(PetroTimes) - Vừa qua, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã tổ chức thành công phiên bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), 128.951.300 cổ phần tương đương 24,36% vốn điều lệ đã được bán hết, thu về 1.580 tỉ đồng. Kết quả này khẳng định vị thế của PVCFC trên thị trường phân đạm và quá trình phát triển bền vững của công ty.

Chững chạc nhập cuộc

Vào thời điểm khởi công Nhà máy Đạm Cà Mau, nhu cầu phân đạm cho sản xuất đã lên đến hơn 1,7 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm do chưa có nhà máy sản xuất phân đạm nên phải lệ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu với chi phí khá cao và giá cả thường tăng vọt mỗi khi vào vụ. Xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm tại chỗ sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí đầu vào tăng lợi nhuận cho đầu ra là niềm mong mỏi của hàng triệu nông dân tại ĐBSCL. Và chỉ sau 43 tháng xây dựng, nhà máy đã đi vào sản xuất, ước vọng của hàng triệu nông dân đã trở thành hiện thực. Nhà máy Đạm Cà Mau được đầu tư bài bản với công nghệ hiện đại, tiết kiệm gần 200 triệu USD so với dự toán ngay từ giai đoạn đầu tư.

Sau khi hoạt động ổn định, Nhà máy Đạm Cà Mau được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao cho Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) tiếp quản quản lý và vận hành sản xuất kinh doanh. Phát huy vai trò, thế mạnh công trình trọng điểm quốc gia, PVCFC đã nỗ lực nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.



Trong 3 năm vận hành, Nhà máy Đạm Cà Mau đều vượt các chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Nhà máy đã hoàn toàn làm chủ trong vận hành sản xuất, luôn duy trì vận hành ổn định và an toàn ở mức trên 98-100% công suất thiết kế, cung cấp liên tục gần 2 triệu tấn sản phẩm urê chất lượng cho khu vực ĐBSCL và các khu vực khác trong cả nước, không chỉ tiết kiệm hàng trăm triệu đôla nhập khẩu phân bón mà còn mang về những mùa vàng thắng lợi cho bà con nông dân. Sự tham gia năng động và tích cực của PVCFC trong Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ cho riêng tỉnh Cà Mau mà còn cho cả vùng ĐBSCL.

Thành công của Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau một lần nữa đã khẳng định quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cụm khí điện đạm, trong đó có Nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng để chủ động nguồn cung phân bón trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

Tuy là doanh nghiệp trẻ, nhưng PVCFC đã biết vận dụng triệt để ưu thế của mình, biến khó khăn thành cơ hội, nhờ vậy, có thể tận dụng hiệu quả kinh nghiệm từ các công ty đi trước để phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối, quản trị công ty. Bên cạnh đó, PVCFC cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sản xuất kinh doanh. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến và tối ưu hóa sản xuất. Hệ thống phân phối được xây dựng và từng bước hoàn thiện bền vững để tiêu thụ hiệu quả toàn bộ sản phẩm do Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất.

Nếu năm 2012, công ty sản xuất và tiêu thụ 444.000 tấn, doanh thu đạt 4.076 tỉ đồng thì năm 2013, thị phần của công ty vẫn phát triển rộng khắp với khối lượng tiêu thụ gần 750.000 tấn, doanh thu đạt 6.259 tỉ đồng. Ước cả năm 2014, PVCFC đưa ra thị trường 780.000 tấn.

Niềm tin cam kết

Cũng như các doanh nghiệp khác, thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, việc chuyển đổi doanh nghiệp trở thành công ty cổ phần là một lẽ tất yếu cho sự phát triển của PVCFC.

Với tinh thần chủ động và tích cực, sau gần 1 năm khẩn trương chuẩn bị dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công ty đã triển khai các công việc theo đúng lộ trình cổ phần hóa đã đề ra từ việc phổ biến, tuyên truyền công tác cổ phần hóa tới CBCNV toàn công ty, xác định giá trị doanh nghiệp, lập và triển khai phương án cổ phần hóa, đến công tác các hoạt động truyền thông giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Đạm Cà Mau và tổ chức bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Ngày 11/12/2014, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) tổ chức phiên đấu giá, toàn bộ số cổ phần Đạm Cà Mau phát hành đã được 1.294 nhà đầu tư trúng đấu giá. Giá đấu thành công cao nhất là 24.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 12.100 đồng/cổ phần, giá đấu thành công bình quân là 12.251 đồng/cổ phần. Tổng số lượng cổ phần bán được là 128.951.300 tương đương tổng giá trị cổ phần bán được là 1.580 đồng.

Sự kiện Đạm Cà Mau IPO thành công là một điểm sáng trên thị trường chứng khoán nói riêng và tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nói chung. Dự kiến, 3 tháng sau khi IPO, Đạm Cà Mau sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp đưa ra cam kết nhanh, rõ ràng về thời điểm niêm yết cổ phiếu, thực hiện đúng chủ trương cổ phấn hóa gắn với niêm yết theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sau phiên đấu giá, Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến cam kết đội ngũ quản trị PVCFC sẽ tiếp tục tiến hành một cách đầy đủ và khẩn trương các công việc cho đến khi chuyển đổi xong thành công ty cổ phần, theo đó, công ty sẽ tiến hành đại hội cổ đông lần đầu tiên dự kiến vào tháng 1/2015. Theo kế hoạch mà PVCFC xây dựng, trong giai đoạn 2014-2018, mỗi năm công ty sẽ đạt doanh thu 5.600-8.500 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 650-700 tỉ đồng.

Không ít nhà đầu tư kỳ vọng sau IPO, PVCFC sẽ có một bước tăng trưởng mạnh, củng cố năng lực cạnh tranh của thương hiệu Đạm Cà Mau trên thương trường trong nước cũng như quốc tế.
Nguyên Phương