Những thành công của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã ghi dấu đậm nét trên bức tranh thị trường phân bón trong năm 2013 với thương hiệu “Đạm Cà Mau – Hạt ngọc mùa vàng”. Đây chính là chìa khóa quan trọng để PVCFC tiếp tục có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới. Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, ông Hoàng Trọng Dũng, Phó tổng giám đốc PVCFC đã dành cho Báo Năng Lượng Mới cuộc phỏng vấn.
PV: Thưa ông, năm 2013 là một năm đầy khởi sắc của Đạm Cà Mau, xin ông chia sẻ những thành quả mà PVCFC đã gặt hái được trong năm vừa qua ?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Năm 2013 là một năm gặt hái thành công và có nhiều ý nghĩa của PVCFC trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau dấu ấn đạt mốc sản lượng 1 triệu tấn sản phẩm Đạm Cà Mau vào tháng 7-2013, đến nay thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đã được phủ kín vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là sự lựa chọn tin cậy của bà con nông dân. Trong năm 2013, PVCFC đã đạt những kết quả sản xuất kinh doanh hết sức khả quan, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch về đích sớm 15 ngày với tất cả chỉ tiêu hết sức quan trọng là doanh thu, lợi nhuận, sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ vượt kế hoạch được giao. Ước thực hiện trong năm 2013, PVCFC sản xuất được 780.000 tấn sản phẩm ure chất lượng cao, đạt 104% kế hoạch, với sản lượng tiêu thụ gần 750.000 tấn, đạt 101% kế hoạch, với tổng doanh thu đạt 6.444 tỷ đồng.
Sản phẩm Đạm Cà Mau hiện nay không chỉ hiện diện ở thị trường chính là Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ mà đã mở rộng, phát triển ra toàn quốc. Không những vậy, sản phẩm Đạm Cà Mau đã bắt đầu có mặt ở các thị trường Campuchia, Phillippines và đã vươn tới các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tất cả những thành quả trên là kết quả của sự nỗ lực, làm việc không mệt mỏi, là niềm tự hào rất lớn đối với lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên PVCFC, là kết quả của việc luôn duy trì sản xuất ổn định, an toàn, ở công suất cao trong suốt thời gian qua.
PV: Theo ông, đâu là những thách thức và lợi thế đối với Đạm Cà Mau để có thể đứng chân trên thị trường phân bón vốn ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay ?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Có thể thấy rằng cục diện phân bón ngày càng có sự thay đổi lớn. Nhu cầu phân bón cho nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn và ổn định, tạo điều kiện cho ngành phân bón phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngành đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu (phân urÊ), giá urê thế giới đang trong xu hướng giảm, áp lực từ hàng ngoại nhập khẩu, đặc biệt là ure Trung quốc làm cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất phân đạm sẽ ngày càng quyết liệt. Đối với Đạm Cà Mau, chất lượng sản phẩm từ dây chuyền công nghệ hiện đại là lợi thế giúp Đạm Cà Mau tiêu thụ tốt trên thị trường. Trước áp lực cạnh tranh từ thị trường phân đạm thì việc nâng cao vị thế của sản phẩm và thương hiệu, cải thiện khả năng cạnh tranh, duy trì và đẩy mạnh thị phần của Đạm Cà Mau ở các thị trường có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với PVCFC.
Điều dễ nhận thấy là ngành sản xuất kinh doanh phân bón phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết và có tính mùa vụ cao so với các ngành khác. Vì thế, một trong những bài toán khó đặt ra là làm sao bảo đảm giao hàng nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu và mang lại sự hài lòng cao cho khách hàng. Ý thức được vai trò của công tác logistic trong chuỗi giá trị tổng thể của doanh nghiệp, PVCFC đã tính toán, mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị giao hàng tại kho cảng nhà máy.
Có thể nói, với công suất giao hàng tối đa đạt 4.500-5.000 tấn/ngày, hệ thống giao hàng của Nhà máy Đạm Cà Mau được khách hàng đánh giá là nhanh nhất hiện nay. Hệ thống băng tải được thiết kế từ kho sản xuất, đóng gói và vận chuyển khép kín với 4 dây chuyền (lines) hoạt động liên tục thông qua hệ thống phần mềm tự động đếm đầu bao đã tạo sự tin cậy, tiết kiệm thời gian cho khách hàng mỗi khi tàu bè, xà lan vào nhận hàng ở Nhà máy. Sắp tới, PVCFC đang có kế hoạch đầu tư hệ thống mái che để giao hàng ngay cả trong điều kiện thời tiết mưa gió bất lợi bảo đảm lợi ích của khách hàng.
