Năm 2016 được xem là một năm đầy thách thức đối với Đạm Cà Mau nói riêng và ngành phân bón nói chung. Trước thềm Đại hội đồng cổ đông năm 2017, chúng tôi xin điểm qua một số điểm đáng chú ý trong hoạt động của doanh nghiệp này. 

Liên tục đối mặt với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tình trạng bất ổn và cạnh tranh khốc liệt của thị trường phân bón trong năm 2016, song Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC - mã chứng khoán DCM) đã nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ của năm; duy trì Nhà máy Đạm Cà Mau hoạt động liên tục an toàn, ổn định; tiêu thụ kịp thời hàng hóa sản xuất, duy trì mức tồn kho tối ưu.

Đặc biệt, vào cuối tháng 8/2016, Đạm Cà Mau đã nâng công suất nhà máy lên 110%, qua đó tiếp tục giữ vững sản lượng urê quy đổi đạt trên 800.000 tấn/năm. Đồng thời, công ty tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối và nâng cao hình ảnh thương hiệu của mình trên thị trường.


Nhà máy Đạm Cà Mau đã phát huy thế mạnh công nghệ, liên tục sản xuất ổn định với công suất tối đa 

Hiện Đạm Cà Mau là một trong hai nhà sản xuất phân urê có công suất lớn nhất tại Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng 40% sản lượng tiêu thụ cả nước và đang mở rộng xuất khẩu. Tại thị trường Tây Nam bộ, Đạm Cà Mau hiện chiếm 56% thị phần; Tây Nguyên là 26% và thị trường Campuchia khoảng 30 % thị phần. Công ty cũng đang tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối trong nước, đặc biệt là ra các tỉnh miền Bắc, miền Trung và sang các nước trong khu vực, trên thế giới như: Campuchia, Philippines, Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc...

Cơ cấu cổ đông của Đạm Cà Mau khá tập trung với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ 75,56% và Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Tài chính Dầu khí nắm 10,17%, gần 4% thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ có khoảng 16% được sở hữu bởi các cổ đông bên ngoài, gồm cả khối ngoại.

Tại thời điểm cuối năm 2016, số dư tiền và các khoản tiền gửi của Đạm Cà Mau lên đến 3.100 tỷ đồng, tài sản cố định chiếm 8.750 tỷ đồng là 2 khoản mục lớn nhất, chiếm lần lượt 24% và 68% tổng tài sản; hàng tồn kho chiếm hơn 374 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, lượng tồn kho giá thấp sẽ đem lại lợi thế cho Đạm Cà Mau trong năm 2017 khi giá phân bón phục hồi.

Điểm nổi bật là dòng tiền hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau liên tục duy trì con số dương ở mức cao, lên đến hơn 1.080 tỷ trong năm 2016. Dòng tiền mạnh, số dư tiền mặt lớn, giúp công ty giảm phụ thuộc vào vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ cũng như đầu tư dự án mới.

Bước sang năm 2017, theo kế hoạch kinh doanh mới được công bố, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.328 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 633 tỷ đồng, tương đương với số thực hiện của năm 2016. Đây được xem là kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, được xây dựng trên bối cảnh thị trường nhiều khó khăn của cuối năm 2016. Tuy nhiên, với những triển vọng tích cực trong năm 2017, nhiều dự báo cho rằng Đạm Cà Mau hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao trở lại, đặc biệt là từ những nỗ lực đổi mới, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực nội tại, định hướng đầu tư các mảng sản phẩm mới và tăng cường xuất khẩu.

Ngay những tháng đầu năm 2017, Đạm Cà Mau đã cho thấy kết quả kinh doanh có nhiều khởi sắc với các chỉ tiêu tài chính hết sức khả quan. Nhà máy Đạm Cà Mau cũng vừa cán mốc sản xuất 4 triệu tấn phân bón vào ngày 8/3/2017 vừa qua, càng khẳng định năng lực sản xuất và vị thế hàng đầu của công ty trên thị trường phân bón nội địa.

Có thể thấy, nhờ những yếu tố thuận lợi từ thị trường, năng lực sản xuất lớn, cùng kế hoạch kinh doanh mới, Đạm Cà Mau đang kỳ vọng bước vào giai đoạn tăng trưởng cao và hiệu quả hơn.

Mai Phương