Vụ ĐX 2017 - 2018 toàn miền Bắc theo kế hoạch gieo cấy 1,132 triệu ha, giảm khoảng 12 nghìn ha so với lúa vụ ĐX 2016 - 2017; phấn đấu năng suất trung bình đạt 62,8 tạ/ha tăng 0,6 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 7,119 triệu tấn.
Nông dân miền Bắc chăm sóc lúa xuân trong điều kiện thời tiết thuận lợi
Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ gieo cấy 352 ngàn ha, dự kiến năng suất 61,9 tạ/ha, sản lượng 2,179 triệu tấn; vùng ĐBSH gieo cấy 535 ngàn ha, năng suất 66 tạ/ha, sản lượng 3,531 triệu tấn; vùng trung du, miền núi phía Bắc gieo cấy 245 ngàn ha, năng suất 57,5 tạ/ha, sản lượng 1,409 triệu tấn.
Cho đến thời điểm này, toàn miền cơ bản đã gieo cấy xong (ngoại trừ một số huyện của Lạng Sơn gieo cấy vào cuối tháng 3, đầu tháng 4).
Mặc dù có những trận rét đậm, rét hại vào tuần 2 và 3 của tháng 1, trùng với thời vụ gieo cấy của vùng Bắc Trung Bộ, làm một phần nhỏ diện tích gieo sạ và cấy của khu vực này bị chết rét, song diện tích thiệt hại không đáng kể (chủ yếu Nghệ An).
Đợt rét này mang lại lợi ích cho trồng trọt khá lớn, vì nó “tôi luyện” được mạ, làm mạ qua giá nên sinh trưởng mạnh hơn khi ấm dần. Đợt rét cũng khá hữu hiệu đối với việc kìm hãm và tiêu diệt một số đối tượng sâu hại, đặc biệt các loại rầy với nguy cơ tiềm ẩn chứa sẵn nguồn virus lùn sọc đen phương Nam. Đợt lạnh rất có ích với các loại rau ôn đới, nhóm cây vụ đông ưa lạnh và khoai tây. Vì vậy năng suất chất lượng rau ôn đới vụ này khá cao. Năng suất khoai tây cao hơn năm trước 1,5 đến trên 2 tấn/ha.
Việc lấy nước phục vụ gieo cấy điều tiết khá tốt và cũng thuận lợi vì trước khi lấy nước đổ ải lại cũng có mưa, mực nước nguồn hệ thống cao hơn năm trước nên việc bơm tát ở vùng cao hoặc lấy nước tự chảy ở vùng hạ du khá thuận.
Báo cáo nhanh tiến độ gieo cấy từ các địa phương, tổng diện tích có khả năng vượt kế hoạch đề ra do giai đoạn gieo cấy đại trà khá thuận, gieo sạ lên nhanh, mạ nền đẹp cấy dôi và dư thừa mạ.
Hiện lúa ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang đẻ nhánh tối đa và sẽ kết thúc đẻ nhánh trong tuần tới. Lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc tùy vùng cũng đã và đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đẻ rộ.
Quan sát của chúng tôi cho thấy nhiều năm gần đây, vụ xuân này mới thấy lúa có hiện tượng bắn nhiều “lá tỏi” khi bén rễ và bước vào đẻ nhánh. Nhiều vùng gieo cấy đúng kỹ thuật và sử dụng phân bón cân đối hợp lý, lúa có màu xanh mỡ màng và khỏe. Một vụ xuân như vậy thường hứa hẹn một vụ bội thu.
Thời tiết đang vô cùng thuận lợi cho lúa sinh trưởng, đồng thời cũng vô cùng lý tưởng cho các ổ sâu bệnh bùng phát nếu không kiểm soát sớm và kịp thời. Xin được lưu ý các giải pháp quan trọng sau:
- Vùng Bắc Trung Bộ:
Khuyến cáo nông dân và các hợp tác xã thủy nông rút nước phơi ruộng với những trà lúa, chân ruộng lúa đã đẻ kín đất, chật khóm. Áp dụng canh tác tiến bộ SRI (tưới ướt khô xen kẽ) để hạn chế đẻ nhánh, tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu, chắc gốc. Sau 4 - 5 ngày, tùy điều kiện, khi lội xuống thấy mặt ruộng đã se, chân lún nhẹ thì lấy lại nước và bón thúc Kali clorua sau 1 - 2 ngày. Chân ruộng gieo cấy sau, chưa đẻ tối đa cần giữ nước nông cho đến khi lúa đẻ kín hàng và áp dụng biện pháp chăm sóc như trên.
