Nguồn vốn đầu tư ít, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn nên hơn 5 năm, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của tỉnh chưa đạt kết quả như mong muốn. Để lĩnh vực này phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành “đầu tàu” phải có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn.


Mô hình trồng hoa trong nhà lưới tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh
 
Hạn chế về nguồn lực

Theo UBND tỉnh, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, ngân sách tỉnh mới đầu tư được 32 tỷ đồng cho chương trình. Số vốn này chủ yếu phục vụ cho việc xây dựng các dự án vùng trọng điểm lương thực hàng hóa, đề án phát triển đàn bò, quy hoạch chuyển đổi cây điều, mắc ca…, còn những tiêu chí “cứng” như: Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chương trình, hỗ trợ giống, vật tư, đào tạo kỹ thuật cho người tham gia thì lại chưa có nguồn lực để thực hiện.

Cùng với việc đầu tư trực tiếp cho chương trình, nguồn lực để triển khai thu hút đầu tư, phát triển thị trường cũng rất hạn hẹp. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010-2016, toàn tỉnh thu hút 30 nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC, trong đó, có 14 dự án đã được UBND tỉnh cho chủ trương đồng ý triển khai.

Tuy nhiên, tính đến nay, tỉnh mới thực hiện được chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho 2 doanh nghiệp, với số tiền hỗ trợ là 5 tỷ đồng. Riêng các chính sách hỗ trợ khác về đất đai, tài chính tín dụng, thị trường và xúc tiến thương mại, hỗ trợ phòng chống thiên tai dịch bệnh thì chưa có nguồn lực để hỗ trợ.

Chưa kể, khu nông nghiệp CNC của tỉnh đã có, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, chưa được đầu tư thỏa đáng do điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế, chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở để thu hút các nhà đầu tư.

Nhiều “rào cản” trong triển khai thực hiện

Cùng với nguồn lực “khiêm tốn”, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh Đắk Nông đang gặp khá nhiều “rào cản”.

Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục 3A và các chuyên gia Israel mới đây, khi trình bày về thực trạng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại tỉnh Đắk Nông, ông Lê Văn Một, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Đối tượng triển khai thực hiện chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, các loại hình doanh nghiệp đa phần chưa thực sự được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết như vốn, thị trường, kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ… để kịp thời đón nhận các chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực này chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp nên chưa tạo được nguồn sản phẩm hàng hóa lớn. Trái lại, một số nhà đầu tư tâm huyết, tiềm lực muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng không có quỹ đất sạch để bố trí. Trong khi việc liên hệ với chủ đất và các địa phương cũng gặp không ít khó khăn do hầu hết đất có đủ điều kiện đã bị xâm canh.

Ngoài những khó khăn trên, cũng theo ông Một, trong quá trình thực hiện nông nghiệp ứng dụng CNC, quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề còn rất mới, trong khi chưa có mô hình mẫu để nghiên cứu, học tập rút kinh nghiệm, áp dụng với thực tế của tỉnh. Nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, hay các thế mạnh chăn nuôi chưa có chính sách riêng đặc thù đủ mạnh để phát triển bứt phá. Điều then chốt nữa là việc ứng dụng CNC vào nông nghiệp đòi hỏi cần có lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp nhưng về phía địa phương, doanh nghiệp chưa xây dựng được đội ngũ này.

 
Nhiều sản phẩm rau, củ, quả của Đắk Nông được giới thiệu tại các buổi xúc tiến thương mại với các đối tác
tại thành phố Hồ Chí Minh
 
Phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng liên kết

Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Công nghệ giáo dục 3A và các chuyên gia Israel mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng nhấn mạnh, muốn phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tương xứng với tiềm năng, lợi thế, các cấp, ngành của địa phương sẽ nghiên cứu để có những giải pháp mang tính “đột phá” hơn. Trước mắt, tỉnh Đắk Nông sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc ngành nông nghiệp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng liên doanh, liên kết. Để làm được điều này, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết các loại cây chủ lực, các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, từ đó, xác định vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho từng loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá hàng nông, lâm, thủy sản tỉnh Đắk Nông ở cả trong nước, nước ngoài sẽ được tỉnh chú trọng. Tăng cường tổ chức nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu, tháo gỡ các “rào cản” thương mại, thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản, bảo đảm tiêu thụ nông sản kịp thời, hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người sản xuất.  

Bài, ảnh: Nguyễn Lương