Mỗi khi có dịp đến thăm các công trình trọng điểm của ngành, đọng lại trong chúng tôi luôn là sự ngưỡng mộ về một niềm đam mê, tinh thần hăng say lao động của những người con Dầu khí. Trong đó không thể không kể đến sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo như đã trở thành một nét “văn hóa”của ngành Dầu khí Việt Nam.
Lao động sáng tạo luôn là nhu cầu cấp thiết. Bởi lẽ, tất cả các nghiên cứu, sáng kiến đều xuất phát, nảy sinh từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh của tất cả các ngành nghề. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm ở tất cả các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tạo thành một nét văn hóa mang đậm “tinh thần Dầu khí”.
Ông Phan Đình Đức - Thành viên HĐTV Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Thị Dung
tại cuộc thi PVCFC Eureka 2015
Tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), kế thừa truyền thống sáng kiến cải tiến từ Ban quản lý dự án khi – điện – đạm Cà Mau, sau 5 năm kể từ khi đi vào hoạt động, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng khoa học công ty, PVCFC đã tổ chức nhiều cuộc thi khuyến khích tinh thần sáng tạo, ban tổ chức xét duyệt và công nhận gần 600 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích đáng kể về kinh tế cho công ty.
Ngay từ những ngày đầu thành lập còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ CBCNV PVCFC phải đảm nhiệm nhiều vai trò, nhưng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất kinh doanh luôn được ban lãnh đạo PVCFC khuyến khích đầu tư, phát triển. Trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị chạy thử Nhà máy Đạm Cà Mau, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến, sáng chế ở PVCFC đã bắt đầu sôi động. Nhà máy Đạm Cà Mau luôn được đánh giá là nơi có phong trào sáng kiến phát triển mạnh nhất, có tính ứng dụng cao của PVCFC. Ngoài những sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng (quy đổi) còn có những sáng kiến góp phần cải tiến môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hầu hết đều do các kỹ sư trẻ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nghiên cứu, đề xuất... nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục các lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong công tác bảo dưỡng, vận hành.
Để có những sáng kiến tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty, cho Tập đoàn, Ban lãnh đạo PVCFC nhận thức sâu sắc về vai trò nhân tố con người là yếu tố quyết định của mọi thắng lợi. Do đó, trong định hướng phát triển của mình, PVCFC luôn chủ trương xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao, tác phong công nghiệp, kỷ luật nghiêm ngặt, chủ động tiếp thu, đủ khả năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại... Và hơn hết là khơi dậy được tinh thần đam mê sáng tạo ở mỗi CBCNV.
Ban lãnh đạo PVCFC cho rằng, để kích thích tính sáng tạo tiềm ẩn trong mỗi CBCNV không gì tốt hơn là truyền “lửa” cho họ bằng một bầu không khí thi đua sôi nổi, chứ không đơn thuần chỉ là kêu gọi, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tích cực tham gia phong trào.
Với hướng đi đó, từ đầu năm 2015, Ban lãnh đạo PVCFC bắt đầu phát động cuộc thi sáng tạo “Eureka”. Cuộc thi được xem là cột mốc đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình lan tỏa tinh thần “Sáng tạo là không giới hạn” đến toàn thể các CBCNV PVCFC trong tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty như quản lý, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, an toàn PCCC và môi trường...
Ông Văn Tiến Thanh - Phó TGĐ PVCFC, Trưởng BTC tổng kết quá trình triển khai cuộc thi
Chia sẻ về mục đích của cuộc thi, Phó Tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh - Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau nhấn mạnh: “Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn tăng tốc, PVCFC luôn chú trọng thu hút và áp dụng triển khai nhiều ý tưởng, sáng kiến, sáng chế của CBCNV ở tất cả các bộ phận, từ những người công nhân cho đến cán bộ quản lý. Ở một khía cạnh khác, cuộc thi còn hướng đến việc góp phần xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững, tôn trọng sự khác biệt, tinh thần đam mê sáng tạo được khích lệ tối đa”.
Ngay trong giai đoạn đầu, BTC Eureka đã chủ trương triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cuộc thi dưới nhiều hình thức phong phú. Từ những công cụ mang tính trực quan đến các chương trình kích hoạt trực tiếp như hội thảo chuyên đề sáng tạo, hội thảo giới thiệu các ý tưởng khả thi,… tất cả từng bước trở thành sự cộng hưởng tích cực, gia tăng tính thu hút của cuộc thi đến từng CBCNV không kể vị trí, chức vụ.
