6 tháng đầu năm nay, dù gặp nhiều khó khăn về thị trường phân bón cạnh tranh ráo riết, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục khó khăn khiến hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, song nhờ phát huy tối đa những thuận lợi, hạn chế thấp nhất khó khăn, Cty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và tiêu thụ urê, chiếm được lòng tin và sự yêu mến của khách hàng.
Đạm Cà Mau tăng cường cung ứng ra thị trường
Nâng cao uy tín thương hiệu
Ông Bùi Minh Tiến- TGĐ PVCFC cho biết: Trong 6 tháng qua, PVCFC sản xuất được 408,2 nghìn tấn sản phẩm urê chất lượng cao, đạt 109% kế hoạch được giao với sản lượng tiêu thụ 414,8 nghìn tấn, đạt 108% KH với tổng doanh thu đạt 3.143 tỉ đồng. Nhà máy luôn vận hành ổn định với công suất trung bình là 98,86% với 170,27 ngày hoạt động, sản lượng trung bình đạt 2.358 tấn urê/ngày (trong đó loại thương mại đạt 98,84%). Ngoài ra, Cty vẫn cung cấp chuyên gia sang hỗ trợ vận hành cho Toyo tại Venezuela từ tháng 6.2013, dự kiến tháng 8.2014 hoàn thành.
Từ ngày 4-22.7, Nhà máy đạm Cà Mau chính thức tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể, với thời gian 19 ngày. Ông Tiến cho biết: Trong thời gian bảo dưỡng, nhà máy sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể hệ thống, sửa chữa các thiết bị, nâng cấp, cải tiến hệ thống công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Để thực hiện công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần này, PVCFC đã lập kế hoạch triển khai từ rất sớm để chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, phụ tùng, nhân lực phục vụ công tác bảo dưỡng, đặc biệt, PVCFC đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng trong thời gian bảo dưỡng, đảm bảo cho việc cung ứng phân bón đều đặn ra thị trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con.
Bên cạnh việc nâng cao độ tin cậy cung ứng sản phẩm ra thị trường, Đạm Cà Mau đã đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu thông qua nhiều hình thức như: Triển khai mô hình điểm trình diễn, truyền thông sản phẩm mới Ure+TE; chương trình nông dân nòng cốt; đại lý thân thiện nhằm đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tổ chức hội thảo nông dân; ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vì sự phát triển nông nghiệp bền vững với CTCP BVTV An Giang (AGPPS) nhằm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, quảng bá hình ảnh thương hiệu Đạm Cà Mau, tham gia vào chuỗi giá trị ngành lúa gạo trên cánh đồng mẫu lớn tại các vùng nguyên liệu của AGPPS...
Quản trị chi phí, tăng hiệu quả sản xuất
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, nguồn cung urê được nhận định là đã bão hoà, để ổn định sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động, Đạm Cà Mau tập trung cho việc quản trị tốt chi phí, giá thành sản phẩm đảm bảo cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại. Trên cơ sở cập nhật và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật của nhà máy, sau 1 năm thực hiện, các định mức này đã trở thành công cụ kiểm soát chi phí hữu hiệu. Hằng tuần, hằng tháng, nhà máy đều thực hiện công tác đánh giá, so sánh tiêu hao so với định mức kinh tế kỹ thuật nhằm kịp thời đưa ra các khuyến cáo cho vận hành có hành động khắc phục kịp thời, đảm bảo tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm được kiểm soát tốt. Đối với bộ phận khác, TGĐ giao kế hoạch chi phí chi tiết đến từng đơn vị, bộ phận, cá nhân để làm cơ sở kiểm soát chi phí và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, sử dụng chi phí.
Dự báo trong năm 2014, giá urê xuống thấp cả thị trường trong và ngoài nước nên PVCFC luôn xác định để kinh doanh có hiệu quả thì quản trị tốt chi phí, giảm giá thành sản phẩm là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh đó, triển khai chương trình hành động của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), PVCFC đã quán triệt xây dựng chương trình hành động cụ thể và phù hợp với điều kiện của PVCFC. Đặc biệt, trong năm 2014, PVCFC phấn đấu thực hiện các công tác cổ phần hóa, sắp xếp lại các đơn vị thành viên theo phương án tái cơ cấu được Chính phủ, tập đoàn phê duyệt... Thực hiện chủ trương “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” và Nghị quyết 233/NQ - ĐU của Đảng bộ PVN về phát huy nội lực, ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành, trong nước, năm 2013, kết quả sử dụng dịch vụ trong ngành, trong nước của PVCFC chiếm tỷ trọng đáng kể, qua đó đảm bảo được tăng tỉ lệ sử dụng hàng VN cũng như tạo điều kiện nâng cao giá trị dịch vụ trong ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị sử dụng dịch vụ trong nước của PVCFC chiếm 97,24% tổng giá trị dịch vụ, giá trị dịch vụ trong ngành chiếm 78,50% tổng giá trị dịch vụ của toàn Cty.
Trong 6 tháng cuối năm, PVCFC cho biết tiếp tục vận hành nhà máy đạm Cà Mau hiệu quả, an toàn, ổn định, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến, tối ưu hóa sản xuất; tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu Đạm Cà Mau là một trong thương hiệu có uy tín trên thị trường…
(Theo laodong.com.vn)