DCM hiện giao dịch quanh mức 10.250 đồng/cổ phiếu (18/9), đạt mức giá cao nhất kể từ đầu năm (tăng mạnh gần 60% so với mức giá 6.500 đồng hồi đầu năm) và tăng hơn 90% từ mức đáy 5.300 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 3.
DPM cũng tăng mạnh lên mức giá 16.900 đồng/cổ phiếu (18/9), tăng gần 20% trong vòng 3 tháng qua, và tăng 52% từ mức đáy 11.050 đồng/cổ phiếu trong tháng 3.
|
Cổ phiếu DCM giao dịch tích cực, tăng ấn tượng |
Các chuyên gia tiếp tục đưa ra đánh giá triển vọng tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngành phân bón trong thời gian tới. Trong đó, việc giá dầu giảm ở mức thấp trong năm 2020 đem lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như DPM, DCM; Thời tiết nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng thuận lợi, tạo điều kiện cho canh tác nông nghiệp, thúc đẩy nhu cầu phân bón; Kỳ vọng về việc sẽ sửa đổi những bất cập trong chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất phân bón nội địa;...
Luật thuế 71/2014/QH13 lại đưa mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT đã dẫn đến bất cập là doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Sau thời gian dài các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi, tháng 8/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để tháo gỡ vướng mắc về thuế suất thuế GTGT, trên tinh thần xem xét sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu. Kỳ vọng về việc sửa đổi chính sách thuế này sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, gia tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường thế giới, nhu cầu và giá phân bón tăng cao do ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Trung Quốc, việc hạn chế sản xuất từ nguyên liệu than, căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc dẫn đến nguồn cung phân bón từ Trung Quốc sang Ấn Độ giảm…, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phân bón ở các quốc gia khác gia tăng xuất khẩu, nâng cao hiệu quả SXKD. Trong tháng 8 vừa qua và dự kiến tháng 9, 10, xuất khẩu phân bón ở nước ta sẽ tăng cao, do các doanh nghiệp phân bón trong nước đang tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng lợi nhuận, đặc biệt là khi nhu cầu trong nước giảm vì vào thời điểm thấp vụ.
|
PVCFC vừa hoàn thành tốt công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy |
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) Văn Tiến Thanh cho biết, tháng 8, tháng 9 thường là giai đoạn thấp điểm của thị trường do nhu cầu trong nước giảm, tồn kho thường tăng cao. Tuy nhiên năm nay, do có đột biến về nhu cầu và giá ure thế giới nên DCM đã tận dụng cơ hội, thực hiện tốt công tác tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu, lượng tiêu thụ tháng 8 tăng cao, vượt 21% so với kế hoạch. Đặc biệt, do hưởng lợi từ giá dầu giảm kéo theo giá khí đầu vào thấp hơn giá kế hoạch, lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2020 của DCM ước đạt hơn 424 tỷ, vượt xa kế hoạch năm. DCM cũng đang xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong tháng 8 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã thực hiện dừng máy để bảo dưỡng cơ hội. Do tình hình thiết bị còn tương đối tốt, giúp giảm bớt một số phần việc, DCM đã rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể 2 ngày. Công tác bảo dưỡng đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch Covid - 19. Sau bảo dưỡng, Nhà máy Đạm Cà Mau đạt công suất tối đa khá nhanh. DCM dự kiến nâng công suất Nhà máy thêm 2% lên 112% công suất để tăng lượng tiêu thụ khí, tận dụng cơ hội thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Ngoài ra, PVCFC đang cân đối tài chính để chi trả cổ tức 6% trong tháng 11/2020.
|
Các doanh nghiệp phân bón có kết quả SXKD tích cực trong những tháng đầu năm 2020 |
Báo cáo tài chính quý II/2020 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, HOSE: DPM) ghi nhận lãi ròng 308,3 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong kỳ đạt 302,9 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DPM đạt 3.876 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, cao gấp 4,6 lần so với nửa đầu năm 2019. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, DPM hoàn thành 42% mục tiêu về doanh thu và 96% mục tiêu về lợi nhuận. Đà tăng trưởng mạnh của DPM chủ yếu đến từ hiệu suất các nhà máy cao hơn cùng kỳ do cụm thiết bị NH3 phải bảo dưỡng kéo dài trong 72 ngày trong năm 2019 và hưởng lợi từ diễn biến giá khí đầu vào giảm mạnh. Năm 2020, dự kiến Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ hoạt động đầy đủ công suất, điều này sẽ giúp DPM duy trì tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020. Lãnh đạo PVFCCo cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoạt động an toàn, ổn định, các chỉ số sản xuất và kinh doanh chung đều vượt trên 100% kế hoạch.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC nhận định, giá khí nguyên liệu đầu vào của DPM có thể hồi phục nhưng vẫn duy trì thấp hơn mức trung bình năm 2019 do ảnh hưởng từ nguồn cung và dịch Covid-19. DPM cũng đang tiến tới thỏa thuận giá khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) để duy trì giá nguyên liệu cạnh tranh trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, DPM có thể sẽ ghi nhận khoảng bảo hiểm được bồi thường 200 tỷ trong cuối năm 2020 do sự cố nhà máy gián đoạn 72 ngày trong năm 2019. Việc này đang được DPM đàm phán cùng PVI với 2 khoản bồi thường là chi phí bảo hiểm máy móc và thiệt hại liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Những điểm sáng về nguyên liệu đầu vào, thị trường, giá cả, cũng như kỳ vọng chính sách thuế GTGT sẽ được sửa đổi để gỡ khó cho ngành phân bón,… đang “ủng hộ” cổ phiếu ngành phân bón tiếp tục giao dịch tích cực, tạo sóng mới trong thời gian tới.
Nguồn Petrotimes.vn