Kỳ 1: Những sáng kiến làm nên kỳ tích
Nhìn lại một chút về năm 2019, có thể nói, đây là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành công nghiệp phân bón trong nước nói chung và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - doanh nghiệp đang quản lý, vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau) nói riêng. Thời tiết không thuận lợi, hạn hán bất thường, giá nông sản xuống thấp kỷ lục khiến nông dân thay đổi cây trồng, bỏ mùa vụ, diện tích đất canh tác giảm mạnh, nên nhu cầu phân bón giảm 20-30% và giá bán giảm 15-20% so với năm 2018. Ngoài ra, chính sách thuế bất hợp lý với ngành sản xuất phân bón vẫn chưa được xử lý. Phân bón trong nước chịu sự cạnh tranh khốc liệt với phân bón nhập khẩu giá rẻ nhập ngoại...
Tuy nhiên, PVCFC đã vượt qua tất cả những khó khăn đó và gặt hái được những kết quả rất đáng ghi nhận. Sản lượng sản xuất đạt mức kỷ lục sau 9 năm vận hành với 870.000 tấn ure, tiêu thụ hơn 1 triệu tấn phân bón các loại, doanh thu mỗi năm tăng hơn 10%, trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao đứng trong top đầu ngành phân bón trong nước. Những kết quả đó có được là do Nhà máy Đạm Cà Mau luôn tối ưu vận hành, tiết kiệm tiêu hao nguyên vật liệu, tiết giảm nhiều chi phí khác.
|
Hoạt động sáng kiến, sáng chế, tối ưu hóa của đội ngũ CBCNV Nhà máy giúp Đạm Cà Mau đạt được nhiều kết quả rực rỡ trong thời gian qua |
Những tháng đầu năm 2020, vẫn trong điều kiện bất lợi như thế, nhưng Nhà máy Đạm Cà Mau đã tận dụng nguồn khí ổn định để sản xuất liên tục, an toàn, ổn định, công suất tối đa đạt 110%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất.
Đặc biệt, PVCFC vừa được Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsose công nhận đứng trong top các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất về công suất trung bình theo năm. Kết quả này được thực hiện từ chương trình Benchmarking với 24 nhà máy tại 8 quốc gia. Haldor Topsose đánh giá Nhà máy Đạm Cà Mau có mức tiêu hao năng lượng tốt nhất trên thế giới với mức trung bình chỉ khoảng 28GJ/MT, thấp hơn khoảng 4.0 GJ/MT so với các nhà máy cùng bản quyền. Đạm Cà Mau cũng đã ghi tên vào top 10% các nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất. Đây có thể nói là một dấu son rực rỡ đánh dấu sự nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ người lao động PVCFC.
Vậy điều gì đã giúp Đạm Cà Mau làm nên kỳ tích?
Trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Kế đến là tâm thế chủ động, nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo PVCFC khi đề ra và thực thi những giải pháp kịp thời, đúng đắn. Trong đó, yếu tố nổi bật nhất chính là hoạt động sáng kiến, sáng chế, tối ưu hóa của đội ngũ CBCNV Nhà máy Đạm Cà Mau.
Ttrong năm 2019, tổng số tiền tiết kiệm, tiết giảm chi phí của Đạm Cà Mau tới 128,68 tỉ đồng, trong đó tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng từ các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là 119,79 tỉ đồng. |
Năm 2019 cũng là năm điển hình trong hoạt động phát huy sáng kiến, tối ưu hóa đem lại hiệu quả cao cho Đạm Cà Mau. Rất nhiều sáng kiến đặc biệt quan trọng đã ra đời trong năm này, có thể kể đến: Giải pháp thu hồi toàn bộ nguồn khí đốt bỏ Permeate gas từ Công ty Khí Cà Mau-GPP để làm khí đốt lò, giúp tăng thêm 3% công suất. Giải pháp tự phục hồi Hydraulic turbine mà không cần thay mới và chuyên gia hỗ trợ, giúp tiết giảm chi phí mua mới thiết bị và tiết kiệm tiêu hao điện khoảng 22 MWh/ngày. Giải pháp chuyển đổi linh hoạt động cơ từ chạy bằng turbine hơi sang motor điện và ngược lại để tiết kiệm tiêu hao khí. Giải pháp cải hoán hấp thụ CO2 giúp tăng thêm khoảng 1,2% công suất vận hành. Giải pháp giảm hơi LP vào cụm deaheator tăng hiệu suất chuyển hóa của các thiết bị, giảm năng lượng thất thoát…
Kết quả là trong năm 2019, tổng số tiền tiết kiệm, tiết giảm chi phí của Đạm Cà Mau tới 128,68 tỉ đồng, trong đó tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng từ các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là 119,79 tỉ đồng.
|
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc PVCFC, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Nhà máy (phải) tại kho sản phẩm nhà máy |
Thực tế, không phải bây giờ mà từ ngay trong quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử Nhà máy Đạm Cà Mau, hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật ở PVCFC đã được triển khai rất sôi động. Trong đó, Nhà máy Đạm Cà Mau luôn được đánh giá là nơi có phong trào phát huy sáng kiến phát triển mạnh nhất, có tính ứng dụng cao nhất của PVCFC.
Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Tùng, cho biết, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đó hầu hết đều do các kỹ sư trẻ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nhà máy nghiên cứu, đề xuất, mục tiêu là tìm ra các giải pháp khắc phục các lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong công tác bảo dưỡng, vận hành. Hầu hết các điểm nghẽn của nhà máy đã từng bước được khắc phục, công suất nhà máy được nâng lên đến 110%, chạy ổn định xuyên suốt từ tháng 9-2016 đến nay.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài những sáng kiến có giá trị làm lợi cao thì còn có rất nhiều những cải tiến nhỏ góp phần cải thiện môi trường làm việc, làm gia tăng tuổi thọ thiết bị, máy móc, bảo đảm an toàn. Nhà máy Đạm Cà Mau đã áp dụng và luôn duy trì tốt các chương trình: Kaizen, 5S, Stop... Đặc biệt từ đầu năm 2018, nhà máy đã bắt đầu áp dụng mô hình quản trị năng suất toàn diện TPM với 4 trụ cột chính: Cải tiến tập trung, bảo dưỡng tự chủ, bảo dưỡng ngăn ngừa, quản lý an toàn - sức khỏe - môi trường, đã mang lại hiệu quả rất lớn, thể hiện qua việc nhà máy luôn vận hành ổn định, hiệu quả với công suất cao và chi phí thấp
Còn tiếp....
Nguồn petrotimes.vn