Một số kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp An Giang trong năm 2016 là tốc độ tăng trưởng 2%, giá trị sản xuất tăng thêm 8 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 7,95 triệu đồng...


Quyết tâm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp để nâng thu nhập nông dân An Giang   

Tốc độ tăng trưởng 2%, giá trị sản xuất tăng thêm 8 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 7,95 triệu đồng, vượt kế hoạch về cung cấp nước sạch, số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)... là những kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp An Giang năm 2016.

Đó là cơ sở, điều kiện để ngành đặt quyết tâm lớn năm 2017. Năm 2016 được xem là thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp khi 3 vụ sản xuất chính đều chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết.

Trong đó, vụ đông xuân và hè thu chịu tác động của đợt hạn hán, nước mặn xâm nhập nghiêm trọng nhất trong lịch sử, vụ thu đông bị thiệt hại lớn do mưa bão kéo dài thời điểm cuối năm. Đã thế, thị trường cho 2 mặt hàng lúa và cá chưa có nhiều chuyển biến tích cực, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng dày, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Năm qua tỉnh đã nỗ lực nâng tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 728.496ha vượt 1,24% so kế hoạch, tăng 21.248ha so năm 2015. Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là cây lúa khi tổng diện tích gieo trồng đạt 669.011ha, tăng 24.753ha so năm 2015. Diện tích tăng cùng với năng suất của hầu hết các loại cây ăn quả đều tăng như: Xoài (đạt gần 18 tấn/ha, sản lượng gần 92.000 tấn, tăng 16.000 tấn), chuối (hơn 18,9 tấn/ha, sản lượng hơn 24.000 tấn), nhóm cây ăn quả có múi (hơn 8 tấn/ha, sản lượng gần 1.776 tấn)... nên hiệu quả sản xuất được phát huy.

Đối với chăn nuôi, trong bối cảnh tổng đàn trâu, bò giảm 15.806 con so cùng kỳ (tổng đàn đến cuối năm 2016 có 99.916 con), số đàn heo đã được tăng lên 123.386 con, tăng 16.545 con để bù đắp. Trong khi đó, đàn gia cầm cũng đạt khoảng 4,4 triệu con, tăng 38.550 con so cùng kỳ.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Năm qua do những cố gắng từ phía nông dân cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành đã kéo tốc độ tăng trưởng khu vực I năm 2016 tăng 2% so năm 2015. Giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 163 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 7,95 triệu đồng. Trong khi đó, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 80% (kế hoạch đề ra là 78%), có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM (chỉ tiêu là 6 xã), tỷ lệ che phủ rừng được duy trì đạt 22,4%...

Năm 2017 được An Giang chọn chủ đề là “Năm doanh nghiệp”, đồng hành cùng DN, hỗ trợ DN. Ông Thư cho biết thêm, đây chính là điều kiện để các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp biết đến tiềm năng, chủ trương, thế mạnh của tỉnh. Các DN đã và đang có kế hoạch đầu tư trên địa bàn tỉnh, quyết tâm gắn bó với tỉnh nhiều hơn.

Đối với mô hình “Cánh đồng lớn”, tuy còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu đã định hình ngày càng rõ nét. Có nhiều DN chú ý đến việc hỗ trợ hình thành các HTX kiểu mới trong hợp tác liên kết. Trong mô hình này, HTX đóng vai trò là tổ chức đại diện cho hộ sản xuất ký hợp đồng với DN, sản xuất theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu thị trường. HTX dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy trình DN đưa ra, tạo sản phẩm có chất lượng đồng nhất, số lượng lớn và có nơi tiêu thụ.

Các mô hình liên kết đang ngày càng phát huy hiệu quả, gần đây xuất hiện thêm mô hình mới là liên kết trồng chuối xuất khẩu, HTX sản xuất lúa Nhật… Tỉnh đang tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ có sự tham gia mạnh mẽ của DN thì mới giải quyết được bài toán đầu vào, đầu ra, phát triển thị trường ổn định, xây dựng thương hiệu nông sản. Qua đó, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân.

Năm 2017, ngành nông nghiệp An Giang đưa ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.