(PL+) - Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, không ai có thể thay thế được vai trò chủ thể của người nông dân. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới và 28 năm thực hiện chính sách “khoán 10”, nhiều cơ chế, chính sách đã bất cập trước tình hình mới, không những không cho phép phát huy đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân mà còn đẩy nông dân trở thành đối tượng yếu thế, bấp bênh, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường.
Để tìm hướng tháo gỡ những khó khăn, bất cập này, hôm qua (28/11), Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập”.
“Nói tới vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nói tới một thành phần xã hội đóng vai trò chủ đạo, có vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp – nông thôn, còn các thành phần xã hội khác chỉ là đối tác hoặc vệ tinh. Xác định không đúng vai trò chủ thể của nông dân không những không phản ánh đúng bản chất của quan hệ kinh tế – xã hội nông thôn mà còn gây nên tình trạng loạn chức năng xã hội trên mỗi địa vực và khu vực kinh tế…”, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Xuất phát từ yêu cầu thị trường để tổ chức lại sản xuất
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, phát huy vai trò của nông dân trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất lớn, đụng chạm cả những vấn đề chiều sâu lý luận và thực tiễn phong phú.
Bởi vậy “rất cần đến vai trò Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách đột phá; vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại”, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Môn, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải ứng dụng các thành tựu khoa học để mang giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó không thể thiếu vai trò của hợp tác xã (HTX) trong tạo ra sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với bất lợi của thị trường; vai trò của các tổ chức xã hội, trực tiếp là Hội Nông dân, làm “bà đỡ” cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức; cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong kinh tế thị trường…
Cùng quan điểm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, muốn hoàn thành nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi nhận thức của toàn xã hội về nông nghiệp Việt Nam.
Phải xuất phát từ nhu cầu và yêu cầu thị trường mà tổ chức lại sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân.
Theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, những hộ nông dân không liên kết vẫn có thể mua trực tiếp các nguyên liệu đầu vào nhưng sẽ không đàm phán được giá mua, chất lượng cũng không đảm bảo; khi bán sản phẩm - do không có thương hiệu - nên lại tiếp tục bị ép giá.
Như vậy, hộ nông dân bị lép vế, không có năng lực đàm phán trên cả 2 thị trường đầu vào, đầu ra. Năng suất của hộ nông dân có thể rất cao, song thu nhập vẫn rất thấp vì bị ép giá ở cả 2 đầu.
Bởi vậy, “HTX có sức mạnh kinh tế để đàm phán mua đầu vào, bán đầu ra có lợi cho hộ nông dân xã viên của HTX”, ông Nhân nói.
Tái cơ cấu, trước tiên phải vì người trực tiếp sản xuất
Theo ông Nhân, không chỉ có thế mạnh trong nghiên cứu thị trường, quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, HTX còn góp phần hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật mới, giám sát tuân thủ các yêu cầu chất lượng, lập quỹ dự phòng rủi ro để hỗ trợ nông dân khi gặp khó khăn.
“Việc nông dân liên kết qua HTX là mô hình cơ bản nhất để đảm bảo quyền lợi, quyền làm chủ của nông dân, từ đó làm cơ sở để liên kết sản xuất ở mức độ cao hơn, có lợi cho nông dân hơn qua liên kết thành lập Liên hiệp HTX hoặc liên kết với các doanh nghiệp.
Thông qua phương thức sản xuất HTX và Liên hiệp HTX, vị thế của người nông dân trong đàm phán mua bán trên thị trường được thay đổi căn bản, là tiền đề để phân phối lại giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất nông nghiệp”, ông Nhân lưu ý.
Nhất trí cho rằng cần phải tổ chức lại sản xuất từ hộ nông dân nhỏ lẻ sang hợp tác liên kết thị trường qua việc phát huy thế mạnh của từng sản phẩm nông nghiệp ở mỗi vùng miền, nhưng theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, việc tái cơ cấu nông nghiệp trước hết cần tập trung vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân.
“Phải hướng tái cơ cấu nông thôn mới vào trong mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần xã hội nông thôn. Thứ hai, hãy vì người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thứ ba, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho nông dân trong quá trình tái cơ cấu”, ông Ngọ đề xuất.
Còn TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại nhấn mạnh đến sức ảnh hưởng to lớn của Hội Nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Hội Nông dân không chỉ đóng vai trò là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước mà còn đại diện cho nông dân trong các chính sách quan trọng như: đất đai, nước, xây dựng công trình lớn, tạo môi trường, việc làm”.
Ngoài ra, Hội Nông dân cũng cần đóng vai trò là khách hàng đại diện cho nông dân để lựa chọn đề tài nghiên cứu, chương trình khuyến nông, đánh giá chương trình và từ đó có định hướng đúng đắn giúp nông dân làm chủ khoa học, công nghệ, tiến tới làm chủ thị trường.