Xuất phát từ nhu cầu ấy, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau đang triển khai Dự án chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng mô hình thâm canh cây chuối tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Dự án đã nhận được sự tham gia hợp tác giữa 3 đơn vị, gồm: Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh, Công ty Đạm Cà Mau và Công ty Gỗ Cà Mau; đồng thời có 200 hộ dân quan tâm tham gia.

Lễ ký kết giữa 3 đơn vị tham gia dự án diễn ra vào ngày cuối tháng 4 vừa qua.

Theo đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư; Công ty Đạm Cà Mau hỗ trợ phân bón, thuốc; Công ty Gỗ Cà Mau xây dựng quỹ đất trồng và giải quyết đầu ra sản phẩm.

Theo ông Quách Văn Ấn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, mặc dù được xác định là mặt hàng chủ lực của tỉnh, song trong thời gian qua cây chuối còn phát triển nhỏ lẻ, giống thì bị thoái hoá, người dân còn canh tác theo kiểu truyền thống, năng suất đạt thấp, chỉ khoảng 12 tấn/ha. Từ những tồn tại đó, mục tiêu của dự án triển khai lần này là tiếp nhận và làm chủ được quy trình nhân giống chuối cấy mô và xây dựng mô hình trồng chuối thâm canh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Để từ đó thay đổi cơ cấu cây trồng cũng như nâng cao thu nhập của người dân.

Dự án sẽ được triển khai trồng chuối già Philippines với 100 ha. Ngoài ra, dự án còn tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho tất cả cán bộ, kỹ sư phụ trách và 200 hộ dân trong vùng trồng chuối. Sản phẩm làm ra sẽ được cam kết đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Trước đó, Công ty Gỗ Cà Mau là đơn vị tiên phong phát triển mô hình này và đang cho hiệu quả khả quan.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.500 ha chuối, tuy nhiên, sản lượng chỉ khoảng 12 tấn/ha, tức chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Rõ ràng đây là thu nhập không cao so với tiềm năng hiện có. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đạt 6.000 ha vào năm 2020 và trọng lượng buồng khoảng 20 kg/buồng (chuối xiêm).

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Bé, Trường Đại học Cần Thơ, là người chịu trách nhiệm chính trong dự án cải tạo vườn chuối trong tỉnh Cà Mau, cũng là người đầu tiên mang cây chuối già Philippines về với đồng đất Cà Mau. Theo ông, qua thời gian trồng thí điểm cho thấy cây chuối già Philippines khá phù hợp với đất Cà Mau bằng việc cho năng suất khá cao.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Bé lưu ý, để người dân chuyển từ trồng chuối xiêm truyền thống sang trồng chuối già xuất khẩu đòi hỏi kỹ thuật cao, từ khâu trồng đến quản lý khai thác là không hề đơn giản, cần có sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, ban, ngành. Đồng thời, khi trồng thâm canh diện tích lớn sẽ phát sinh sâu bệnh và cả thị trường cũng phải tính toán cho thật kỹ và cụ thể.

Là 1 trong 3 đơn vị cùng tham gia vào dự án, ông Văn Tiến Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đạm Cà Mau, cho biết, đây là sự hợp tác vô cùng có giá trị để khai thác tiềm năng của đất rừng U Minh. Do đó, với tiềm lực hiện có, công ty sẽ tham gia nghiên cứu giải pháp dinh dưỡng cũng như quy trình sử dụng phân bón cho cây chuối để đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu. Để từ đó cây chuối trở thành thương hiệu mạnh cho tỉnh trong các mặt hàng xuất khẩu.

Là người gắn bó với vùng đất Cà Mau khá nhiều năm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Bé cam kết sẽ đứng sau và tư vấn bằng sự hiểu biết và năng lực của mình để giúp người dân mang về thu nhập cao chứ không chỉ dừng lại ở khoảng 50 triệu đồng/ha/năm như hiện nay

Nguyễn Phú(Theo http://baocamau.com.vn)