Không khí làm việc căng thẳng của Ban giám khảo cuộc thi
Tuy lần đầu được phát động và chỉ kéo dài trong quý I/2015, sau 03 tháng triển khai với quy trình thẩm định và đánh giá chặt chẽ, BTC Eureka đã tiếp nhận được 679 ý tưởng. Kết quả đã có 591 ý tưởng được công nhận, trong đó có 239 ý tưởng được Hội đồng Khoa học - Công nghệ PVCFC ưu tiên xem xét, triển khai áp dụng ngay vào thực tế. Các ý tưởng còn lại được tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển thành các sáng kiến, sáng chế có giá trị thực tiễn, mang lại những lợi ích về kinh tế, kỹ thuật, an toàn và môi trường, phục vụ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
TGĐ PVCFC nhấn mạnh: "Không chỉ gói gọn trong các cuộc thi, tinh thần sáng tạo không giới hạn cần được duy trì và tiếp tục lan rộng trên toàn thể CBCNV Công ty"
Tiếp tục kế thừa sự thành công của phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Công ty, đặc biệt là kết quả khả quan mà Eureka năm đầu tiên mang lại, cuối năm 2015, Ban Kinh doanh truyền thông của PVCFC đã tiến hành triển khai cuộc thi “PVCFC Eureka phiên bản kinh doanh”. Đây là cuộc thi sáng tạo về lĩnh vực kinh doanh đầu tiên của PVCFC, có thể xem là bước đột phá mới của phong trào phát huy sáng kiến từ trước đến nay, không còn gói gọn trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật,... mà còn phát triển các ý tưởng sáng tạo, khác biệt, đột phá, thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị truyền thông của PVCFC.
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn thể CBCNV PVCFC, kể cả các cán bộ kỹ thuật ở Nhà máy Đạm Cà Mau. Với góc nhìn đa dạng từ tiếp thị truyền thông, phát triển hệ thống phân phối, kinh doanh dịch vụ, chăm sóc khách hàng, đến công tác quản trị, tài chính, nhân sự… “PVCFC Eureka phiên bản kinh doanh” đã thu về hơn 120 ý tưởng độc đáo, sáng tạo.
Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Tấn Đạt - Ban Kinh doanh Truyền thông
tại cuộc thi Eureka phiên bản Kinh doanh
Ông Hoàng Trọng Dũng, Phó Tổng giám đốc PVCFC, cũng là Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết, để đánh giá được chính xác và toàn diện một số lượng lớn các ý tưởng phức tạp ở nhiều lĩnh vực, Hội đồng BGK đã xây dựng và thẩm định dựa trên các tiêu chí cụ thể, rõ ràng như Nội dung & Hình thức trình bày, Tính khả thi, Có hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể.
"Sáng tạo không ngừng" là một phần của nét văn hóa doanh nghiệp mang đậm bản sắc PVCFC
Bằng thái độ chuẩn bị kỹ lưỡng, am hiểu chuyên môn, mỗi ý tưởng đều được các tác giả trình bày sáng tạo, chi tiết hóa về phương án thực hiện từ nhân sự tham gia, tiến độ đến kinh phí triển khai… Tất cả đều là những góc nhìn mới lạ, thực tiễn không chỉ về hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC mà còn giúp ích cho nền nông nghiệp nước nhà.
Tổng giám đốc PVCFC Ông Bùi Minh Tiến khẳng định: “Trong thời gian tới, BTC sẽ tiến hành đánh giá chi tiết và quyết định lựa chọn và đầu tư kinh phí triển khai vào thực tế đối với các ý tưởng lọt vào vòng chung kết. Trong đó, một ý tưởng được lựa chọn có thể được lồng ghép, củng cố bởi các ý tưởng khác trong cuộc thi, nhằm áp dụng giải pháp hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh của PVCFC. Không chỉ trong khuôn khổ những cuộc thi mà cả trong đời sống sinh hoạt, làm việc hàng ngày, bất cứ ý tưởng mới nào của CBCNV cũng đều được ghi nhận và biểu dương. Hy vọng với sự hỗ trợ của Ban lãnh đạo, các CBCNV vẫn sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần "Sáng tạo là không giới hạn", làm nên một nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của PVCFC”
Tổng giám đốc Bùi Minh Tiến cũng cho biết, sau hai lần tổ chức thành công, cuộc thi Eureka lần thứ 3 tiếp tục diễn ra trong thời gian sắp tới sẽ là tổng hòa của hai cuộc thi trước, không chỉ giới hạn ở khối kỹ thuật sản xuất hay kinh doanh, mà sẽ ở tất cả các lĩnh vực mang lại lợi ích về kinh tế, kỹ thuật, an toàn, môi trường,... phục vụ tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.