1. Trong những năm gần đây, Nhà máy Đạm Cà Mau liên tiếp có những cải tiến quan trọng giúp tối ưu hóa công nghệ, nâng cao công suất và tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng. Chính vì thế mà Nhà bản quyền công nghệ Haldor Topsoe đánh giá Nhà máy Đạm Cà Mau nằm trong top 10 nhà máy có công suất cao toàn cầu và là nhà máy có mức tiêu hao nguyên liệu tốt nhất thế giới… Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của Phòng Công nghệ Nhà máy và cá nhân kỹ sư Nguyễn Trường Giang.
|
Kỹ sư Nguyễn Trường Giang, Phòng Công nghệ, Nhà máy Đạm Cà Mau |
Giang về làm việc tại Nhà máy vào đầu năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Hóa dầu của Đại học Mỏ Địa chất. Ban đầu, anh được phân công công tác vận hành Xưởng Phụ trợ, đến tháng 9/2017 thì chuyển về Phòng Công nghệ cho đến bây giờ. Có thể nói, Phòng Công nghệ với Giang như là “cá gặp nước” vậy! Ở đây giúp anh phát huy được tối đa sức sáng tạo thông qua những dự án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng cho Nhà máy. Điển hình là anh đã được lãnh đạo phân công phụ trách ngay một dự án lớn lúc bấy giờ, đó là thu hồi khí Permeate Gas từ GPP Cà Mau về Nhà máy. Đây cũng chính là dự án đầu tiên của Giang.
Dự án này đã được lãnh đạo lên ý tưởng từ trước, trước khi GPP Cà Mau hoàn thành đi vào hoạt động. Giang tham gia vào giai đoạn đánh giá tiền khả thi và thiết kế chạy thử hệ thống. Giải pháp đầu tiên được đưa ra để tiếp nhận nguồn khí này là phía GPP Cà Mau sẽ đầu tư máy nén khí chạy điện để nén khí đưa về Nhà máy. Tuy nhiên sau khi tính toán, đánh giá cho thấy giải pháp này mất nhiều thời gian hoàn thành, chi phí cao và tiêu tốn năng lượng. Và khi đó, giá khí đưa về Nhà máy sẽ không được tối ưu chi phí nữa.
Thế là Giang cùng anh em Phòng Công nghệ cất công nghiên cứu nhiều tài liệu, tính toán lại và đề xuất một giải pháp khác phù hợp hơn. Đó là dùng thiết bị lôi cuốn đặt ở Nhà máy Đạm Cà Mau. Tuy giải pháp này phức tạp hơn về mặt công nghệ nhưng lại tối ưu hơn mọi mặt từ đầu tư chi phí, thời gian hoàn thành, đến tiết kiệm năng lượng.
Giang nhớ lại, anh bị mất ăn mất ngủ suốt những ngày đầu triển khai dự án này bởi khi thiết kế thì thấy bình thường nhưng khi thiết bị nhập về đầy công trường thì anh như bị choáng ngợp và tâm lý bắt đầu lo lắng. Vì đây là thiết bị mới khá đặc thù của Nhà máy nên thời gian 3-4 ngày đầu sau khi hoàn thành không vận hành được trơn tru do chưa nắm rõ quy luật. Sau đó lãnh đạo Nhà máy đã động viên và cùng anh em Phòng Công nghệ ngồi lại nghiên cứu tài liệu, cải tiến quy trình chạy máy, thay đổi chút công nghệ. Kết quả là sau đó hệ thống tiếp nhận nguồn khí thành công (năm 2019) và vận hành ổn định đến bây giờ.
Trong năm nay, Giang cùng anh em tiếp tục thực hiện dự án thu hồi khí CO2 từ Permeate gas và Flash gas. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn về mặt tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải môi trường. Sau khi dự án đưa vào hoạt động, có thể giúp tiết kiệm năng lượng hơn 600.000 GJ/năm, và thu hồi hơn 40.000 tấn CO2/năm để phục vụ sản xuất Urea, qua đó giúp giảm tổng phát thải khoảng 80.000 tấn CO2 /năm.
|
Dự án Permeate gas đã được đưa vào vận hành an toàn và hiệu quả từ năm 2019 |
2. Giang tâm tư rằng, mấy năm gần đây Nhà máy Đạm Cà Mau phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về việc hạn chế nguồn cung cấp khí nguyên liệu cho sản xuất phân đạm. Theo đó, công suất vận chuyển của hệ thống đường ống PM3 hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu, trữ lượng khí khai thác tại mỏ PM3 ngày càng suy giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của Nhà máy.
Chính vì thế mà Giang cũng như tập thể anh em Phòng Công nghệ luôn trăn trở suy nghĩ, tìm tòi những giải pháp, đưa ra những dự án nhằm tối ưu hóa, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng. Khi đã bắt tay vào dự án thì cả thứ Bảy, Chủ nhật, cả ngày lẫn đêm, Giang cùng anh em thay nhau làm việc hết mình, với mong muốn “làm sao tiết kiệm nhất và mang lại hiệu quả cao nhất cho Công ty, Nhà máy”.
Mà để làm được điều đó thì bản thân Giang phải học hỏi, tư duy cải tiến hằng ngày. Cũng vì vậy mà khi nói về Nguyễn Trường Giang thì không thể không nhắc đến đây là một điển hình của tinh thần cầu tiến, ham học hỏi ở Nhà máy.
Giang học từ những anh công nhân làm việc trực tiếp ngoài công trường từ những ngày đầu, đến những kỹ sư, chuyên gia, những tài liệu trong nước, quốc tế. Mấy năm trước, vào những ngày nghỉ cuối tuần, anh lại khăn gói lên TP HCM học tiếp chương trình Thạc sĩ Hóa dầu của Đại học Bách Khoa TP HCM,… Tất cả quá trình học tập hằng ngày đó của Giang giúp anh tiến bộ một cách “thần tốc” trong công việc mà ngay chính bản thân anh cũng phải ngạc nhiên khi nhìn lại.
Có những việc trước đó Giang chưa thể nghĩ đến, chưa hình dung ra và cũng nghĩ mình không thể làm được nhưng dần dần sau đó thì Giang thấy tất cả đều trở nên… bình thường! Có những việc trước đây lãnh đạo giao Giang phải mất gần một tuần mới hoàn thành thì giờ đây chỉ mất khoảng vài giờ! Năm trước, Giang còn lo lắng mất ăn mất ngủ với dự án công nghệ vài tỷ đồng thì bây giờ, Giang tự tin hoàn toàn ở những dự án lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của Nhà máy.
Khi trò chuyện với Giang, người ta sẽ cảm nhận rõ sự khiêm nhường của anh kỹ sư này khi nói về những kết quả, thành tích. Với Giang, tất cả kết quả là của tập thể, còn bản thân chỉ góp một phần công sức vào đó. Giang luôn giữ tiêu chí phải trau dồi, học hỏi mỗi ngày, nhất là các kiến thức chuyên sâu về dây chuyền công nghệ nhà máy để triển khai các dự án lớn sau này.
“Tôi tự hào và hạnh phúc khi làm việc ở Nhà máy”, Giang nói. Bởi văn hóa lãnh đạo ở Phân bón Cà Mau đã giúp tạo nên một Nguyễn Trường Giang hiện tại, tự tin và bản lĩnh lên từng ngày!
Lê Trúc