Vượt lên những khó khăn, thách thức đối với ngành dầu khí nói chung và phân bón nói riêng trong năm 2016, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – thương hiệu Đạm Cà Mau) đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí
Phát biểu tại Hội nghị Người lao động và Tổng kết hoạt động năm 2016, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Vũ Trường Sơn chia sẻ:“Trong bối cảnh giá dầu thế giới năm 2016 thấp ở mức kỷ lục, bình quân 44USD/thùng, nhiều đơn vị của PVN gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Sản phẩm Đạm Cà Mau tuy chịu ảnh hưởng của giá dầu ít hơn các đơn vị khác, nhưng cũng gặp không ít khó khăn về thị trường và sức tiêu thụ giảm do hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long làm thu hẹp diện tích sản xuất. Tuy nhiên, tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên nhà máy Đạm Cà Mau vẫn nỗ lực hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh sớm hơn dự kiến, vươn lên là đơn vị chủ lực, đóng góp quan trọng cho Tập đoàn, thu nhập bình quân của người lao động đạt mức tốt nhất trong Tập đoàn, đây là thành tích đáng được biểu dương”.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc PVCFC cho biết, năm 2016, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Đạm Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn. Trong điều kiện nhiều khó khăn đó, Đạm Cà Mau đã đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy với công suất trung bình 103%, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, thể hiện nỗ lực to lớn của công ty trong điều kiện dư cung như hiện nay. Năm 2016, sản lượng sản xuất urê quy đổi của Đạm Cà Mau hơn 798.000 tấn, đạt 102% kế hoạch năm; Sản lượng tiêu thụ urê quy đổi ước đạt hơn 813.000 tấn, đạt 104% kế hoạch năm.
Dù mới có mặt trên thị trường được 5 năm, nhưng sản phẩm của Đạm Cà Mau 2 lần đạt Thương hiệu quốc gia.
Mặc dù giá urê xuống thấp, nhưng Đạm Cà Mau vẫn đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Trong năm 2016, tổng doanh thu Đạm Cà Mau ước đạt 5.183 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 653 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu tài chính đạt được tuy thấp hơn so với năm 2015, nhưng đây là kết quả khá khả quan so với mức sụt giảm của giá urê thế giới và trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn.
Để có được kết quả trên, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Chính phủ trong việc điều tiết giá đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty, là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể Ban lãnh đạo và người lao động của Đạm Cà Mau trong suốt năm qua, với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả đã được triển khai áp dụng.
6 năm một chặng đường phát triển
Gần 6 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, những thành tựu đạt được của Đạm Cà Mau đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành phân bón và nền nông nghiệp nước nhà. Thương hiệu Đạm Cà Mau đã trở thành người bạn thân thiết của hàng triệu nông hộ.
Tại thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, nhu cầu phân đạm của cả nước lên đến trên 2 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chưa có nhà máy sản xuất phân đạm, vì vậy, nguồn cung phân đạm phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với chi phí khá cao và không ổn định.
Với tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, Nhà máy Đạm Cà Mau đã trở thành một trong những dự án trọng điểm của ngành dầu khí. Ngày 30/1/2012, nhà máy Đạm Cà Mau chính thức ra mắt sản phẩm đạm hạt đục đầu tiên ở Việt Nam, mang thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng”. Tính đến nay, Đạm Cà Mau đã cán mốc sản xuất gần 4 triệu tấn sản phẩm u-rê hạt đục, đồng thời, đã và đang đưa ra thị trường bộ sản phẩm phân bón đáp ứng tối đa các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, phục vụ nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2017, Đạm Cà Mau sẽ bước sang năm thứ 6 kể từ khi thành lập. Với những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu, Đạm Cà Mau đã có những bước đi vững chắc, tiến đến vị thế là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam, đáp ứng 40% nhu cầu phân bón trong nước và là một trong những thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm Đạm Cà Mau đã có mặt ở khắp các thị trường Campuchia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh, Nhật Bản... và được khách hàng đánh giá cao.
Vượt qua hàng ngàn thương hiệu trên toàn quốc, sản phẩm Đạm Cà Mau tự hào được 2 lần vinh danh là sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia (2014, 2016), 2 lần vinh dự nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (2013, 2015), cùng các danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”, Giải vàng Chất lượng quốc gia...