Vùng Bắc Trung Bộ đã xuất hiện các ổ bệnh đạo ôn trên lá. Đây cũng là giai đoạn mẫn cảm của lúa vì diện tích lá đã cao, chuyển mùa cùng với những đợt không khí lạnh gây mưa, mưa phùn ẩm độ luôn bão hòa, nguồn bệnh đã sãn có tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan rộng.
Các địa phương cần tăng cường công tác dự tính dự báo, phát hiện ổ bệnh và phòng trừ sớm bằng thuốc đặc hiệu để dập nguồn, tránh lây lan diện rộng. Giải pháp này được xem là rất hiệu quả vì đỡ tốn kém tiền công phun thuốc và bảo vệ môi trường.
Cần theo dõi sát diễn biến bệnh lùn sọc đen phương Nam, quản lý tốt tập đoàn rầy nhất là rầy lưng trắng, test nhanh nguồn virus để có giải pháp sớm.
Theo tiến độ gieo cấy và sinh trưởng, lúa sẽ phân hóa vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, trổ bông cuối tháng 4 đầu tháng 5 dương lịch; tùy vùng có thể dịch muộn hơn 5 - 7 ngày. Cần dự báo sớm phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ, đục thân để chủ động phòng trừ.
Với những bài học đắt giá của vùng này, cần quyết liệt triển khai công tác bảo vệ thực vật ở giai đoạn cuối, nhất là giai đoạn đã có lá công năng và lá đòng, giai đoạn trước và ngay sau trổ bông với những nguy cơ của đạo ôn cổ bông và các đối tượng gây hại khác. Cần nhớ rằng có những loại bệnh chỉ có phòng trước nếu thấy thời tiết đủ điều kiện cho bệnh tấn công.
- Vùng đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc:
Khuyến cáo nông dân khẩn trương tỉa dặm để đảm bảo mật độ, nhất là các chân ruộng gieo sạ, gieo vãi. Điều tiết nước nông mặt ruộng (3 - 5cm). Bón thúc ngay khi lúa bắt đầu đẻ nhánh (nhổ thấy có rễ trắng, bắn lá mới). Bón hết lượng phân NPK phức hợp hoặc hỗn hợp dành cho chuyên thúc với lúa.
Bà con nông dân chú ý quan sát tìm hiểu kỹ khi mua phân bón, tốt nhất nên mua ở địa chỉ tin cậy và của các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi. Việc bón thúc sớm tạo điều kiện cho lúa đẻ nhanh, đẻ sớm, dảnh hữu hiệu cao, bông to, nhiều hạt.
Dự báo trong 18 - 20 ngày tới lúa toàn vùng hoàn thành đẻ nhánh và bước vào phân hóa, sẽ trổ bông đại trà vào tuần 1 và tuần 2 tháng 5 dương lịch.
Như vậy tuần tới chỉ số diện tích lá cũng sẽ tăng nhanh và đạt ngưỡng tối đa. Thời tiết khá thuận cho lúa sinh trưởng, nhất là nếu có mưa rào thì lúa sẽ lên cực nhanh, lá mỡ, xanh đen và thừa đạm.
Ẩm độ không khí luôn ở ngưỡng cao là điều kiện cần và đủ cho nấm bệnh đạo ôn bùng phát. Vì vậy bệnh đạo ôn trên lá cũng cần được cảnh báo và theo dõi chặt cho cả vùng, vì bà con gieo cấy nhiều giống chất lượng cao, và ít có giống kháng mạnh với đạo ôn.
Cần đặc biệt theo dõi và phòng trừ ngay các ổ bệnh xuất hiện sớm trên các giống nhiễm như BC15, BT7, nếp… Như vùng Bắc Trung Bộ, các đối tượng như lùn sọc đen cũng không được chủ quan mặc dù vụ xuân nguy cơ gây hại là thấp, nhưng nó lại là cầu nối cho vụ mùa. Do vậy cần theo dõi chặt diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng.
Khi lá công năng xuất hiện phải có giải pháp theo dõi, dự tính, dự báo tốt sâu đục thân, cuốn lá, các đối tượng gây hại khác.
Rút nước phơi ruộng và bón kali đúng thời điểm: Kali sẽ cho hiệu quả cao hơn với lượng bón thích hợp vào đúng giai đoạn lúa phân hóa (bà con gọi là lúa có cứt gián). Kinh nghiệm là quan sát lá trên cùng của cây lúa, nếu thấy lá thắt ngẫng ở vị trí cách chóp lá 2 - 3cm thì lúa đã phân hóa đòng ở bước 1 - 2 và lúc này cần bón kali ngay.
Vụ lúa đông xuân năm nay xem ra khá thuận, nếu làm tốt công tác bảo vệ cuối vụ thì “đầu xuôi, đuôi lọt”. Hy vọng là một vụ bội thu, được mùa được giá.
TRẦN XUÂN ĐỊNH (Nông Nghiệp Việt Nam)