(Baodautu.vn) Khi nước mắt vỡ òa trong niềm vui đón dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau vào ngày 30/1/2012, ít người dám nghĩ rằng, chỉ 30 tháng sau, nhà máy cán đích 2 triệu tấn, bản đồ thị trường của “Hạt ngọc mùa Vàng” trải dài khắp Đồng bằng Sông Cửu Long và vươn xa ra khu vực.
Câu chuyện của Đạm Cà Mau cho thấy, nếu dám ước mơ và nỗ lực hành động, thành công trong kinh doanh và tạo ra sức hút với nhà đầu tư đại chúng không phải là chuyện quá xa xôi.
Đạm Cà Mau IPO thành công là một điểm sáng của đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014
Mới trong cách nghĩ, cách làm
Từ một vùng đất sình lầy với nhiều khó khăn, sau 43 tháng thi công, Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đã tiết kiệm được 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và là dự án tâm huyết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngay từ khi lập dự án, lựa chọn trở thành nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam sản xuất đạm hạt đục chất lượng cao là quyết định không đơn giản.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên trưởng Ban Quản lý Dự án Cụm khí điện đạm Cà Mau cho biết, thời điểm đó, ở Việt Nam mới chỉ có đạm hạt trong. Công nghệ đạm hạt đục được lựa chọn sau rất nhiều tranh luận, khảo sát và phân tích dựa trên đặc tính khí hậu thủy văn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, Campuchia... Hơn thế, trên thế giới, các thị trường phát triển phần lớn đều sản xuất dòng sản phẩm này. Đạm hạt đục có nhiều ưu điểm như chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, làm cho cây xanh bền và tiết kiệm phân bón, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải và dễ phối trộn…
Tiên phong với dòng sản phẩm mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn khắt khe hơn khi quyết định đầu tư công nghệ hiện đại, thuộc loại tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á. Ông Hùng kể, hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7.
Để đảm bảo chất lượng nhà máy, các thành viên Ban quản lý dự án phải thường xuyên bám công trình, giám sát chặt chẽ từng công đoạn. Cứ nhìn 8.000 chiếc van, trên đó có chữ ký của những người giám sát đủ biết yêu cầu cao trong giai đoạn thi công lắp đặt nhà máy đến mức nào.
Đặc biệt, ông Hùng và các cộng sự thực hiện quản trị rất chặt chẽ các đầu việc nhằm tối ưu vốn đầu tư. Không chỉ kiểm soát được tiến độ, phạm vi công việc, kiểm soát tốt chi phí, ngay quá trình chạy thử cũng được giám sát nghiêm ngặt.
Ngay trong giai đoạn này, vốn cho phép các nhà máy thử nghiệm sản phẩm và có thể đạt giá trị thương mại bằng 0, Đạm Cà Mau đã vận hành, chạy thử tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương mại, cho phép tiết kiệm tới 1.000 tỷ đồng...
Quyết định lựa chọn dòng sản phẩm mới, công nghệ đầu tư hiện đại đã chứng minh sự đúng đắn khi nhà máy đi vào hoạt động. Sản phẩm mới được thị trường đón nhận rộng rãi, công nghệ và thiết bị hiện đại giúp nhà máy tiêu hao năng lượng thấp, chất lượng ổn định và ít gây tác hại đến môi trường.
Từ thành công trong kinh doanh
Bên cạnh việc có sản phẩm tốt, Đạm Cà Mau còn chủ động được khâu phân phối. Ngay từ đầu, khi còn trong giai đoạn đầu tư, Công ty đã chủ động tiếp cận khách hàng, tổ chức các hội thảo giới thiệu về nhà máy, đội ngũ nhân sự…
Khi có sản phẩm, Đạm Cà Mau trực tiếp tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức sử dụng phân bón khoa học, hiệu quả cho nông dân. Kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Đạm Cà Mau cùng ra đồng, lăn lộn cùng bà con nông dân giúp họ cách thức sử dụng sản phẩm hiệu quả, đồng thời cũng từ đó ghi nhận được thực tế để hỗ trợ công tác sản xuất tại nhà máy.
Đến nay, hệ thống phân phối của công ty đã phát triển rộng khắp gồm các đại lý có tiềm lực tài chính mạnh, nhiều uy tín, kinh nghiệm trong ngành kinh doanh phân bón trên thị trường. Bám thị trường, bám đồng đất, Đạm Cà Mau - “Hạt ngọc mùa Vàng” và các kỹ sư đã trở thành những người bạn đồng hành, được bà con nông dân tin tưởng quý mến và gắn bó lâu dài.
Đến thắng lợi IPO
Trong quá trình chuẩn bị phương án cổ phần hóa, Đạm Cà Mau ý thức rất cao việc cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch, đặc biệt là đưa ra lộ trình và tiềm năng phát triển dài hạn, rõ ràng và cụ thể. Do đó, không khó để lý giải vì sao đợt IPO của Đạm Cà Mau, với quy mô lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, đã được giới đầu tư hào hứng tham gia.
1.303 nhà đầu tư đăng ký mua gần 141,5 triệu cổ phần, bằng 110% lượng chào bán. Kỷ lục về số lượng nhà đầu tư tham gia hay con số 1.580 tỷ đồng thu về qua đợt IPO, mức cao nhất trong năm 2014, không phải là kết quả của một chiến dịch ngắn ngày, mà là thành quả của hơn 3 năm lăn lộn trên sình lầy trong suốt quá trình đầu tư xây dựng dự án và gần 3 năm trên thương trường đầy khó khăn vất vả để đưa sản phẩm ra thị trường.
Thành công của đợt IPO Đạm Cà Mau có thể xem là một điểm sáng của đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014. Ở thời điểm các thị trường tài chính trong và ngoài nước đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhà đầu tư một mặt thông minh và trưởng thành hơn rất nhiều, một mặt vẫn còn tâm lý thận trọng, nếu không phải là “hạt ngọc” thực sự, IPO Đạm Cà Mau khó có thể thành công.
An ninh lương thực luôn là vấn đề hệ trọng của một quốc gia, với Việt Nam, nông nghiệp đã được khẳng định là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Trên bước đường phát triển của mình, bước ngoặt cổ phần hóa nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đại chúng đầu tư vào doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ đưa Đạm Cà Mau ngày một vươn xa.
Anh Việt