Trong cam kết nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Đạm Cà Mau luôn ý thức được trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội đối với cộng đồng. Trải qua 5 năm hoạt động, Đạm Cà Mau đã dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hàng vạn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và nhiều công trình công ích khác phục vụ cho đồng bào vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh thành trên cả nước...
Tiếp tục vươn xa
Năm 2017 được nhận định vẫn chưa hết khó khăn đối với ngành sản xuất phân đạm trong nước, do dư thừa nguồn cung, giá cả chậm cải thiện, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn còn diễn biết khó lường...
Trong điều kiện khó khăn đó, tại Hội nghị Người lao động, Ban lãnh đạo cùng toàn thể người lao động Đạm Cà Mau tiếp tục phát động đẩy mạnh các phong trào nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị chặt chẽ chi phí, giá thành sản phẩm đảm bảo cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại…
Ông Văn Tiến Thanh, Phó tổng giám đốc PVCFC cho biết: “Trong công tác đầu tư phát triển, định hướng chiến lược, việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng là urê hạt đục của Đạm Cà Mau, là cốt lõi, chủ đạo, xuyên suốt. Việc cho ra đời sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cho cây trồng, không những tạo nên lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu, mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập”.
Theo đó, ngoài sản phẩm urê hạt đục, năm 2015, Đạm Cà Mau đã cho ra đời sản phẩm mới N.Humate+Te và đang tiếp tục sản xuất thương mại sản phẩm này để giữ chân khách hàng, đồng thời, chuẩn bị khánh thành nhà máy sản xuất N.Humate+TE tại công ty con để sản xuất thương mại trên quy mô lớn. Mới đây, Đạm Cà Mau tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới N46 Plus “tiết kiệm nhân đôi, năng suất vượt trội”. Đạm Cà Mau cũng đang phối hợp cùng các đối tác nghiên cứu, triển khai Dự án Sản xuất Phân bón phức hợp NPK cao cấp. Đây là dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với dự án này, Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời gian tới.
Trong năm 2017, Đạm Cà Mau tiếp tục tăng cường các hoạt độngquảng cáo, tiếp thị, xây dựng hệ thống phân phối, hoàn thiện chính sách bán hàng để mở rộng thị trường, tăng cường xuất nhập khẩu. Tiếp tục khẳng định phương châm “Phát triển đồng hành cùng bà con nông dân”, Đạm Cà Mau không ngừng hoàn thiện mẫu mã thiết kế, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, với mục đích giúp khách hàng dễ nhận diện, so sánh với các loại hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, Đạm Cà Mau sẽ chính thức thay bao bì mới vào ngày 06/01/2017, cùng với đó, tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn kỹ thuật cho bà con, các diễn đàn chuyên đề về sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả, ứng phó với hạn, mặn…
Xác định con người là yếu tố nền tảng tạo nên thành công, Đạm Cà Mau luôn quan tâm, đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hình thành đội ngũ lao động chuyên nghiệp thông qua việc đào tạo, phát triển nhân viên. Nổi bật là Dự án “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp”, thúc đẩy quá trình làm mới bản thân trên tất cả các phương diện thể chất, trí tuệ, tình cảm và tinh thần, góp phần xây dựng văn hóa công ty, tạo môi trường và động lực phát triển bền vững của PVCFC. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau cũng triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, như hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP; hệ thống quản trị rủi ro Tiêu chuẩn COSO (Hoa Kỳ).
Những nỗ lực không mệt mỏi gần 6 năm qua đã tạo nên vị thế vững chắc cho thương hiệu Đạm Cà Mau. Nói như Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn: “Đạm Cà Mau đã phải trãi qua phép thử khắc nghiệt nhất của thị trường, ngay từ khi mới chập chững gia nhập thị trường. Trong thời điểm khó khăn nhất, Đạm Cà Mau vẫn đứng vững và ăn nên làm ra, chứng tỏ đơn vị đã có chiến lược, những bước đi thích hợp, đúng định hướng. Với tiền đề như vậy tôi tin tưởng Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục phát triển và vươn xa hơn trong thời gian tới”.
Hưng Phú