Ông Lại Xuân Môn- Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Nông dân khởi nghiệp với 5G
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam- cho biết, trong nhiều giai đoạn, nông nghiệp luôn thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, hỗ trợ công nghiệp, dịch vụ phát triển. Nông dân đã góp phần làm nên lịch sử, từ chỗ đói ăn đến dư thừa phục vụ xuất khẩu, đến nay đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đó chính là thành quả của quá trình khởi nghiệp mà nông dân là chủ thể. Theo ông Lại Xuân Môn, trong giai đoạn mới, quá trình khởi nghiệp của nông dân phải khác, tư duy của bà con phải thay đổi, từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, từ nhỏ lẻ lên liên kết, từ công nghệ bình thường sang công nghệ cao, từ coi trọng năng suất sang coi trọng chất lượng. Có như thế nông nghiệp mới cất cánh, nông dân mới giàu có.\
Hội nghị lần này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về khởi nghiệp, để những nông dân có tư tưởng khởi nghiệp tư duy đúng, đồng thời khuyến khích, động viên những ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc, có tính khả thi cao của nông dân.
Cũng theo ông Lại Xuân Môn, nông nghiệp thời hội nhập đang có những thời cơ, thuận lợi và thách thức, trong đó thách thức nhiều hơn thuận lợi, đó là thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, biến động của thị trường… “Nông dân thời 4.0 khởi nghiệp có thế tổng quát bằng 5 chữ G. Đó là: Sản xuất giỏi - Kinh doanh giỏi - Làm giàu - Giảm nghèo và Giá trị gia tăng cao. Nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần hướng tới 5G đó”- ông Lại Xuân Môn nói.
Tại Hội nghị, những gương nông dân tiêu biểu đã và đang thành công trong khởi nghiệp ở nông nghiệp, nông thôn đã được giới thiệu để nhiều người biết học tập, liên kết đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung vì nông nghiệp phát triển, nông thôn hiện đại và nông dân Việt Nam giàu có…
Anh Nguyễn Hữu Trí, ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, gia đình có diện tích đất sản xuất 4ha (40.000 m2), chủ yếu trồng các loại hoa như: Lyly, hoa Tulip, Lan hồ điệp, hoa hướng dương và hoa cẩm tú cầu. Từ nhu cầu thực tế của ngành sản xuất nông nghiệp là phải đưa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu từ làm đất, giống, quy trình sản xuất, chế biến…, gia đình đã đầu tư trang bị 02 máy cày, 02 máy phun thuốc, trang bị hệ thống tưới tự động, 01 nhà xưởng sơ chế đóng gói 200m2, trang bị hệ thống kho lạnh và các công cụ sản xuất khác. Phương pháp sản xuất của gia đình được quan tâm thực hiện theo hướng hiện đại thâm canh tăng năng suất, chất lượng, sản lượng để nâng cao được hiệu quả kinh tế tối ưu. Nhờ đó, đã đạt hiệu quả: sản lượng hoa cắt cành các loại đạt hàng năm: 2.500.000 cành, tổng thu nhập: 37,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí 23,7 tỷ đồng, lãi thu được 13,8 tỷ đồng. Gia đình đã giải quyết cho 25 lao động có việc làm ổn định hàng năm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tạo việc làm cho hơn 50 lao động thời vụ vào những đợt xuống giống và thu hoạch hoa.
Cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước
Trong khung khổ của hội nghị đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp”. Tại đây, các chuyên gia và nông dân đại diện một số mô hình khởi nghiệp đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ xung quanh 3 chuyên đề gồm: Khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Các mô hình trang trại, kết hợp du lịch, đa canh theo chuỗi sản xuất; Các mô hình chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các chuyên đề được chuyên gia phân tích, gợi mở ở những góc độ về tiềm năng, cơ hội phát triển; Khó khăn và các giải pháp tháo gỡ…
Toàn cảnh tọa đàm
Theo ông Lại Xuân Môn, để 70% dân số Việt Nam khởi nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển đi lên, nông dân giàu có, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước. Cần đưa các cơ chế chính sách thuận lợi cho nông dân khởi nghiệp chứ đừng đưa các cơ chế chính sách đánh đố người nông dân. Muốn khởi nghiệp thành công thì phải có đất đai, vốn với lãi suất thấp, thậm chí phải có hỗ trợ, người nông dân phải được đào tạo chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Đăng Cường- Trang trại nuôi vịt trời (xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)- chia sẻ, khởi nghiệp nông nghiệp rất khó khăn, ngoài sự nỗ lực, đam mê của bản thân thì rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương tạo cơ hội đất đai, Nhà nước cần tạo cơ chế chính sách cho nông dân có cơ hội được khởi nghiệp.
Theo các chuyên gia, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì sự mạo hiểm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vẫn dễ thành công hơn nếu tạo ra được sự sáng tạo vì công nghệ là “bùng nổ” và “đột phá”. Khởi nghiệp trong nông nghiệp khó khăn hơn nhiều bởi sự đầu tư của người nông dân mới chỉ là một khâu trong cả chuỗi liên kết.
Xem thêm video của Hanoi TV về hội nghị tại link sau đây: Hội nghị nông dân khởi nghiệp 2017
Nguyễn Hạnh - Vũ Vũ (Báo Công Thương)