Sự kiện Đoàn Thăm dò dầu lửa 36
chính thức ra đời đánh dấu chặng khởi đầu của của ngành Dầu khí cùng những thay
đổi, thăng trầm của đất nước và có thể nói mỗi bước phát triển của ngành đều
góp phần tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian dài do chiến tranh, với bao khó khăn thiếu
thốn, hiểm nguy của bom đạn, nhưng công tác tìm kiếm và khoan thăm dò dầu khí
vẫn được triển khai ở đồng bằng Bắc bộ, nhưng phải sau 15 năm chúng ta mới phát hiện dòng khí thiên nhiên và
condensat có giá trị thương mại tại giếng khoan 61 Tiền Hải - Thái Bình (18- 3-1975) và
ngày 19-4-1981, những mét khối khí đầu tiên từ mỏ khí Tiền Hải - C được khai
thác dẫn đến trạm tua-bin khí phát điện.
Ngay sau
khi chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước
ta bước vào thời kỳ khôi phục toàn diện sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã
xác định phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí, nguồn năng lượng quan
trọng cho phát triển đất nước.
Ngày 6-8-1975, Chính phủ Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên
lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, sẵn sàng thảo luận với các
chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia. Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị
ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn
chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của
ngành Dầu khí Việt Nam.
Với quyết tâm kiên trì xây dựng
ngành dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ
Chính trị đã ký Hiệp định hợp tác chiến lược với Liên xô, trong đó có việc xây
dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên một số lô ở thềm lục
địa phía nam Việt Nam. Bước ngoặt lịch sử này là tiền đề để hình thành nền công
nghiệp dầu khí ngày nay.
Năm 1981 cũng là năm ký Hiệp định
thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (nay là Liên doanh Việt Nga -
Vietsovpetro) tại Vũng Tàu theo Hiệp định hợp tác tìm kiếm thăm dò khai thác dầu
khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô
(cũ).
Sau
khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập, hoạt động xây dựng căn cứ
trên bờ được đẩy mạnh. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25-12-1983, tàu Mikhain Mirchin
đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 20 giờ ngày 30-4-1984,
đúng 9 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô
trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 21 giờ ngày
26-5-1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp, ngọn lửa dầu đã
rực sáng trên biển ngoài khơi Vũng Tàu.
Ngày 26-6-1986, Xí nghiệp Liên doanh
Dầu khí Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, ghi tên Việt
Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới.
Nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh
Ngày 6-9-1988 việc phát hiện và tổ
chức khai thác hiệu quả với sản lượng cao tầng dầu trữ lượng lớn trong đá móng
nứt nẻ mỏ Bạch Hổ đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Đó là bước ngoặt quan trọng tiếp theo để Bộ
Chính trị ra Nghị quyết số 15 năm 1988 đặt chiến lược xây dựng và phát triển nền
công nghiệp dầu khí Việt Nam đồng bộ, đa ngành, hiện đại với chuỗi hoàn chỉnh
các khâu công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngành Dầu
khí Việt Nam bước sang một thời kỳ lịch sử mới từ năm 2006 sau khi có Kết luận
số 41-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến
năm 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công nghiệp khí và chế biến dầu khí
được hình thành với việc đưa khí vào bờ năm 1995, đưa vào hoạt động nhà máy đạm
năm 2003, hình thành khu khí điện đạm Phú Mỹ, Cà Mau, và các nhà máy Lọc dầu
Dung Quất năm 2010 và Lọc hóa dầu Nghi Sơn 2018... Ngành dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao được
phát triển với các công trình khai thác dầu khí biển, chế tạo dàn khoan tự nâng,
thăm dò ở độ sâu 90 mét nước…
Đây
chính là những sự kiện và thành quả quan trọng khẳng định tầm nhìn chiến lược
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nền tảng để xây dựng và phát triển ngành công
nghiệp Dầu khí hiện đại của Việt Nam. Các
bước ngoặt lịch sử đều có dấu ấn và sự chỉ đạo thành công của Đảng, Bộ Chính
trị, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ.
