Tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập năm 2015 (M&A Forum 2015) vừa qua, Ban Tổ chức đã bình chọn danh mục 50 thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2014 - 2015 trên tất cả các lĩnh vực, từ bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính - ngân hàng. Báo Đầu tư online - Baodautu.vn xin giới thiệu lần lượt các thương vụ tiêu biểu trên các lĩnh vực và những đánh giá của giới chuyên môn về các thương vụ. 

Masan thâu tóm Proconco và ANCO

- Thời gian: 5/2015
- Bên mua: Masan         
- Bên bán: Proconco, Anco
- Tính chất: Mua lại
- Giá trị: n/a.

27/4/2015, HĐQT Tập đoàn Masan thông qua việc mua phần vốn góp tương đương 99,99% vốn điều lệ của Công ty TNHH SamKim – công ty hiện đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp số cổ phần chi phối của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và Công ty Cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco).



Như vậy, thông qua việc mua lại Công ty TNHH Sam Kim, Masan Group cấu trúc lại sở hữu Proconco với tỷ lệ chi phối 52% và sở hữu Anco với tỷ lệ 70%.  Masan Group sau đó đã đổi tên Công ty Sam Kim thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science và có trong tay 1 nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Việc quay trở lại thâu tóm và nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là Proconco - sở hữu 52% và Anco - sở hữu 70% cổ phần cho thấy Masan chưa hề từ bỏ mục tiêu thống lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Thương vụ cũng cho thấy bước đi tiếp theo của tập đoàn này nhằm hoàn tất chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm của công ty.

Thương vụ thâu tóm giúp Masan đạt được cả 2 mục đích: giúp tập đoàn này vừa sở hữu cổ phần lớn tại 2 công ty kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng cao đồng thời là một khâu trong chuỗi sản xuất mà Masan cần. Sau khi có được Proconco và Anco, toàn bộ quy trình sản xuất thực phẩm của Masan được khép kín, từ cung cấp nguyên liệu, nuôi dưỡng, chế biến và phân phối.

Thương vụ này ngay lập tức đưa Masan trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành thức ăn chăn nuôi chỉ sau tập đoàn CP (Thái Lan)

FIT – TSC Cần Thơ / FIT – Dược Cửu Long

- Thời gian: 2014
- Bên bán: TSC Cần thơ
- Bên mua: CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL)
- Tính chất: Mua lại
- Tỷ lệ: 60.07%
- Giá trị: n/a

Thương vụ M&A với DCL là thương vụ thành thành công thứ 2 của F.I.T (sau TSC), với việc thúc đẩy nhanh tiến độ sở hữu DCL so với dự kiến cũng như thay đổi tích cực đang diễn ra mạnh mẽ tại đây sẽ góp phần tạo thêm một động lực lớn cho F.I.T và đánh dấu sự ra nhập vào ngành hàng dược phẩm đầy tiềm năng.



Ngành dược với quy mô hàng tỷ đô la mỹ là một trong những lĩnh vực mà F.T.T quan tâm đầu tư và DCL là một công ty với nhiều yếu tố cạnh tranh nổi bật như doanh nghiệp với sản phẩm đa dạng, hệ thống phân phối rộng và đặc biệt là việc sản xuất viên nang mềm (capsule) nội địa duy nhất. Đây là yếu tố để DCL có thể bật lên mạnh mẽ nếu được F.I.T tái cấu trúc toàn diện. DCL cũng đáp ứng những tiêu trí lựa chọn M&A.

Metro Việt Nam và Tập đoàn Berli Jucker (BJC)

- Thời gian: Tháng 8/2014
- Bên bán: Metro Việt Nam
- Bên mua: Tập đoàn Berli Jucker (BJC)
- Tính chất: Mua lại
- Tỷ lệ: 100%
- Giá trị: 879 triệu USD
* Thương vụ chưa hoàn thành

Ngày 7/8/2015, Tập đoàn Metro (Đức) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. BJC mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam, tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan.



Các bên liên quan kỳ vọng câu chuyện thành công của Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy và tăng cường với năng lực hoạt động hiệu quả và khả năng mở rộng thị trường của tập đoàn BJC. Về phía BJC cũng tin tưởng đây là bước ngoặt đưa BJC lên vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực Đông Nam Á.

Metro có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện Metro Cash & Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên, đạt doanh thu 516 triệu euro trong tài khóa 2012-2013.

