, không làm bạc màu đất, không sử dụng chất độc hại sẽ thu hút được thiên địch trên đồng ruộng để quản lý dịch hại và các biện pháp cơ học để phòng trừ sâu bệnh. Cốt lõi trong sản xuất lúa gạo là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ được môi trường sống xung quanh.
Theo Chí Trung (Khoa học phổ thông)