Kỳ vọng vào phòng vệ thương mại
Cổ phiếu ngành phân bón đang có những phản ứng tích cực cùng với những kỳ vọng được hưởng lợi từ chính sách. Đặc biệt là mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp có thành phần chính là đạm (Ni-tơ) và lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%…
Mặc dù chỉ đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận nhưng quyết định này của Bộ Công Thương đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, được phản ánh qua việc tăng giá liên tiếp của cổ phiếu các doanh nghiệp phân bón đang niêm yết, mà một trong những mã tăng mạnh nhất có DCM.
Người lao động làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Các nhà đầu tư kỳ vọng, DCM nói riêng và doanh nghiệp ngành phân bón nói chung sẽ được hưởng lợi nếu biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, từ đó giúp giá cổ phiếu phân bón đẩy lên một tầm cao mới.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương về việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón, điều này giúp hạn chế sự dư thừa nguồn cung phân bón và giảm áp lực cạnh tranh với phân bón giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng đã đề xuất với Thủ tướng đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế VAT 0%. Nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ giúp giảm đáng kể chi phí và giá thành, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Được sự hỗ trợ từ những thông tin chính sách cộng với đà phục hồi của thị trường phân bón và những yếu tố nội tại như: lượng tiền mặt dồi dào, cơ cấu tài chính lành mạnh, có nhiều dư địa tăng trưởng đã giúp cổ phiếu DCM được nhà đầu tư đánh giá có triển vọng tăng giá tích cực trong năm 2017.
Bên cạnh đó, DCM còn có lợi thế riêng biệt so với các doanh nghiệp trong ngành khi thu nhập được hưởng ưu đãi với thuế suất danh nghĩa hiện là 5%, duy trì trong 8 năm tới, sau đó sẽ là 10% cho đến năm 2025. Giá khí đầu vào giai đoạn 2015-2018 được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Công ty Mẹ, đảm bảo lợi nhuận đạt 12% trên vốn chủ sở hữu. Do vậy, mặc dù giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại nhưng DCM được đánh giá ít bị ảnh hưởng hơn so với các doanh nghiệp có giá khí đầu vào thả nổi. Mặt khác, nhà máy của DCM mới đi vào hoạt động từ năm 2012 có lợi thế về công nghệ sản xuất, vị trí địa lý đặt ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 2 vùng nông nghiệp trọng điểm có nhu cầu phân bón cao nhất cả nước.
Tài chính lành mạnh
Kết quả kinh doanh quý I/2017 đầy ấn tượng là một tín hiệu vui, minh chứng cho nhận định đúng đắn của các nhà đầu tư về triển vọng của cổ phiếu DCM trong năm 2017. Quý I/2017, DCM đạt sản lượng tiêu thụ 180 nghìn tấn, vượt 17% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt 1.154 tỉ đồng, bằng 112% kế hoạch, bằng 109% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận sau thuế ước đạt 212,6 tỉ đồng, bằng 176% kế hoạch, 187% so với cùng kỳ 2016; nhà máy hoạt động ổn định, liên tục, công suất tối ưu 103%. Đặc biệt, lượng tiêu thụ tại Campuchia tăng gấp 5 lần cùng kỳ 2016… Kết quả này cho thấy, DCM đã tận dụng tốt những cơ hội từ thị trường và phát huy nội lực một cách hiệu quả.
Theo kế hoạch năm 2017, DCM dự kiến tiêu thụ 752.000 tấn urê thương mại, 30.000 tấn sản phẩm mới các loại và kinh doanh 75.000 tấn phân bón khác. Trên cơ sở này, DCM đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.328 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 633 tỉ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 9%, tương đương với năm 2016. Đây được xem là kế hoạch kinh doanh khá thận trọng, được xây dựng trên bối cảnh thị trường nhiều khó khăn của cuối năm 2016. Với triển vọng tích cực trong năm 2017, nhiều dự báo cho rằng, DCM hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao trở lại, đặc biệt là từ định hướng đầu tư các mảng sản phẩm mới và tăng cường xuất khẩu.
Đạm Cà Mau cũng đang thể hiện những nỗ lực đổi mới mạnh mẽ để hướng tới sự phát triển bền vững, bằng các giải pháp nâng cao hiệu quả trên tất cả mặt hoạt động như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đối đầu với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh marketing, truyền thông; chủ động trong công tác bán hàng; đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh; tiếp tục phát triển hệ thống phân phối, hoàn thiện chính sách bán hàng để mở rộng thị trường, tăng cường xuất nhập khẩu… Cùng với đó là phát huy sức mạnh nội tại qua việc nâng cao năng lực quản trị; tuân thủ giải pháp về tiết kiệm, tiết giảm chi phí, đặc biệt các chi phí nguyên liệu chính, giúp duy trì vận hành nhà máy hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả.
Hiện nay, DCM có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 75,56% và Công ty CP Quản lý quỹ Đầu tư Tài chính Dầu khí nắm 10,17%, gần 4% thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, khoảng 16% được sở hữu bởi các cổ đông bên ngoài.
Tại thời điểm cuối năm 2016, số dư tiền và các khoản tiền gửi của DCM lên đến 3.100 tỉ đồng và tài sản cố định 8.750 tỉ đồng là 2 khoản mục lớn nhất, chiếm lần lượt 24% và 68% tổng tài sản. Và điểm nổi bật là dòng tiền hoạt động kinh doanh của DCM liên tục duy trì con số dương ở mức cao, lên đến hơn 1.080 tỉ đồng trong năm 2016. Dòng tiền mạnh, số dư tiền mặt lớn, giúp công ty giảm phụ thuộc vào vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ cũng như đầu tư dự án mới. Công ty cũng không ngừng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, cung cấp ra thị trường các sản phẩm mới chất lượng cao mang thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng như: N46.PLus, N.Humate+TE, N46.Nano C+… nhằm cụ thể hóa sứ mệnh cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng đem lại lợi ích hài hòa giữa công ty, khách hàng và người tiêu dùng.
Trong những năm trở lại đây, xu hướng giao dịch trên thị trường chứng khoán cho thấy khẩu vị nhà đầu tư đã có nhiều thay đổi, dòng tiền hướng đến các doanh nghiệp quy mô lớn, sản xuất cơ bản, đầu ngành. Với điểm mạnh về cơ cấu tài chính lành mạnh, tiền mặt dồi dào, chi trả cổ tức đều đặn, trên cơ sở này, nhiều phân tích cho rằng, DCM là cổ phiếu có triển vọng, đón đầu giai đoạn phục hồi của giá phân bón trong nước và thế giới.
Theo Mai Phương(www.petrovietnam.petrotimes.vn)