So với các loại bệnh gây hại trên lúa thì lùn sọc đen được xem là bệnh rất nguy hiểm bởi chưa có thuốc diệt trừ. Bệnh lây truyền từ cây chủ mang bệnh, thông qua môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, nếu diện tích nhiễm bệnh không được tiêu hủy thì nguy cơ lây lan sang những mùa vụ sau là rất cao. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân vẫn rất chủ quan, không chủ động tiêu hủy diện tích nhiễm bệnh.
Rải vôi diệt nguồn bệnh
Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, năm 2009, khi bệnh lùn sọc đen trên lúa lần đầu xuất hiện, nhờ sự vào cuộc tích cực quyết liệt, tập trung phòng trừ bằng cách tiêu hủy những ruộng lúa bị bệnh nên đến vụ xuân 2010 bệnh gần như không xuất hiện.
“Cho đến năm 2014, vấn đề xử lý hạt giống, cây mạ trước khi cấy rất được quan tâm, hầu như đều phun thuốc trừ rầy, công tác quản lý dịch hại thực hiện cẩn thận. Thế nhưng mấy năm gần đây, do tư tưởng chủ quan vì không thấy bệnh xuất hiện, việc phun phòng rầy trước khi đưa mạ ra ruộng hầu như bị bỏ qua. Trong khi đó, virus gây bệnh vẫn có thể tồn tại trong cây lúa, cây cỏ cộng với diễn biến thời tiết thất thường nên bệnh lùn sọc đen xuất hiện cũng là điều dễ hiểu”, ông Nguyễn Tiến Đức cho hay.
Trước tình hình này, các địa phương đã chủ động chỉ đạo nông dân khẩn trương triển khai các phương án phòng và dập dịch, tránh lây lan sang vụ xuân 2018.
Cán bộ Trạm Trồng trọt - BVTV huyện Yên Thành hướng dẫn nông dân cách phát hiện bệnh lùn sọc đen
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: “Ngay từ vụ đông, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương chủ động theo dõi sự xuất hiện của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên cây ngô vụ đông để chủ động phòng trừ, tiêu hủy nguồn bệnh và phun trừ rầy môi giới. Chúng tôi khuyến cáo bà con trước khi gieo cấy 5 - 7 ngày phải vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng, cỏ dại quanh bờ ruộng, mương dẫn nước và cày bừa kỹ, bón vôi xử lý đất và mầm bệnh; kiểm tra, phát hiện và phun trừ kịp thời rầy lưng trắng trên bờ vùng, bờ thửa, mương máng... nhằm hạn chế rầy di chuyển qua mạ, lúa”.
Để hạn chế sự lây lan của bệnh lùn sọc đen lúa, huyện Yên Thành chỉ đạo nông dân hạn chế hoặc không sử dụng giống dễ nhiễm rầy, đặc biệt là trên vùng đã nhiễm bệnh bệnh lùn sọc đen vụ HT - mùa 2017. Các địa phương gieo mạ tập trung để dễ chăm sóc và phòng trừ rầy; không gieo trên các ruộng bị nhiễm bệnh, gần đường đi, gần các nguồn sáng ban đêm nhằm hạn chế thu hút rầy gây hại. Gieo mạ bằng phủ nilon 100% diện tích. Thực hiện xử lý hạt giống bằng các thuốc xử lý hạt giống như Enaldo 40FS, Cruiser Plus 312,5 FS, Sakura 40WP trước khi ngâm ngủ, trước khi đưa mạ ra cấy 3 - 4 ngày tiến hành phun tiễn chân mạ bằng các loại thuốc nội hấp.
Nông dân Yên Thành tiêu hủy diện tích lúa nhiễm bệnh lùn sọc đen vụ HT - mùa 2017
Ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết thêm: “Sau khi thu hoạch lúa vụ HT – mùa, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục tồn tại trên lúa chét, các loại cây thuộc họ hòa thảo khác. Trong khi nguồn bệnh hiện đang tồn tại trên lúa chét, các ký chủ phụ là rất lớn, do đó nguy cơ bệnh phát sinh gây hại trong vụ xuân 2018 sẽ rất cao. Đến nay bệnh chưa xuất hiện trên ngô vụ đông, nhưng không có nghĩa chúng ta được quyền chủ quan".
"Hiện là thời điểm chuẩn bị đến thời vụ bắc mạ lúa xuân, các địa phương cần tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ rầy. Ngay sau khi mở nilon che mạ cần phải phun thuốc trừ rầy có tác dụng nội hấp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp nhằm hạn chế rầy gây hại và truyền bệnh. Sau đó, tuỳ từng giai đoạn phát triển của lúa sẽ tiến hành các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo để hạn chế mất mùa”, ông Nguyễn Văn Lập.
VĂN DŨNG (Nông Nghiệp Việt Nam)