Về lâu dài, chỉ có phương án nghiên cứu ra các giống sắn kháng/chống chịu với virus khảm lá sắn mới có thể đối phó với loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Kiểm tra dịch khảm lá sắn tại Tây Ninh
Trước tình hình dịch khảm lá sắn đang bùng phát dữ dội tại các tỉnh phía Nam nước ta, hôm qua (15/8), Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi họp bàn, thảo luận các phương án phòng chống đối với dịch bệnh hết sức nguy hiểm này.
Dập dịch bằng thuốc BVTV là bất khả thi
PGS.TS Hà Viết Cường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), người từng có bề dày trong nghiên cứu về bệnh khảm lá sắn trong những năm gần đây ở Việt Nam cho biết: Tại châu Á, bệnh khảm lá sắn được công bố đầu tiên tại Ấn Độ năm 1985 và tiếp theo tại Sri Lanka năm 2002. Cả một thời gian dài, bệnh chỉ giới hạn tại 2 quốc gia này và được gọi là bệnh khảm lá sắn Tiểu lục địa Ấn Độ. Cho tới trước năm 2015, khu vực Đông Nam Á vẫn được xem là sạch với bệnh khảm lá sắn. Tuy nhiên, vào tháng 5/2015, bệnh đã được phát hiện thấy tại 2 tỉnh Ratanakiri và KaunMoum của Campuchia, giáp với tỉnh Tây Ninh của Việt Nam.
Cho tới nay, đã có tổng số 12 virus gây bệnh khảm lá sắn được ghi nhận trên thế giới. Tất cả các virus gây bệnh khảm lá sắn đều thuộc chi Begomovirus, họ Geminiviridae (vì cùng chi Begomovirus nên các virus còn được gọi là các begomovirus). Tại Việt Nam, qua phân tích, virus gây bệnh tại các tỉnh phía Nam của nước ta đã được xác định là Sri Lankan cassava mosaic virus (SLCMV) – 1 trong 2 begomovirus gây bệnh khảm lá sắn tại Tiểu lục địa Ấn Độ.
TS. Cường lo ngại: Do mức độ đa dạng di truyền lớn và phổ ký chủ rât rộng nên phòng chống bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), môi giới truyền virus SLCMV, cực kỳ khó. Bọ phấn trắng là một phức hợp loài gồm ít nhất 31 loài khác nhau. Theo các nghiên cứu mới nhất của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tại nước ta hiện có ít nhất 6 loài bọ phấn trắng B. tabaci khác nhau, trong đó thành phần loài ở miền Nam tương tự Thái Lan, với loài chính là Asia-1, thành phần loài miền Bắc lại giống với phía nam Trung Quốc, chủ yếu là loài MEAM-1 (trước kia gọi là biotype B). Bọ phấn trưởng thành có thể tự di chuyển khoảng 7 km dẫn tới tốc độ lan truyền của bệnh khảm lá nhờ bọ phấn khoảng 30-40 km/năm.
Theo PGS Lê Ngọc Anh, chuyên gia côn trùng học, điều nguy hiểm nhất là phổ ký chủ của các loài bọ phấn trắng B. tabaci cực kỳ rộng, có khả năng nhiễm tới 600 loài cây thuộc 74 họ thực vật.
Ảnh: L.B
“Việc ngăn chặn các begomovirus gây bệnh khảm lá sắn khác, nhất là từ các nguồn vật liệu giống đến từ Châu Phi, thâm nhập vào Việt Nam cũng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt thông qua biện pháp kiểm dịch thực vật. Bởi việc nhiễm hỗn hợp các begomovirus virus khảm lá khác nhau trên cây sắn sẽ khiến mức độ bệnh rất nghiêm trọng và bẻ gãy tính kháng (nếu có) của cây sắn.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc BVTV có thể diệt trừ được bọ phấn trắng. Tuy nhiên, do đa dạng về loài, lại có phổ ký chủ vô cùng rộng khiến việc diệt trừ bọ phấn trắng trên cây sắn để ngăn dịch khảm lá sắn bằng biện pháp sử dụng thuốc BVTV là điều bất khả thi. Bọ phấn trắng từ các đối tượng cây trồng khác có thể tái nhiễm các diện tích sắn đã được diệt trừ. Chiến lược quản lý bệnh khảm lá sắn quan trọng nhất là phải chọn tạo ra được giống sắn kháng hoặc chịu bệnh” – TS Cường khẳng định.
Chọn tạo giống kháng bệnh là chiến lược ưu tiên số 1
Đồng tình với TS Hà Viết Cường, TS Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện BVTV cho rằng: Bên cạnh khó khăn trong vận động nông dân, hiện nay, việc vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy đối với các diện tích sắn nhiễm bệnh, thậm chí chuyển đổi diện tích sắn nhiễm bệnh sang cây trồng khác chỉ có ý nghĩa phần nào giảm bớt được nguồn bệnh, và điều này cũng chỉ có ý nghĩa khi tỉ lệ nhiễm còn ít và cục bộ.
Bên cạnh đó, việc diệt trừ môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng cũng sẽ không khả thi do sự đa dạng về loài và đối tượng ký chủ của chúng vô cùng rộng. Vì vậy theo TS Viễn, giải pháp để ứng phó một cách lâu dài, bền vững với bệnh virus khảm lá sắn, không còn cách nào khác là phải đầu tư cho việc nghiên cứu, chọn tạo các giống sắn có khả năng kháng được với virus khảm lá sắn.