Tuy nhiên nỗ lực mua lại Metro Việt Nam của Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) vấp phải sự phản đối của nhóm cổ đông thiểu số vì họ lo ngại rủi ro tài chính và pháp lý. Vì vậy, thương vụ chưa hoàn thành.

Giống cây trồng TW (Vinaseed) -  Giống cây trồng miền Nam (SouthernSeed)

- Thời gian: 2014
- Công ty mục tiêu: SSC
- Bên mua: NSC
- Tính chất: Mua lại
- Tỷ lệ: 61,4%
- Giá trị: n.a

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Giống Cây trồng Trung ương, công ty công bố Hoạt động sản xuất được đẩy mạnh với quy mô sản xuất tăng trưởng 161%, quy mô vùng sản xuất mở rộng gần như khắp cả nước. Hoạt động M&A được Vinaseed đẩy mạnh triển khai với tổng chi phí đầu tư gần 380 tỷ đồng. Vinaseed đã thực hiện thành công mua thêm cổ phiếu SSC của Giống cây trồng miền Nam, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên hơn 61% và chính thức trở thành cổ đông mẹ của doanh nghiệp Giống cây trồng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Thương vụ này thể hiện xu hướng tập trung và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các nhà đầu tư tại Việt nam. Thương vụ này cũng có ý nghĩa với Pan Pacific với chiến lược mô hình công ty Holding trong lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp.

Đường Biên Hòa sáp nhập với đường Ninh Hòa

- Thời gian: 2014
- Bên sáp nhập: Đường Ninh Hòa
- Bên nhận sáp nhập: Đường Biên Hòa
- Tính chất: Sáp nhập
- Tỷ lệ: 100%
- Giá trị: 1.238 tỷ

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã thông qua phương án nhận sáp nhập CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1.



Theo đó, BHS sẽ sở hữu 100% NHS theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu NHS đang lưu hành theo tỷ lệ 1:1. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, CTCP Đường Biên Hòa sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất 100% vốn điều lệ của NHS và CTCP Đường Ninh Hòa sẽ được đăng ký chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên. 

Theo thông tin từ lãnh đạo của BHS, sau thương vụ sáp nhập này, BHS sẽ có vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23,500 ha, công suất thiết kế nhà máy của BHS dự kiến sẽ tăng lên đến 11,700 tấn mía/ngày (TMN). Ngoài ra, BHS sẽ đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 38 doanh nghiệp đường đang hoạt động.

Standard Chartered Private Equity (SCPE) - Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS)

- Thời gian: 10/2014
- Bên bán: CT Bảo vệ thực vật An Giang
- Bên mua: Standard Chartered Private Equity
- Tính chất: Mua lại
- Tỷ lệ: 36%
- Giá trị: 90 triệu USD

Theo một biên bản họp đại hội cổ đông thường niên 2014 của AGPPS vào tháng 4-2014, ông Huỳnh Văn Thòn nói công ty đang cơ cấu lại cổ đông vì một số nhà đầu tư không phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty. Tuy nhiên, ông Thòn cho biết cũng có một số nhà đầu tư phù hợp và thống nhất với tầm nhìn phát triển của công ty, và SCPE là một trong hai nhà đầu tư tiềm năng được AGPPS xem xét.

SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered – đơn vị đã cho AGPPS vay 70 triệu đô la Mỹ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn của AGPPS trong việc phát triển cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long.Việc mua cổ phần với tổng giá trị 90 triệu USD của AGPPS là khoản đầu tư thứ hai vào Việt Nam được SCPE công bố.

Standard Chartered là một trong số ít những định chế tài chính đã cam kết hỗ trợ tăng trưởng nông nghiệp tại châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. SCPE sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển hoạt động của AGPPS trong phân khúc lúa gạo, thuốc bảo bệ thực vật và giống cây trồng, cũng như các hoạt động nhiều hứa hẹn khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam.

Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau                   

- Thời gian IPO: 11/2014
- Đơn vị phát hành: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau
- Vốn điều lệ (VĐL)5.294 tỷ đồng (529.400.000 cổ phần)
- Khối lượng chào bán: 128.951.300 CP (24,36% VĐL)
- Khối lượng trúng giá: 128.951.300 CP
- Giá bình quân/CP: 12,251 đồng/CP
- Giá trị thương vụ: 1.579.792.260.000 VNĐ

Ngày 12/11/2014, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, PVCFC) tổ chức IPO thành công với 128.951.300 cổ phiếu của PVCFC đã được đấu giá hết tại mức giá bình quân 12,251 đồng/cp.

