Là một dự án trọng điểm quốc gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau ra đời nhằm giải quyết triệt để tình trạng thiếu phân bón urê trên thị trường, đáp ứng nhu cầu phân đạm ngày càng cao của ngành nông nghiệp nước nhà. Với sự ra đời của nhà máy, thị trường phân bón có thêm một sản phẩm uy tín, chất lượng và nhiều lợi thế cạnh tranh; đánh dấu mốc thắng lợi lớn của dự án.
Điều này cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạng vào cuối tháng 7/2013 khi về dự lễ chào mừng tấn sản phẩm thứ 1 triệu của Nhà máy Đạm Cà Mau. Tại buổi lễ Phó Thủ tướng khẳng định, cột mốc sản lượng 1 triệu tấn urê của Nhà máy Đạm Cà Mau là cực kỳ ấn tượng. 

Thực tế chứng minh trên đồng ruộng
Chúng tôi vẫn còn nhớ trong ngày đón tấn sản phẩm 1 triệu, có đông đảo bà con nông dân và các đại lý VTNN cùng đến tham dự. Niềm vui lớn đối với nông dân ĐBSCL khi nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động là mua được sản phẩm với giá cả hợp lý và chất lượng được đảm bảo.


Chú tư Thống (Châu Thành - Tiền Giang) luôn tin tưởng chất lượng sản phẩm Đạm Cà Mau
Đi nhiều tỉnh ĐBSCL, có dịp gặp gỡ nông dân chúng tôi được biết, bà con thích bón đạm Cà Mau vì hàm lượng chất gây bạc màu đất thấp. Nhất là tiết kiệm được lượng phân bón trong quá trình sử dụng, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Chú Tư Thống, ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) bộc bạch: “Qua 4 vụ tôi xài Đạm Cà Mau, đối chứng kỹ lưỡng đã rút ra được kinh nghiệm quý. Bón Đạm Cà Mau cây lúa ăn phân từ từ, lá chậm xanh nhưng màu xanh bền đã tiết kiệm được trên 10% phân bón mỗi vụ”. Có lẽ điều này cũng giống với nhận xét của Cục Trồng trọt, bón Đạm Cà Mau có ưu thế hơn so với việc sử dụng các loại phân đạm khác. Đặc biệt, là màu xanh bền trên tán lá và năng suất tăng cao hơn từ 5 – 10%.  Chú Tư nhẩm tính: “Với hiệu quả và đầu tư chi phí giống, phân, thuốc và dự đoán năng suất lúa sau khi dùng Đạm Cà Mau thì mỗi vụ, bà con nông dân có thể thu về chênh lệch do tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng/ha so với sử dụng phân bón khác”.

Ông Nguyễn Thành Được, nông dân huyện Tri Tôn, An Giang nói chắc nịch: “Sử dụng phân bón thương hiệu Đạm Cà Mau vừa tiết kiệm mà hiệu quả kinh tế mang lại rất cao”. 
Theo ông Được, phân đạm hạt đục đã cho hiệu quả cao, năng suất cao hơn ruộng sử dụng phân bón nhập khẩu. Sản phẩm có độ cứng cao, không vỡ vụn, đạm hạt đục thể hiện được ưu thế của mình so với các loại đạm thông thường. Đạm hạt đục chậm tan hơn và cho hiệu quả tác dụng lâu bền hơn trên cây lúa, vừa chống thất thoát đạm, đồng thời giúp cây lúa có thời gian hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Sở NN-PTNT Cà Mau khẳng định, sử dụng phân bón đạm hạt đục cho hiệu suất sử dụng đạm đạt 60-70%. Trong khi đó, nếu sử dụng u-rê thông thường thì khả năng mất đạm lên đến 60% so với tổng lượng đạm bón vào trong đất. Không những vậy, qua kết quả thực hiện mô hình trình diễn tại xã Tân Lộc (huyện Thới Bình) dự kiến năng suất đạt 6,2 tấn/ha, cao hơn hẳn so với ruộng sử dụng phân nhập khẩu. Không riêng gì huyện Thới Bình, mà cả huyện Trần Văn Thời (điểm thử nghiệm lần 1) đều cho hiệu quả rõ rệt. 2 điểm sử dụng phân đạm hạt đục đều cho hiệu quả từ bằng tới hơn về các chỉ tiêu năng suất, sinh trưởng.

Bảo vệ quyền lợi nông dân
Không dừng lại ở những ưu điểm về tính năng sản phẩm, trong năm qua, Cty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã cùng với các tỉnh trong vùng ĐBSCL phối hợp thực hiện công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ uy tín thương hiệu Đạm Cà Mau và bảo vệ quyền lợi của người nông dân giảm đi nỗi lo phân bón giả của bà con khi mùa vụ đến. 


Với dây chuyền công nghệ hiện đại, Đạm Cà Mau đang là sự lựa chọn hàng đầu của bà con nông dân
Được biết năm qua, Cty đã phối hợp với Chi cục BVTV các tỉnh tổ chức hơn 50 mô hình trình diễn, trên 200 cuộc hội thảo kỹ thuật để chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt và hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân sử dụng đạm hạt đục một cách hiệu quả.  Qua đó, hỗ trợ triển khai các chương trình liên kết 4 nhà, hội nghị, hội thảo…Góp phần thực hiện chính sách tam nông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện chuỗi giá trị làm nên hạt gạo trong cánh đồng mẫu lớn.
Theo các chuyên gia, xét về phương diện chất lượng, Đạm Cà Mau được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao, chất lượng luôn ổn định và đảm bảo giá thành hợp lý phục vụ tốt cho người nông dân. Không chỉ riêng gì nông dân ĐBSCL, nông dân cả nước sẽ vui mừng đón nhận và sử dụng phân đạm Cà Mau để nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Ông Hoàng Trọng Dũng, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, kể từ khi chính thức hoạt động, sản lượng phân đạm của Nhà máy Đạm Cà Mau đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước, đưa PVCFC trở thành nhà sản xuất và kinh doanh phân bón, cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cho cây trồng hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, giải quyết dứt điểm tình trạng sốt phân bón mỗi khi mùa vụ đến, tiết kiệm hàng trăm triệu USD nhập khẩu phân bón. Không những vậy, Đạm Cà Mau đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều nước như: Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản, Thụy Sỹ.
Ngoài công việc SXKD, điểm nổi bật của Đạm Cà Mau là hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. PVCFC đã thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội, đi đúng với giá trị cốt lõi mà PVCFC đã đề ra. Bên cạnh đó, lãnh đạo Cty luôn lắng nghe ý kiến góp ý của bà con, tiếp nhận và phản hồi lại những tình cảm của nông dân nhanh nhất để không ngừng hoàn thiện, phát triển.
Theo Báo NNVN