Lô sản phẩm phân đạm thương mại đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau đã được xuất xưởng vào thời điểm cách đây 1 năm (30/1/2012). Đến nay, công nghệ được áp dụng tại nhà máy được đánh giá là tiên tiến và hiện đại nhất Đông Nam Á.
- Công nghệ tiên tiến

Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn urê/năm được xây dựng trên diện tích 52 ha tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư 900,2 triệu USD. Công nghệ được áp dụng cho nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA (Đan Mạch); công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italy); công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp. (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam, tương tự Nhà máy Đạm Phú Mỹ.



Với công nghệ tổng hợp Amoniac, nhà máy chọn công nghệ của Haldor Topsoe A/S do đã được khẳng định qua tính ưu việt của các cụm thiết bị công nghệ. Cụm tách CO2 sử dụng công nghệ của BASF với hiệu suất phân tách cao, tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường.

Quá trình tạo hạt, nhà máy sử dụng công nghệ của Toyo Engineering Corp. (TEC - Nhật Bản), cho ra nhiều sản phẩm hạt có kích thước khác tương ứng với mỗi mục đích sử dụng. Hệ thống tạo hạt có thể hoạt động liên tục không phải vệ sinh với thời gian khoảng 4 hay 6 tuần. TEC đã đẩy mạnh cải tiến phần thiết kế thiết bị lọc bụi nhằm mục đích thu hồi bụi tốt hơn và giảm giá thành lắp đặt. Bụi đạm có trong khí thải hầu như không có.

Kiểm soát nghiêm ngặt qua hệ thống online

Nhà máy được thiết kế có 2 hệ thống ống khói và 4 đuốc đốt để xả khí an toàn. Một đuốc đốt sẽ được chuyên dùng để đốt ammonia và đuốc còn lại sẽ được dùng để đốt các khí hydrocacbon. 2 hệ thống đuốc đốt được tách riêng biệt, tại các đầu đốt đều có hệ thống giám sát online để giám sát nhiệt độ, đảm bảo đốt cháy hoàn toàn các khí đưa đến đuốc. Ngoài ra, tại các ống khói đều có hệ thống giám sát online nồng độ khí thải ra môi trường. Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng không khí xung quanh, nhà máy còn lắp đặt 2 trạm quan trắc môi trường tự động theo trục gió chính để hỗ trợ công tác giám sát chất lượng không khí bên trong và bên ngoài nhà máy nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật hiện hành QCVN 21:2009/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học và CVN19:2009/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, nhằm đảm bảo môi trường không khí xung quanh không bị ảnh hưởng bởi quá trình sản xuất.



Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) - cho biết: Ngoài đạt tiến độ và chất lượng theo yêu cầu, dự án đã tiết kiệm trên 150 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ góp phần bình ổn nguồn phân bón trên cả nước, mà còn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một nhà máy khép kín, hướng đến “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam.