Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn gắn với tổ chức tiêu thụ trong vụ đông xuân năm 2016-2017. Ảnh: LÊ BỀN

Vụ đông xuân 2016-2017 là vụ lúa đầu tiên các tỉnh phía bắc triển khai theo đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo. Theo nhận định của ngành khí tượng thủy văn, diễn biến thời tiết trong vụ lúa này tương đối thuận lợi. Vì vậy, các địa phương cần bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo hướng tránh rét đầu vụ, tránh lũ cuối vụ, chọn các giống chủ lực, chất lượng cao và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch từ lúa sang các cây trồng khác hiệu quả hơn…
 
Từ thắng lợi vụ lúa mùa…

Từ tháng 5-2016, thiên tai xảy ra liên tục, liên tiếp bốn cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (BTB), trong đó nghiêm trọng nhất là cơn bão số 1 ập vào các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trong giai đoạn lúa mùa mới gieo cấy. Dịch bệnh trên lúa mùa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ… bùng phát và gây hại trên diện rộng. Mặc dù vậy, theo Cục Trồng trọt, vụ mùa năm 2016, năng suất lúa trung bình các tỉnh phía bắc vẫn đạt 50,5 tạ/ha, tăng nhẹ 0,1 tạ/ha so với 2015. 

Vụ mùa năm 2016, xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhất là chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị hơn tiếp tục chuyển biến mạnh. Cụ thể, toàn miền bắc đã giảm khoảng 13 nghìn ha lúa so vụ mùa năm 2015 và tính chung cả năm 2016, toàn miền bắc chuyển đổi được hơn 24,5 nghìn ha đất lúa sang cây trồng khác. Các diện tích đất chuyển đổi ở miền bắc khá đa dạng, nhưng đều là chuyển sang các cây trồng khác có lợi thế, giá trị cao hơn như các loại cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rau màu các loại. Việc sử dụng các giống lúa chất lượng có giá trị hàng hóa tiếp tục tăng cao, trong đó tổng diện tích lúa chất lượng cả hai vụ hè thu và vụ mùa đạt khoảng 513.000ha, chiếm 40% tổng diện tích lúa gieo cấy.

Cũng theo Cục Trồng trọt, đến nay hầu như tất cả các tỉnh miền bắc đã có quy hoạch vùng cho khu vực sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến hàng trăm ha trở lên, với nhiều cây trồng khác nhau như: lúa, ngô, rau, đậu. Các tỉnh phía bắc xây dựng được 859 mô hình cánh đồng lớn, diện tích hơn 42.000 ha, tăng hơn 2.600 ha so với năm 2015. Nhiều tỉnh thành lập cả ban chỉ đạo, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn như: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…

…đến vụ lúa đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lúa, gạo

Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Định, đề án tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 có 25 chương trình, dự án được ưu tiên vốn, gồm các nội dung như: quy hoạch, rà soát quy hoạch hoàn chỉnh hạ tầng đồng ruộng, chuyển đổi đất lúa; các dự án, đề tài khoa học công nghệ cho nghiên cứu chọn tạo giống; tổ chức sản xuất và cơ giới hóa, chế biến; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu... với tổng vốn đầu tư khoảng bảy nghìn tỷ đồng. Đề án hướng tới mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, cả nước có 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, đến năm 2030 đạt 50%, trong đó 30% là gạo thơm, gạo đặc sản. Như vậy, ngay từ vụ lúa đông xuân này, các địa phương cần điều chỉnh cơ cấu giống hợp lý theo mục tiêu của đề án này.

Theo kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân 2016-2017 của Cục Trồng trọt, toàn miền bắc dự kiến gieo cấy 1,137 triệu ha lúa với năng suất trung bình dự kiến 63 tạ/ha (tăng 0,2 tạ/ha so vụ đông xuân trước). Trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi, Cục đề ra các giải pháp kỹ thuật cụ thể là: Hạn chế trà lúa xuân sớm, đặc biệt đối với vùng ĐBSH, chỉ xem xét làm trà xuân sớm đối với một số chân đất trũng. Với sản xuất lúa lai, khuyến khích tăng diện tích với những vùng sản xuất có ưu thế như vùng BTB và trung du, miền núi phía bắc. Về cơ cấu giống, đối với quy mô vùng, tỉnh chỉ nên tập trung ba đến bốn giống chủ lực, có tiềm năng; đặc biệt lưu ý lựa chọn các giống chống chịu tốt với sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn, bạc lá... Mở rộng diện tích sản xuất bằng biện pháp gieo thẳng, áp dụng các biện pháp canh tác nhằm giảm lượng phân bón, thuốc BVTV sẽ giúp giảm lượng giống, giảm chi phí sản xuất. 

Cục đề nghị ngành nông nghiệp tại các địa phương cần tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất theo hướng chuyên môn hóa như: áp dụng gói kỹ thuật; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất với quy mô cánh đồng lớn, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cũng như tổ chức thu mua sản phẩm nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa

Năm 2016, trước tình hình sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao, một số địa phương thuận lợi về thị trường đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa sang trồng rau củ, cây ăn trái, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nông sản xuất khẩu trong cánh đồng mẫu lớn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hưng Yên, năm 2016, tỉnh Hưng Yên chuyển đổi khoảng 1.373 ha đất lúa, trong đó chuyển sang cây trồng hằng năm là 945 ha, mô hình lúa - cá là 428 ha. Việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. 

Ngành nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị Bộ NN và PTNT cần nghiên cứu giải pháp để các địa phương có thể áp dụng linh hoạt chủ trương chuyển đổi cơ cấu sao cho phù hợp với đặc thù của vùng, cơ chế để bà con nông dân lựa chọn chuyển sang trồng nhãn, chuối, cam, hoặc làm trang trại tổng hợp sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng rau màu. Còn tại tỉnh Hà Nam, năm 2016 đã chuyển đổi từ đất hai vụ lúa sang trồng rau màu khoảng 530 ha, năm 2017 dự kiến chuyển đổi tiếp 537 ha. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn liên kết với nông dân sản xuất lúa, rau màu chất lượng cao như Công ty CP An Phú Hưng, Công ty VinEco, Công ty CP Giống cây trồng T.Ư…

Theo Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh, vụ đông xuân này, diện tích lúa ở miền bắc dự kiến giảm khoảng 18 nghìn ha so vụ đông xuân 2015 - 2016. Đối với diện tích chuyển đổi, Bộ NN và PTNT khuyến khích các địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi từ đất lúa ở vùng khó canh tác sang các loại rau màu gắn chặt với bảo đảm khả năng tiêu thụ. Theo đó, nâng tổng diện tích rau màu các loại trong vụ đông xuân tới lên 523 nghìn ha, tăng 27 nghìn ha so vụ đông xuân trước. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với cơ giới hóa, liên kết tiêu thụ và phải khẳng định được hiệu quả cao hơn trồng lúa để nông dân yên tâm sản xuất.
 
KIM BẢNG