2019 là năm hết sức khó khăn với ngành phân bón do nhu cầu sụt giảm bởi ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino đến sản xuất nông nghiệp; giá hàng loạt các mặt hàng nông sản chủ lực như: lúa gạo, cà phê, tiêu, cao su... lao dốc với tốc độ lớn, khiến nông dân thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, phân bón nội phải cạnh tranh gay gắt với các phân bón ngoại nhập, trong khi các chính sách chưa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước... Trong bối cảnh đó, rất nhiều các công ty sản xuất và kinh doanh phân bón không đạt được kế hoạch đề ra.
|
Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau
|
Với Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Đạm Cà Mau - bên cạnh những khó khăn chung của ngành sản xuất phân bón, công ty còn đối mặt với khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định. Tuy nhiên, ngay từ năm 2018 và trước đó, PVCFC đã phân tích, đánh giá tình hình, dự báo những khó khăn, thách thức để chủ động ứng phó. Ban lãnh đạo PVCFC xác định, thách thức cũng chính là cơ hội để tập thể CBCNV phát huy sức mạnh nội lực, vượt khó để đi đến thành công. Ban lãnh đạo PVCFC luôn sâu sát phân tích điều kiện cấp khí và lên kế hoạch sát với thực tế; đội ngũ kỹ sư không ngừng nỗ lực, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để dây chuyền sản xuất trơn tru, góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, hao hụt.
|
Vận hành sản xuất trong Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Đạm Cà Mau
|
Nhờ nỗ lực áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí, linh hoạt trong quản lý, điều hành, phát huy nội lực, PVCFC đã giữ được nhịp độ sản xuất, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân qua các mùa vụ.
Ngày 25-11-2019, Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức cán mốc mục tiêu sản xuất 775.000 tấn sản phẩm, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch 2019 đề ra. Song song với đó, các chỉ tiêu kinh doanh, tự doanh cũng vượt kế hoạch gần 1 triệu tấn phân bón các loại mang thương hiệu Đạm Cà Mau, giữ vững thị phần tại các thị trường mục tiêu và mở rộng các thị trường mới, tạo tiền đề để tiếp tục đưa các dòng sản phẩm mới như NPK Cà Mau và phân bón hữu cơ vi sinh... thâm nhập thị trường.
Đặc biệt, các chuyên gia nhận định, trong trung hạn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón. Trong dài hạn, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển chung của thế giới và Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường. Các doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng bền vững trong dài hạn là những doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng đó, tập trung đầu tư nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phân hữu cơ, phân vi sinh chất lượng cao và chi phí thấp.
Trong năm 2019, PVCFC đã cán mốc sản lượng sản xuất 6 triệu tấn urê vào ngày 29-7-2019 sau 8 năm vận hành, tương đương 120 triệu bao Đạm Cà Mau đã đến được với nông dân, khẳng định sự đóng góp của PVCFC trên hành trình phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa khi tiết kiệm cho đất nước hơn 1 tỉ USD nếu phải nhập khẩu phân bón. Trong suốt hành trình của mình, mỗi năm, Đạm Cà Mau mang lại doanh thu trên 6.000 tỉ đồng, riêng lợi nhuận dao động 300-600 tỉ đồng/năm.
|
Đạm Cà Mau - Vững tin vượt sóng
|
Trên chặng đường 8 năm phát triển, PVCFC luôn nỗ lực không ngừng thực thi sứ mệnh cung cấp giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng, tối ưu hóa lợi ích nhà nông, khách hàng, đối tác, ghi dấu ấn về một doanh nghiệp “Tiên phong - Trách nhiệm - Ân cần - Hài hòa”, ngày càng được tín nhiệm ở thị trường trong nước, quốc tế. Đó cũng là bản sắc văn hóa mà PVCFC đã dày công xây đắp. Bản sắc đó không chỉ được thể hiện trong lao động qua sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó, luôn nỗ lực đổi mới, tạo hứng khởi để tăng năng suất lao động, mà còn thể hiện qua các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng được thực hiện với tấm lòng sẻ chia chân thành và khát vọng cùng chung tay vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước.
Trong giai đoạn tới, sản phẩm NPK Cà Mau chất lượng cao xuất hiện đồng loạt trên thị trường thay thế sản phẩm nhập khẩu, kỳ vọng tạo nền tảng tăng trưởng cho ngành công nghiệp phân bón trong nước. Việc PVCFC đầu tư Nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm với công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay sẽ đem đến cho thị trường nguồn cung phân bón NPK chất lượng cao, trong bối cảnh phân bón giả và kém chất lượng đang tràn lan.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân tăng nhanh, nhu cầu chi tiêu cho thực phẩm cũng ngày càng gia tăng. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2019-2020, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm, dân số được dự báo khoảng 96 triệu người vào năm 2020. Với nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ cao, thúc đẩy gia tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón cho cây trồng.
Với chiến lược kinh doanh gói gọn bởi 3 nội dung: Sản phẩm, con người, cộng đồng, PVCFC rất coi trọng công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, hài hòa các yếu tố đất, nước và không khí... nâng cao năng lực sản xuất gắn liền trách nhiệm gìn giữ môi trường sống; chuyển giao kỹ thuật bón phân, tận tâm hướng dẫn để nông dân canh tác đúng cách, đúng kỹ thuật, tránh tác động ngược gây hại môi trường...
Chiến lược này cho thấy hướng đi đúng đắn của PVCFC trong việc đón đầu thị trường, phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Cùng với đó, bằng sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng, sức mạnh nội lực, “con thuyền Đạm Cà Mau” vững tin vượt sóng, vững vàng trên chặng đường mới, để tiếp tục thực thi sứ mệnh đồng hành cùng nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững.
PVCFC đã cán mốc sản lượng sản xuất 6 triệu tấn urê vào ngày 29-7-2019 sau 8 năm vận hành, tương đương 120 triệu bao Đạm Cà Mau đã đến được với nông dân, khẳng định sự đóng góp của PVCFC trên hành trình phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam.
|
PetroTimes