Các đ/b tham gia Tọa đàm kỷ niệm 30 năm ngày khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng chụp ảnh lưu niệm
Đây là chương trình kỷ niệm 30 năm khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng và kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí do Hội Cựu Chiến binh Tập đoàn Dầu khí và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp tổ chức.
Tại Tọa đàm, các cựu chiến binh Tập đoàn đã chia sẻ về vai trò của những ngườ lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về tham gia các hoạt động của Tập đoàn. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tập đoàn- ông Vũ Công Trình- cho biết, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của Tập đoàn sau 43 năm có sự đóng góp không nhỏ của những người lính, cựu chiến binh sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nay trở về với một nhiệm vụ mới, đó là tham gia xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam ngay từ những ngày đầu mới thành lập.
Các đại biểu đã chia sẻ về những kỷ niệm của 30 năm trước, ngày 06/09/1988, khi Vietsovpetro đã khai thác thương mại tấn dầu đầu tiên trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ- thân dầu có trữ lượng siêu lớn gần 4 tỷ thùng, diện tích gần 60 km2 và chiều cao thân dầu 1300 mét, là một loại hình mỏ phi truyền thống có thể nói “độc nhất vô nhị trên thế giới” đã đi vào văn liệu khoa học dầu khí thế giới – đặt nền móng cho công nghiệp dầu khí biển Việt Nam, và luôn là niềm tự hào của Vietsovpetro và của bao thế hệ người đi tìm lửa Viêt Nam.
Với việc khai thác được dầu từ đá móng, ước mơ khiêm tốn với sản lượng “1 triệu tấn dầu/năm” từ mỏ Bạch Hổ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào những năm 80 không những đã trở thành hiện thực ngay khi phát hiện dầu trong đá móng, mà Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Đông Nam Á- Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy của Tập đoàn Dầu khí- ông Trần Quang Dũng nhấn mạnh.
Thành công của việc khai thác dầu từ đá móng là một kỳ tích của ngành dầu khí Việt Nam. Từ thành công này, ngành dầu khí đã khai thác và đưa được khí đồng hành vào sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, phát triển ngành công nghiệp khí, sản xuất điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và đặc biệt là phát triển được ngành sản xuất phân bón, cung cấp cho ngành nông nghiệp tạo ra những vụ mùa bội thu.
Và khu khí điện đạm Cà Mau là một điển hình về sự phát triển của ngành dầu khí, đóng góp vào phát triển kinh tế của đất nước. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi khẳng định, Cà Mau là một tỉnh ở cực Nam Tổ quốc, xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, việc hình thành Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư đã tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển, đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, góp phần thay đổi diện mạo cho nền kinh tế của vùng. Trong đó, Công trình Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm, hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh, là một dự án lớn, quan trọng, tạo ra tính chủ động cung ứng phân bón trong sản xuất, xuất nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Kết thúc buổi Tọa đàm, các cựu chiến binh của Tập đoàn cùng các đại biểu tham dự hôi nghị đã cùng nhau hát vang bài ca “Hát mãi khúc quân hành” thể hiện ý chí và quyết tâm của những người làm dầu khí tiếp tục vững vàng trước mọi khó khăn thử thách, giữ vững niềm tin, củng cố, xây dựng thương hiệu hình ảnh PetroVietnam, tiếp tục lao động giỏi, lao động sáng tạo, đoàn kết hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
Lê Kim Liên (Báo Công Thương)