Những trang sử truyền thống vẻ vang
của ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thấm đẫm khó khăn, gian
khổ, cùng những hoài bão, mong ước, trăn trở với những thành công và thất bại,
những thăng trầm, đổi thay qua các thế hệ những người làm công tác dầu khí từ
những ngày đặt nền móng đầu tiên cho tới hôm nay. Nhưng ngành dầu khí luôn đặt
niềm tin ở sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, ở trí tuệ và quyết tâm của người lao động Dầu khí.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW, ngày 23/7/2015 Bộ chính trị ban
hành nghị quyết số 41 – NQ/TW về chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến
năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Thực hiện các định hướng lớn của Đảng, có thành
công, có thất bại, khiếm khuyết nhưng tập thể người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn,
xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tập đoàn
tiếp tục khẳng định vị trí là Tập đoàn kinh tế trụ cột, hàng đầu của đất nước;
góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi
trường và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Tập đoàn đã phát triển toàn diện, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật
quan trọng, hoàn chỉnh, đồng bộ đa dạng các hình thức sở hữu từ khâu tìm kiếm,
thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất
nhập khẩu. Hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các mục tiêu chiến lược đã
đề ra. Tốc độ phát triển, tiềm lực về vốn, năng lực điều hành đã được khẳng định.
Hoàn thiện mô hình Đảng bộ toàn Tập đoàn và xây dựng hệ thống chính trị đồng
bộ trong Tập đoàn, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện, xuyên
suốt và hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong toàn
Đảng bộ. Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là điểm sáng chứng minh vai
trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.
Hướng tới vận hội mới
Tinh thần đoàn kết và sự thống
nhất của tập thể CB CNV lao động
Dầu khí luôn là nền tảng tạo nên sức mạnh phát triển vững chắc của Tập
đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tập thể lãnh đạo, quản lý điều hành Tập
đoàn hiện nay hầu hết đều là các nhà khoa
học, các chuyên gia có uy tín trong ngành và trong xã hội, có kiến thức và bản
lĩnh chính trị, có kinh nghiệm và nhiệt huyết, quá trình hoạt động đã được tôi
luyện, vượt qua nhiều thử thách..., bởi vậy từ tư duy đến hành xử luôn hướng đến
những giá trị nhân văn cao thượng, với chuẩn mực đạo đức trong sáng, với tinh
thần vì cộng đồng, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn tôn trọng
pháp luật kỷ cương.
Trong suốt
chiều dài lịch sử truyền thống vẻ vang và quá trình xây dựng, phát triển, ngành
Dầu khí Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà
nước, Quốc hội và Chính phủ. Sự quan tâm đó không chỉ ở việc sáng suốt hoạch định
chủ trương, đường lối chiến lược, ban hành chính sách pháp luật, tạo mọi điều
kiện thuận lợi cho ngành, cũng không chỉ ở chỗ ghi nhận, biểu dương, tôn
vinh xứng đáng các thành tích mà còn thể hiện bằng sự bao dung động
viên, khích lệ và thường xuyên trực tiếp chỉ đạo trên nhiều công trình Dầu khí
trọng điểm.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt
được, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao
tặng những phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao Vàng, Huân chương
Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Nhất,
Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
7 tập thể và 5 cá nhân trong
ngành được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều tập thể, cá
nhân trong toàn ngành cũng được Đảng, Nhà nước trao tặng các huân huy chương
và những danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý.
Sự
khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ đã biến thành niềm hăng say lao động,
kích thích sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi gian nan thử thách trong tất cả cán
bộ công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam.
Ý
nguyện, tiên tri thiên tài của Bác về phát triển ngành dầu khí Việt Nam đã trở
thành hiện thực. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước,
sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, ngành Dầu khí Việt Nam từ những sơ khai ban
đầu đến nay đã trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất
nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Ôn lại
những chặng đường lịch sử phát triển đáng tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng thêm khâm phục tầm nhìn thiên tài của
Bác. Đây cũng là dịp để mỗi người Dầu khí nhận thức được trách nhiệm đáng tự
hào, song cũng rất nặng nề của mình đối với Đảng, với đất
nước. Từ đó, hướng tới tương lai, tiếp tục xây dựng ngành công nghiệp dầu khí
phát triển ổn định, hiện đại, đủ tiềm lực và bản lĩnh vươn ra thị trường thế
giới, xứng đáng với sự kỳ vọng mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
trao cho các thế hệ lao động dầu khí.
Nguyễn
Tiến Dũng