Có 1,178 nhà đầu tư trúng giá tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 1,579.8 tỷ đồng, qua đó giúp PVCFC trở thành thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2014. 

Tập đoàn Dệt May Việt Nam

- Thời gian IPO: 9/2014
- Đơn vị phát hành: Tập đoàn Dệt May Việt Nam
- Vốn điều lệ (VĐL): 5.000 tỷ đồng (500.000.000 cổ phần)
- Khối lượng chào bán: 245.000.000 CP (49,00% VĐL)
- Khối lượng trúng giá: 110.558.200 CP
- Giá bình quân/CP: 11,000 đồng/CP
- Giá trị thương vụ: 1.216.160.500.000 VNĐ                 

Đứng thứ 2 về tổng giá trị cổ phần bán được thuộc về đợi IPO của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) diễn ra vào ngày ngày 22/09/2014. Mặc dù chỉ 90% số cổ phần đấu giá thành công nhưng Vinatex vẫn thu về hơn 1,200 tỷ đồng. 

Buổi đấu giá có sự tham gia của 87 nhà đầu tư đăng ký đấu giá 110.5 triệu cp, gồm 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 18 cá nhân nước ngoài, 3 tổ chức trong nước và 12 tổ chức nước ngoài. Mức giá bình quân thành công là 11,000 đồng/cp. 

Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)

- Thời gian IPO: 9/2014
- Đơn vị phát hành: Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)
- Vốn điều lệ (VĐL): 1.315 tỷ đồng (131.500.000 cổ phần)
- Khối lượng chào bán: 31.097.900 CP (23,65% VĐL)
- Khối lượng trúng giá: 31.097.900 CP
- Giá bình quân/CP: 19,330 đồng/CP
- Giá trị thương vụ: 601.132.180.000 VNĐ

Ngày 18/9/2014, 31.097.900 cổ phần chào bán của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã trúng thầu với mức giá bình quân 19,330 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được hơn 601 tỷ đồng.

Sau khi IPO thành công, SASCO cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ lần đầu tiên để thông qua định hướng phát triển sản xuất kinh doanh giai đoạn 2015 – 2017 với lợi nhuận tăng từ 170 tỷ đồng lên gần 188 tỷ đồng. Riêng năm 2014, SASCO ước tổng doanh thu đạt trong năm đạt gần 2,100 tỷ đồng và lãi ròng đạt gần 130 tỷ đồng.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam

- Thời gian IPO: 11/2014
- Đơn vị phát hành: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam
- Vốn điều lệ (VĐL): 14.000 tỷ đồng (1.400.000.000 cổ phần)
- Khối lượng chào bán: 49.009.008 CP
- Khối lượng trúng giá: 49.009.008
- Giá bình quân/CP: 19,330 đồng/CP
- Giá trị thương vụ: 1.093.244.838.400 VNĐ

Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã tổ chức đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 49 triệu cổ phiếu vào ngày 14/11/2014. Kết quả 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết, tương ứng giá trị hơn 1,093 tỷ đồng, trong đó đã có hai nhà đầu tư đặt mua gần hơn 48.3 triệu cổ phần là Ngân hàng Vietcombank và Techcombank.

Buổi đấu giá có sự tham gia đăng ký mua của 1,608 nhà đầu tư với khối lượng đặt là 49,336,200 cổ phiếu của VietnamAirlines, vượt gần 330,000 cổ phần số cổ phần chào bán. Trong đó có hai nhà đầu tư đặt mua gần hơn 48.3 triệu cổ phần là Ngân hàng Vietcombank và Techcombank, chiếm gần 99% tổng số chào bán; còn lại là 1,578 nhà đầu tư cá nhân trong nước, 28 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và không có tổ chức nước ngoài nào tham gia đặt mua.

Được biết, Vietnam Airlines từng là cổ đông lớn của Techcombank trước khi thực hiện thoái vốn ngoài ngành theo yêu cầu của Nhà nước. Hai bên đã có quan hệ hợp tác trong 15 năm qua và có nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu kinh doanh qua lại.

Mức giá khởi điểm là 22,300 đồng/cp. Mức giá đặt mua cao nhất là 223,000 đồng/cp (gấp 10 lần giá khởi điểm) với khối lượng 100 đơn vị của Chứng khoán Ngân hàng BIDV - BSI; mức giá đặt mua thấp nhất là 22,300 đồng/cp với phần lớn lệnh đặt mua.
Baodautu.vn