Trên nền tảng doanh nghiệp hoạt động tốt, quy mô doanh nghiệp lớn và có vị thế đầu ngành, cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) hiện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có quỹ ETF và các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông
Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên
Trưởng ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau cho biết, sản xuất đạm
thuộc nhóm ngành chế biến sâu lọc hóa dầu, một trong những lĩnh vực cốt
lõi của PVN. Do đó dự án trọng điểm quốc gia, Nhà máy Đạm Cà Mau được
chú trọng đầu tư với quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhằm tăng cường
khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả ở các thị trường quốc tế.
Và vì vậy, PVCFC luôn được PVN quan tâm và hỗ trợ để đạt được hiệu quả
hoạt động tốt nhất.
|
Ngày 26-11, PVCFC chính thức ra mắt phân bón cao cấp N.Humate+TE,
đánh dấu quá trình trưởng thành trong công tác nghiên cứu phát triển sản
phẩm của PVCFC
|
Song, xác định đó chỉ là những thuận lợi
trước mắt, Ban lãnh đạo PVCFC cùng đội ngũ cán bộ, công nhân viên luôn
tâm niệm cần phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong cách nghĩ, cách
làm, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của nhà máy và đột phá trong lĩnh vực phát
triển và kinh doanh các sản phẩm mới, mang lại giá trị gia tăng cho cổ
đông, khách hàng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao
động.
Với định hướng đó, sau hơn 4 năm đi vào
hoạt động, PVCFC đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trên thị
trường. Bằng những kết quả khả quan trong công tác quản lý, vận hành sản
xuất và phát triển kinh doanh, cùng với lợi thế về sản phẩm đạm hạt đục
lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng đã trở
thành lựa chọn số một tại các thị trường mục tiêu.
Năm 2015 tiếp tục là một năm thành công
đối với PVCFC khi chính thức niêm yết 529,4 triệu cổ phiếu với mã chứng
khoán DCM trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào ngày 31-3 theo
đúng cam kết tại bản cáo bạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng,
ngay say kỳ đại hội cổ đông lần đầu vào năm 2015. Kết thúc phiên giao
dịch đầu tiên, cổ phiếu DCM đã lọt vào Top 5 cổ phiếu có khối lượng
giao dịch nhiều nhất trên sàn HOSE, với hơn 3,8 triệu đơn vị.
|
Tiếp đó, vào tháng 5-2015, Đạm Cà Mau
chính thức có mặt tại thị trường Campuchia bằng việc ký kết hợp đồng
phân phối giữa PVCFC với 3 doanh nghiệp bản địa. Việc thâm nhập vào thị
trường Campuchia là bước khởi đầu thuận lợi, khẳng định tính đúng đắn và
hiệu quả trong định hướng phát triển của PVCFC. Đến tháng 7-2015, PVCFC
tiếp tục ký kết hợp tác nghiên cứu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh
với đối tác BellFarm - Nhật Bản, tạo cơ hội đẩy nhanh tiến trình đa dạng
hóa sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường với mục tiêu phát triển
nông nghiệp bền vững. Cũng trong thời gian này, việc giới thiệu mẫu bao
bì mới cho sản phẩm urê hạt đục - Đạm Cà Mau tiếp tục một cột mốc quan
trọng đánh dấu quá trình không ngừng đổi mới để thỏa mãn nhu cầu của
khách hàng, đồng thời khẳng định cam kết của PVCFC cho một chất lượng
đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với danh hiệu “Sản phẩm đạt thương hiệu quốc
gia”.
Không dừng lại ở sản phẩm truyền thống,
PVCFC định hướng tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trên
nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngày
26-11, PVCFC đã chính thức ra mắt sản phẩm mới - phân bón cao cấp
N.Humate+TE. Sản phẩm này đánh dấu quá trình trưởng thành trong công tác
nghiên cứu phát triển sản phẩm của PVCFC, góp phần đa dạng hóa sản phẩm
phân bón chất lượng cao, tạo cơ hội thuận lợi cho bà con nông dân tiếp
cận được với các sản phẩm phân bón mới có các đặc điểm và tính năng nổi
trội.
Và đến 12-12, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cán
mốc sản xuất 782.000 tấn sản phẩm, về đích sớm 20 ngày so với kế hoạch
năm 2015. Đây là năm thứ 4 liên tiếp kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động,
PVCFC luôn sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch đề ra. Đến hết ngày
31-12-2015, nhà máy sản xuất khoảng 820 ngàn tấn urê, đạt 106% kế hoạch
năm 2015, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể người lao động
PVCFC đã biết tận dụng mọi nguồn lực, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả
với 102% công suất thiết kế.
Trong năm 2015, PVCFC cũng đã bắt tay
vào triển khai xây dựng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp - ERP
và nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro theo
chuẩn mực COSO (Mỹ), khởi đầu cho một loạt các hoạt động nâng cao công
tác quản trị công ty khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Nhờ những
giải pháp đồng bộ này, PVCFC đã tiết giảm được chi phí, giảm giá thành
sản xuất, qua đó nâng cao sức cạnh tranh.
Hiện nay, sản phẩm Đạm Cà Mau đã chiếm
gần 60% thị phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên nhiều địa
phương trong cả nước. Ngoài 3 thị trường trọng điểm là Đông Nam Bộ, Tây
Nam Bộ và Campuchia, PVCFC đang tiếp tục mở rộng, phát triển thị trường
trong nước như miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, xuất khẩu sang Thái Lan
và các nước châu Á khác, với mục tiêu chiếm lĩnh tối thiểu 65% thị
trường Tây Nam, 30% thị trường Đông Nam Bộ và 50% thị trường Campuchia
trong giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, sản phẩm Đạm Cà Mau cũng đã có mặt
tại các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Nhật Bản,
Bangladesh… và được đánh giá cao về chất lượng.
Trên nền tảng doanh nghiệp hoạt động
tốt, quy mô lớn và có vị thế đầu ngành, cổ phiếu DCM của PVCFC hiện đang
được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có quỹ ETF và các
nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi niêm yết, DCM nằm trong Top 30 công ty
niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Với những thành công mà PVCFC đã đạt
được trong năm 2015, cộng với sự năng động trong quá trình phát triển,
tính chuyên nghiệp trong quản lý điều hành, công khai minh bạch trong
hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như củng cố và phát triển thương
hiệu trên thị trường, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng,
PVCFC sẽ tạo điều kiện cho cổ đông và các nhà đầu tư thực hiện tốt nhất
các quyền và nghĩa vụ của mình, tiếp tục nâng cao cơ cấu lợi nhuận, góp
phần đưa lợi nhuận chung của doanh nghiệp cao hơn so với định mức.