Theo thống kê, toàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) hiện có 1.830 ha trồng rau hoa ứng dụng công nghệ cao, trong đó 1.500 ha trồng rau, 330 ha trồng hoa. Các mô hình đầu tư rau, hoa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Lạc Dương ngày càng được mở rộng cả về quy mô lẫn diện tích…
Nơi hấp dẫn các nhà đầu tư
Nếu như trước đây Lạc Dương được biết đến như là một trong những địa phương nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn; thì hiện nay Lạc Dương đã là cái tên được gắn liền với thương hiệu của nhiều DN, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước với những dự án quy mô, bài bản.
Các mô hình sản xuất NNCNC của VinEco ở Lạc Dương đang rất hiệu quả.
Vingroup là một ví dụ. Cuối năm 2015, tập đoàn này đã quyết định đầu tư vào Lâm Đồng với việc xây dựng 4 farm tại Đà Loan (Đức Trọng), Phúc Thọ (Lâm Hà). Riêng địa bàn Lạc Dương được lựa chọn để xây dựng 2 farm tại xã Đa Nhim (500 ha) và Đa Chais (83 ha). Hiện hơn 100 ha đã đi vào sản xuất.
Anh Phạm Quốc Huy - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật tại các farm của VinEco (thuộc tập đoàn Vinggroup) trên địa bàn Lạc Dương, cho biết: Các farm ở Lâm Đồng đi vào sản xuất từ tháng 11/2015, tuy nhiên đến nay đã chiếm 10% sản lượng trong toàn VinEco. VinEco có thể đầu tư kỹ thuật ở tất cả các farm trong cả nước là như nhau, song khí hậu là điều không thể “mua” hay can thiệp bằng kỹ thuật được.
Bởi vậy với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lâm Đồng có thể xem là đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Và trong các địa phương mà VinEco tiến hành khảo sát để đầu tư ở Lâm Đồng thì Lạc Dương là huyện có nhiều tiềm năng sản xuất nông nghiệp nhất. Đó cũng là lý do VinEco đầu tư xây dựng trên địa bàn này 2 farm.
Hiện các farm của VinEco ở Lạc Dương đã được sản xuất các loại rau ôn đới cao cấp như cà chua, dưa leo, ớt ngọt, xà lách giống của Nhật… Theo thống kê, sản lượng thu hoạch đợt 1 cao gấp nhiều lần so với sản xuất theo quy trình bình thường.
Cũng theo anh Huy, tại các farm của VinEco ở Lạc Dương, cây được trồng với mật độ cao gấp đôi so với các farm khác trong cả nước như ớt 50.000 cây/ha, cà chua 25.000 cây/ha, xà lách 20.000 cây/ha. Khi kỹ thuật là như nhau thì mật độ này có được hoàn toàn nhờ vào việc Lạc Dương có điều kiện thuận lợi đặc biệt về khí hậu.
Ngoài VinEco, trên địa bàn Lạc Dương còn có nhiều DN của Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư. Bên cạnh đó, các DN khác của Đà Lạt cũng đầu tư tại đây như HTX Anh Đào 100 ha, Đà Lạt GAP 15 ha, Rừng Hoa Đà Lạt 20 ha… Mỗi DN một cách đầu tư với các sản phẩm khác nhau, góp phần làm cho sự phát triển NNCNC ở Lạc Dương ngày một sôi động.
Ông Sử Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho hay: Lạc Dương với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt, quỹ đất còn khá dồi dào, rừng chiếm 85% độ che phủ, là điều kiện lý tưởng để đầu tư sản xuất NNCNC. Bên cạnh đó, địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, là vệ tinh sản xuất NNCNC của thành phố Đà Lạt mở rộng. Đó là “thiên thời” để Lạc Dương tích cực kêu gọi các DN lớn về đầu tư lĩnh vực này trên địa bàn như Vingroup và TH True milk… Bản thân lãnh đạo huyện đã ra tận trụ sở của Vingroup tại Hà Nội đặt vấn đề và xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Huyện cũng kêu gọi, tạo điều kiện liên kết với chính các DN ở Đà Lạt để họ mở rộng sản xuất trên địa bàn huyện.
Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi tất yếu
Để hướng đến một nền NNCNC phát triển đi vào quy củ, bền vững, vào tháng 7/2016, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2020.
Sản xuất nông nghiệp ở Lạc Dương đạt bình quân 200 triệu/ha.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh có trên 12.000 ha rau ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chiếm gần 22,1% tổng diện tích rau đang canh tác toàn tỉnh; trong đó, diện tích chủ yếu tập trung tại thành phố Đà Lạt và một số vùng lân cận như huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương.
Theo đề án, các địa phương trong huyện với lợi thế khác nhau đã được xác định những hướng đi cụ thể. Đơn cử tại xã Đạ Sar, trong năm 2016, huyện tập trung làm điểm cho xã, vận động bà con người dân tộc thiểu số chuyển bớt diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng rau.
Đầu tiên mô hình được thực hiện với 20 hộ liên kết với HTX Anh Đào. Từ mô hình này, huyện đã hỗ trợ về kinh phí sản xuất để bà con xây dựng hệ thống tưới 5 triệu/sào; hỗ trợ về kỹ thuật với việc thành lập tổ công tác có sự tham gia chính của Phòng nông nghiệp và Trung tâm nông nghiệp, thường xuyên xuống tận cơ sở cùng tham gia sản xuất với bà con giai đoạn ban đầu.
Xã Đạ Sar đã chọn cho mình hướng đi là phát triển NNCNC. Nghị quyết đại hội đảng bộ xã xác định, giai đoạn 2015 – 2020, xã phấn đấu phát triển 300 ha NNCNC. Nếu như những năm 90 Đạ Sar có cuộc vận động người dân trồng cà phê, thì nay xã lại có cuộc vận động bà con chuyển một ít diện tích cà phê kém hiệu quả sang sản xuất rau công nghệ cao. Cuộc vận động này được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Từ 20 hộ thí điểm ban đầu với diện tích gần 2 ha, đến những tháng cuối năm 2016, con số này đã tăng lên gần 100 hộ với diện tích 25,5 ha. Tất cả các hộ đều là người dân tộc thiểu số.
Ông Bùi Quốc Huân, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar cho hay: Trước đây 1 ha cà phê cho thu 100 triệu đồng/năm. Nhưng với việc chuyển đổi một ít diện tích cà phê không hiệu quả sang trồng rau, cứ khoảng 40 ngày bà con thu hoạch một lứa rau, thu về khoảng 50 triệu đồng. Năm 2016 Đạ Sar đặt mục tiêu giảm 20 hộ nghèo, tuy nhiên hiện nay đã giảm được 25 hộ. Số hộ nghèo toàn xã còn 9,4%, sang năm mục tiêu giảm còn dưới 7%. Kết quả đó có được một phần không nhỏ nhờ bà con mạnh dạn chuyển sang sản xuất NNCNC.
Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương còn ban hành quyết định về việc tuyển nhân sự đối với khuyến nông viên bắt buộc phải có bằng đại học, cao đẳng hoặc ít nhất là trung cấp chuyên nghiệp về nông nghiệp để làm khuyến nông viên cấp xã và chi trả theo bằng. Hiện tất cả các xã, thị trấn thuộc huyện Lạc Dương đều có khuyến nông viên có trình độ chuyên môn. Đội ngũ này là lực lượng trực tiếp thực hiện triển khai công tác chuyển đổi NNCNC tại cơ sở.
Mặt khác, huyện còn phối hợp với DN mở các lớp đào tạo cho bà con. Điều này giúp DN có được nhân công, bà con có việc làm đồng thời biết cách để sản xuất hiệu quả trên diện tích đất của mình. Tư tưởng sản xuất của bà con đã thay đổi và tăng thu nhập. Hiện giá trị bình quân trên một đơn vị diện tích đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đầu tư của DN và sự hưởng ứng của người dân đã góp phần tạo nên “nhân hòa” trong phát triển NNCNC ở Lạc Dương.
Thanh Sa