Kể từ khi chính thức hoạt động vào đầu năm 2012 cho tới nay, sản lượng urê hạt đục của Nhà máy Đạm Cà Mau đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước, đưa Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trở thành một trong những nhà sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu của Việt Nam.

Bước khởi đầu triển vọng

Nếu như năm 2012 Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất và tiêu thụ 446.000 tấn, doanh thu đạt 4.076 tỉ đồng, thì bước sang năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung urê trong nước vượt cầu do lượng phân bón nhập khẩu, thị trường của Đạm Cà Mau vẫn phát triển rộng khắp với khối lượng tiêu thụ gần 750.000 tấn, doanh thu đạt 6.259 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, PVCFC đã đưa ra thị trường 575.000 tấn, doanh thu đạt 4.334 tỉ đồng. Và gần đây nhất, vào ngày 4/11/2014, toàn thể cán bộ, công nhân, kỹ thuật viên Nhà máy Đạm Cà Mau đã vui mừng đón tấn sản phẩm thứ hai triệu xuất xưởng, một cột mốc quan trọng khẳng định năng lực sản xuất ổn định, an toàn ở công suất cao của nhà máy trong suốt thời gian qua.


Công tác nghiên cứu khoa học tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Tuy thị trường phân bón ở Việt Nam còn rất lớn, song việc cạnh tranh được với các sản phẩm đã có thương hiệu là một thách thức. Vì vậy, Đạm Cà Mau đã tận dụng tối đa sự khác biệt của sản phẩm với tính năng và chất lượng vượt trội hơn so với nhiều dòng sản phẩm khác trên thị trường. Trong đó, không thể không kể đến đội ngũ CBCNV, những con người phải đảm trách nhiều vai trò: vừa vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả, vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sáng kiến vào sản xuất. Nhiều đề tài, sáng kiến, sáng chế đã được công nhận và đưa vào thực tiễn sản xuất mang lợi ích cho PVCFC hàng trăm tỉ đồng.

Uy tín của thương hiệu

Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến nhấn mạnh: chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh đồng thời khẳng định uy tín và thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, PVCFC đã thành lập Phòng Quản lý chất lượng sản phẩm trực thuộc Ban Kỹ thuật Công nghệ với nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu đến bán thành phẩm, thành phẩm ở các phân xưởng sản xuất và lưu kho, xuất hàng dựa trên tiêu chuẩn sản xuất đã ban hành và áp dụng theo tiêu chuẩn cơ sở đã công bố.

PVCFC đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 từ tháng 9/2013. Bên cạnh đó, Phòng Thí nghiệm của nhà máy đã được Phòng Công nhận chất lượng Việt Nam (BoA) cấp chứng chỉ về năng lực thử nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Ngoài ra, sản phẩm Đạm Cà Mau đã được công nhận là sản phẩm đảm bảo chất lượng năm 2013 bởi Viện Doanh nghiệp Việt Nam - Hội đồng Liên minh Thương mại.

Phó tổng giám đốc PVCFC, Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Văn Tiến Thanh chia sẻ: “Nếu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý sẽ gây tác hại không nhỏ đến môi trường. Là một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, trong 3 năm qua, PVCFC đã không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm nhiều giải pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, đồng thời cải thiện chất lượng đất và môi trường. Nhờ cơ chế và tính năng của Đạm Cà Mau là phân giải chậm, tăng thời gian hấp thu cho cây trồng, từ đó khi bà con sử dụng đạm hạt đục sẽ tiết kiệm được lượng phân bón, tăng hiệu quả sản xuất”.

Đa dạng hóa sản phẩm

Cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu tại PVCFC đã được xây dựng bài bản: Phòng nghiên cứu sản phẩm, Vườn thực nghiệm, Phòng Thí nghiệm vi sinh, Xưởng sản xuất thử nghiệm (Pilot Plant)… Công tác nghiên cứu đang thực hiện thận trọng từng bước từ các thử nghiệm trong phòng LAB, thí nghiệm diện hẹp trong nhà lưới, thực nghiệm diện rộng trên đồng ruộng để đánh giá hiệu quả trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhiều đề tài khoa học đang được đội ngũ cán bộ và nhân viên trong công ty nỗ lực nghiên cứu như: Nghiên cứu phát triển sản phẩm Urê+TE; đề tài phân viên nén NPK nhả chậm; đề tài phân tích đánh giá hiện trạng dinh dưỡng đất ở Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; nghiên cứu cải thiện chống kết khối. PVCFC cũng đã ký kết hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước để hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, sự hợp tác này góp phần quan trọng vào mục tiêu đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân vì sự phát triển bền vững.

Để nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh trên thị trường và không ngừng cải thiện vị thế trong ngành sản xuất kinh doanh phân bón, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay do nguồn cung ứng vượt nhu cầu, PVCFC định hướng sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau. Từ kết quả nghiên cứu phát triển, PVCFC sẽ cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng, cung cấp thêm các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng như: Urê + TE, phân NPK đặc chủng, viên nén tổng hợp…

Đây là một trong những hướng đi quan trọng nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm Đạm Cà Mau, đồng thời hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới, bảo đảm không ngừng nâng cao giá trị doanh nghiệp phù hợp với lợi ích của chủ sở hữu, cổ đông, đối tác hiến lược và, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng trong việc sử dụng sản phẩm mới.
(Theo petrotimes.vn)