PV: Với vị trí là người cung ứng sản phẩm, ông có lời nào muốn gửi đến khách hàng – những người nông dân đang sử dụng phân bón Cà Mau ?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Cần phải khẳng định rằng những người nông dân chính là những người bạn đồng hành cho sự phát triển của Đạm Cà Mau. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi với người nông dân là luôn được mùa, trúng giá. Với Đạm Cà Mau cũng vậy, chúng tôi mong rằng sẽ hỗ trợ bà con nông dân, sử dụng phân bón hiệu quả và thông minh để tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, năng suất sản phẩm nông nghiệp cao hơn trước, đời sống và thu nhập được cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu chung của toàn xã hội.
PV: Đạm Cà Mau đóng vai trò như thế nào đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL, thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Với vùng ĐBSCL, Đạm Cà Mau có một ý nghĩa đặc biệt. Với lợi thế vị trí nhà máy được đặt ở gần vùng trung tâm sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước, hằng năm, ĐBSCL sản xuất ra 20 triệu tấn lúa, chiếm gần 60% sản lượng lúa cả nước. Hơn nữa, tập quán của nông dân nơi đây rất ưa chuộng phân bón có chất lượng cao, giá cả hợp lý để sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi rất vui mừng vì Đạm Cà Mau hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí đó.
Là doanh nghiệp lớn đặt tại ĐBSCL, PVCFC còn mong muốn góp sức mình cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
PV: Ông có thể khái quát mục tiêu sản xuất kinh doanh của PVCFC trong tương lai để sản phẩm Đạm Cà Mau ngày càng đến gần hơn với bà con nông dân trong cả nước và hướng đến xuất khẩu?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Đảng ủy cùng Ban lãnh đạo PVCFC đã đề ra nhiều giải pháp trong đó có 06 nhóm giải pháp chính trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục vận hành nhà máy hiệu quả, an toàn, ổn định. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm... Kiện toàn và nâng cao hiệu quả của hệ thống phân phối, đảm bảo giữ thị trường ổn định, đặc biệt tập trung vào giữ gìn và nâng cao uy tín thương hiệu của Đạm Cà Mau để đây chính là sự lựa chọn lâu dài của khách hàng và bà con nông dân. Tập trung lại các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp lãnh đạo; đồng thời áp dụng các công nghệ quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả. Hoàn thiện chính sách để thu hút và giữ nhân lực trình độ cao, duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo…
PV: Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh hiệu quả sản phẩm Đạm Cà Mau thì PVCFC còn đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội trong thời gian qua. Ông vui lòng cho biết về chính sách an sinh xã hội của PVCFC trong năm 2013?
Ông Hoàng Trọng Dũng: Từ nguồn quỹ an sinh xã hội, năm sau luôn cao hơn năm trước, trong năm 2012 (10 tỉ đồng) và đến năm 2013 đã lên đến hơn 30 tỉ đồng, PVCFC đã chăm lo cho rất nhiều người nghèo về nhà ở, xây dựng nhiều ngôi trường phục vụ cho giáo dục, nhiều trạm y tế vùng sâu, vùng xa để chăm lo khám chữa bệnh cho bà con, hàng trăm suất học bổng có giá trị tiếp bước học sinh, sinh viên đến trường…
Riêng tại ĐBSCL, trong năm 2013 Đạm Cà Mau đã tài trợ tổng số tiền 15,4 tỉ đồng. Đây là nguồn kinh phí mà PVCFC đang triển khai thực hiện. Từ nguồn quỹ an sinh xã hội này, công ty sẽ triển khai xây dựng hàng trăm nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, những ngôi trường phục vụ công tác nâng cao chất lượng giáo dục, những trạm y tế cơ sở, tham gia xây dựng nông thôn mới… Qua đó sẻ chia trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Đây là hoạt động diễn ra hàng năm song song với hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Thế Vinh (thực hiện)