Là người gắn bó với Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau ngay từ những ngày đầu thành lập, khi còn là một kỹ sư trẻ, ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau là người đã chứng kiến mọi bước đi thăng trầm của cụm dự án, hiểu được những gian nan, vất vả của những thế hệ cha, anh đi trước trong quá trình gây dựng nên một cụm công trình Dầu khí trọng điểm của quốc gia.
Phóng viên PetroTimes xin lược ghi lại những chia sẻ của Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau Văn Tiến Thanh trong buổi tọa đàm "Kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ" được tổ chức tại Cà Mau vừa qua.
|
Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau Văn Tiến Thanh |
Tháng 7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh, giúp Việt Nam chủ động các nguyên liệu đầu vào cơ bản của nền kinh tế.
Thế hệ trẻ dầu khí thời điểm đó được tiếp cận nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển mới là công nghiệp hóa dầu với các hệ thống đường ống dẫn khí, nhà máy chế biến đạm.
Với sự ra đời các trung tâm sản xuất điện như Nhơn Trạch, nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, hệ thống căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu… Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, sử dụng nguồn tài nguyên dầu khí khu vực Tây Nam Bộ để sản xuất điện- đạm, tạo sức bật cho các tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, một trong ba dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2006 – 2010, bắt đầu được triển khai vào năm 2004. Cụm dự án bao gồm Đường ống dẫn khí PM3-CM; Nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau.
Theo thiết kế ban đầu, tuyến ống dẫn khí từ mỏ PM3 đến Cụm Khí- Điện - Đạm Cà Mau tổng cộng dài khoảng 327 km, cung cấp về bờ khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, được thực hiện bởi tổng thầu EPC là Liên doanh Vietsovpetro. Các tiền bối thuộc Ban QLDA bằng tất cả tâm huyết, quyết tâm, đã mạnh dạn chuyển một phần ống tuyến xuyên thẳng qua rừng U Minh thay vì đi qua biển, rút ngắn được quãng đường 25km so với thiết kế ban đầu. Một công trình lớn, yêu cầu kỹ thuật rất cao, điều kiện thi công khó khăn, nhưng chỉ sau 1 năm, tổng thầu Vietsovpetro đã hoàn thành công trình, đưa những dòng khí đầu tiên về bờ vào tháng 5/2007, cung cấp cho hai nhà máy điện.
Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 với tổng công suất thiết kế 1.500MW cũng được khởi công đồng thời vào năm 2006, chính thức đi vào vận hành thương mại lần lượt vào tháng 3 và tháng 12/2008. Tiếp đó là khởi công xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau - dự án có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất trong Cụm dự án.
Trải qua rất nhiều lần đấu thầu chọn thầu không thành công, cuối cùng đến tháng 11/2008 dự án mới bắt đầu được khởi công xây dựng và nhà thầu được chọn là nhà thầu EPC công ty Vũ Hán (Trung Quốc). Hợp tác với nhà thầu Trung Quốc chính là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để đảm bảo rằng nhà thầu sẽ phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, tuân thủ đúng theo thông lệ quốc tế khi thực hiện dự án. Cà Mau lại ở vùng rất xa, đất nền yếu, để huy động, kêu gọi được các đội ngũ công nhân kỹ thuật những người kinh nghiệm về Cà Mau cũng là việc rất khó khăn.
Ban QLDA thời đó đều là những lãnh đạo có kinh nghiệm và nhiều tâm huyết với cụm dự án, đã tập hợp được đội ngũ nhiều năng lực, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm, nhiệt tình năng động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tất cả các nhân tố đó đã góp phần làm nên thành công cho Dự án.
Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau hình thành đã tạo động lực to lớn cho tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển. Tính đến nay, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm đã đi vào vận hành khai thác ổn định, hiệu quả, đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 14.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội tại địa phương cũng được Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đặc biệt quan tâm. Hàng ngàn công trình cầu, đường, trường, trạm được xây dựng với tổng chi phí vào khoảng 200 tỷ đồng.
|
Nhà máy Đạm Cà Mau |
Trải qua quá trình 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, trong đó 44 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chặng đường đầy thách thức, khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất vinh quang và đáng tự hào. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động Dầu khí qua các thời kỳ đã cống hiến không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng ngành dầu khí phát triển như ngày hôm nay. Là thế hệ đi sau, chúng tôi vô cùng trân trọng, khâm phục tinh thần quả cảm dám nghĩ, dám làm cùng những đóng góp to lớn của các bậc tiền bối cho Dự án Cụm Khí – Điện – Đạm nói riêng và ngành Dầu khí nói chung. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, thế hệ người lao động dầu khí hôm nay càng phải đồng lòng, quyết tâm hơn nữa để vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại, tiếp tục khẳng định được vị thế Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
Nguồn Petrotimes