Ông Viễn nhấn mạnh: Sắn là cây lương thực chủ lực, đóng góp rất quan trọng trong SX và kim ngạch XK của nước ta hiện nay, tuy nhiên trong vòng 7-8 năm gần đây, cây trồng này cũng liên tiếp dính phải nhiều dịch bệnh rất nguy hiểm như dịch rệp sáp hồng hại sắn, bệnh chổi rồng và hiện nay đang là bệnh khảm lá.
Theo đó, kinh nghiệm trong đối phó lâu dài, hiệu quả với bệnh virus trên cây sắn có thể đúc rút trong việc khống chế bệnh chổi rồng. Từ khi thay thế giống KM54 vốn nhiễm nặng với bệnh chổi rồng bằng các giống khác có khả năng kháng/chịu, đặc biệt là giống sắn KM140 có khả năng kháng rất tốt thì dịch chổi rồng trên sắn cũng chấm dứt. Vì vậy, để khống chế được dịch khảm lá sắn, không còn cách nào khác là phải nghiên cứu, chọn tạo được càng nhiều giống kháng với virus này càng tốt.
Cây sắn mắc bệnh
TS Viễn cũng cảnh báo: Một trong những giải pháp để hạn chế, tránh rủi ro và thiệt hại lớn khi có bệnh virus, đó là cần SX nhiều giống khác nhau trong một vùng SX. Tuy nhiên, việc người dân hiện nay đồng loạt đưa vào SX một số giống sắn chưa được công nhận chính thức và lại bị nhiễm nặng với bệnh khảm lá như giống HLS 11 là vô cùng nguy hiểm. “Để hạn giảm bớt sự bùng phát của bệnh, khâu kiểm soát giống đảm bảo sạch bệnh trước khi đưa ra SX cũng vô cùng quan trọng. Đây là việc phải siết chặt và không quá khó bởi cây sắn mẹ dùng làm hom giống bị bệnh sẽ có biểu hiện rất đặc trưng. Bên cạnh đó, việc SX, nhân giống khi đưa ra SX cũng phải lấy mẫu để sàng lọc kỹ, bởi có thể có lô giống đã ủ mầm virus khảm lá nhưng chưa biểu hiện lâm sàng ra bên ngoài” – ông Viễn lưu ý.
Theo TS Hà Viết Cường, nhiều giống sắn kháng/chịu bệnh khảm lá hiện đã được tạo ra, phần lớn sử dụng nguồn gen kháng từ cây sắn dại, hoặc từ các dòng sắn trồng nhiệt đới. Tuy nhiên sau một số thành công bước đầu, chủ yếu tại châu Phi, nhiều giống kháng lại bị nhiễm lại, chủ yếu do giống kháng bị nhiễm hỗn hợp các loài virus khảm lá khác nhau.
Mặc dù vậy, việc sử dụng giống kháng hoặc chịu bệnh dùng gen kháng tự nhiên hiện vẫn được xem là giải pháp hứa hẹn nhất nhằm kiểm soát bệnh khảm lá sắn hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vật liệu gen kháng bệnh hiện chủ yếu nhằm vào các virus khảm lá sắn thuộc Châu Phi, chưa có nghiên cứu về chọn tạo giống sắn kháng SLCMV. Vì vậy, đây sẽ là khó khăn trong việc nghiên cứu, chọn tạo giống sắn kháng virus khảm lá tại nước ta trong thời gian tới.
GS.TSKH Trần Duy Qúy, nguyên Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) lạc quan hơn khi cho biết: Hiện nay, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT), nguồn vật liệu gen kháng với virus khảm lá sắn tại nước ta đã khá đa dạng. Vì vậy thời gian tới, các đơn vị chủ lực như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, CIAT Việt Nam, Viện BVTV... cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để sớm nghiên cứu, chọn tạo các giống sắn kháng được với loài virus khảm lá sắn.
Sự xuất hiện của bệnh khảm lá sắn tại Campuchia được công bố năm 2016 đã gây lo ngại lớn cho các nước trồng sắn khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước giáp Campuchia. Cục BVTV Việt Nam cũng đã ra nhiều thông báo, đặc biệt cho các tỉnh trồng sắn giáp biên giới Campuchia nhằm giám sát sự xuất hiện của bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn xâm nhập vào Việt Nam, xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Tây Ninh.
Theo thông báo của Cục BVTV, vào cuối năm 2017, gần 6 nghìn trong tổng số 50 nghìn ha sắn của tỉnh Tây Ninh đã bị nhiễm bệnh, trong đó khoảng 860 ha bị nhiễm với tỷ lệ bệnh > 70%. Tới tháng 6/2018, tổng diện tích nhiễm bệnh đã lên tới trên 14 nghìn ha, trong đó có 1.900 ha có tỷ lệ bệnh >70%.
Bệnh không dừng lại tại tỉnh Tây Ninh mà tiếp tục lan rộng sang các tỉnh lân cận. Vào tháng 5/2018, bệnh đã lan sang tỉnh Bình Dương với diện tích nhiễm bệnh là 195 ha. Theo Cục BVTV, đến tháng 7/2018, đã có 4 tỉnh là Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, bị nhiễm bệnh khảm lá với tổng diện tích 29.160ha (tăng 28.867ha so với cùng kì năm 2017). Riêng tỉnh Tây Ninh có 28.586ha bị bệnh (5.581ha nhiễm nặng; diện tích tiêu hủy 143,2ha).
LÊ BỀN (Nông nghiệp VN)