“Lý do chính của việc điều chỉnh này là DCM chuyển từ mô hình Công ty TNHH MTV sang mô hình CTCP từ ngày 15/01/2015 và nhằm phân tách các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh thành 2 giai đoạn hoạt động của Công ty để phù hợp với các báo cáo trước cổ đông sau mỗi năm hoạt động”.

Tổng giám đốc Bùi Minh Tiến đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về lý do điều chỉnh kế hoạch 2015 mà CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – DCM) vừa công bố đầu tháng 7. Ông cũng tự tin khẳng định, điều chỉnh này không làm thay đổi chỉ tiêu đã đề ra của cả năm 2015 và đây sẽ lại là một năm thành công của DCM.

Tình hình thị trường urê trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh lượng cung vượt cầu, DCM đã có chiến lược gì để duy trì thị phần và tăng sức cạnh tranh ?

Hiện nay, tình hình thị trường urê trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thêm vào đó, chính sách thuế mới theo Luật 71/2014/QH13 khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh lượng cung vượt cầu. Để duy trì thị phần và tăng sức cạnh tranh, DCM đã thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, về sản xuất, DCM tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu hóa công nghệ nhà máy. Nhờ đó nhà máy Đạm Cà Mau luôn vận hành an toàn, ổn định với công suất vượt công suất thiết kế (6 tháng đầu năm bình quân đạt 103% công suất thiết kế). Bên cạnh đó, Công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm kể cả chất lượng của bao bì. Đầu tháng 7/2015, Công ty đã giới thiệu mẫu bao bì mới với những cải tiến về kiểu dáng và chất lượng.

Thứ hai, về kinh doanh tiếp thị, DCM tiếp tục đầu tư cho công tác tiếp thị, truyền thông để giữ vững thị phần tại các thị trường mục tiêu gồm Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2015, thị phần của Công ty tại các thị trường này đều tăng trưởng so với năm 2014.

Bên cạnh đó, vào tháng 5/2015, DCM đã ra mắt sản phẩm và ký kết hợp đồng đại lý phân phối Đạm Cà Mau với các đối tác tại Campuchia, khẳng định chiến lược mở rộng thị trường sang khu vực rất tiềm năng này.


Nhà máy sản xuất của Đạm Cà Mau

Thứ ba, về công tác nghiên cứu phát triển, DCM vẫn thực thi chiến lược khác biệt hóa về chất lượng sản phẩm. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng được Ban lãnh đạo DCM đặc biệt quan tâm để thực hiện sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng bằng việc đầu tư nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tháng 7/2015, DCM đã ký kết hợp tác nghiên cứu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với đối tác BellFarm - Nhật Bản. Đây là cơ hội để DCM đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Cuối cùng, giải pháp rất quan trọng và lâu dài là nâng cao công tác quản trị của Công ty. DCM đã bắt tay triển khai xây dựng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp – ERP với mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2015 và nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro theo chuẩn mực COSO (Mỹ), khởi đầu cho một loạt các hoạt động nâng cao công tác quản trị công ty khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Nhờ những giải pháp đồng bộ này mà DCM tiết giảm được chi phí, giảm giá thành sản xuất, qua đó nâng cao sức cạnh tranh.

Gần đây, DCM có thông báo điều chỉnh kế hoạch năm 2015 cho giai đoạn từ 15/01 của công ty cổ phần, ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc điều chỉnh này ?

Qua đây, tôi xin được chia sẻ thông tin để cổ đông, nhà đầu tư và bạn đọc hiểu đúng bản chất của việc điều chỉnh kế hoạch năm 2015 như đã công bố.
Tại Nghị quyết số 1332/NQ-PVCFC ngày 02/7/2015 của HĐQT Công ty đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015. Lý do chính của việc điều chỉnh này là DCM chuyển từ mô hình Công ty TNHH MTV sang mô hình Công ty Cổ phần từ ngày 15/01/2015 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp và việc điều chỉnh nhằm phân tách các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 thành 2 giai đoạn hoạt động của Công ty để phù hợp với các báo cáo trước cổ đông sau mỗi năm hoạt động.

Cụ thể hơn, kế hoạch ban đầu được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 09/01/2015 ngày bắt đầu tính của kế hoạch SXKD 2015 là từ 01/01/2015, với chỉ tiêu sản lượng sản xuất là 782 nghìn tấn, lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu là 662 tỷ đồng. Còn kế hoạch được HĐQT thông qua ngày 02/7/2015 ngày bắt đầu tính cho kế hoạch SXKD 2015 (cho giai đoạn Công ty Cổ phần) được tính từ 15/01/2015, như vậy chênh nhau 14 ngày (tương đương 4% của năm). Từ đó dẫn tới trong kế hoạch SXKD điều chỉnh, chỉ tiêu sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau thay đổi thành 748 nghìn tấn (chênh lệch 4% so với kế hoạch ban đầu), tổng doanh thu dự kiến là 5,332 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đặt mục tiêu mới 637 tỷ đồng (chênh lệch gần 4% so với chỉ tiêu ban đầu).

Tuy vậy, kế hoạch SXKD điều chỉnh này không làm thay đổi chỉ tiêu đã đề ra của cả năm 2015 tính cho cả hai giai đoạn Công ty TNHH và Công ty Cổ phần.

6 tháng, DN đạt tổng doanh thu 3,151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch năm. Liệu đà kinh doanh khả quan như vậy có duy trì trong 6 tháng cuối năm không thưa ông ?

Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 của Công ty đầy khả quan với tổng doanh thu đạt 3,151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng. Tính riêng cho giai đoạn chuyển đổi sang Công ty Cổ phần (từ 15/1/2015), tổng doanh thu đạt 2,903 tỷ đồng bằng khoảng 55% so với kế hoạch cả năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 439.8 tỷ đồng, đạt gần 70% so với kế hoạch cả năm 2015.

Mặc dù kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm là khả quan, DCM vẫn không chủ quan và luôn ý thức được những khó khăn thách thức của chặng đường còn lại của năm 2015. Chúng tôi tin tưởng với những định hướng chiến lược đúng đắn cùng sự quyết tâm của tập thể Ban lãnh đạo công ty và sự nỗ lực, đồng lòng của đội ngũ CBCNV trong việc thực thi đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, năm 2015 hứa hẹn sẽ lại là một năm thành công của DCM.
Minh An (theo vietstock.vn)