Cuộc “khủng hoảng kép” do đại dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Là đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón đầu ngành, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) với thương hiệu Phân bón Cà Mau cũng chịu tác động lớn. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất bởi đại dịch Covid-19 chính là thị trường nông sản thu hẹp do không thể xuất khẩu khiến nông sản ùn ứ, giá cả lập tức sụt giảm, bà con chỉ tiêu thụ trong nước do đó giá không cao, từ đó thu hẹp diện tích canh tác, nhu cầu sử dụng phân bón giảm theo.

Trước tình hình đó, PVCFC xác định, hoạt động quản trị, điều hành hơn bao giờ hết phải được nâng lên mức độ đỏ để có thể đảm bảo bộ máy hoạt động ổn định. Lãnh đạo vững tay chèo dẫn dắt đội ngũ đoàn kết, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra trong năm.

Phân bón Cà Mau: Cứng cáp, vững vàng hơn sau “bão kép”
Phân bón Cà Mau điều tiết hài hòa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

PVCFC tiếp tục nâng cao công tác quản lý bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, tiết giảm chi phí thông qua vận hành nhà máy ổn định, áp dụng các chương trình, ý tưởng mới nâng cao năng suất. Tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả. Vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã lọt Top 10% các nhà máy có công suất cao toàn cầu, không những tiêu hao năng lượng thấp, mà còn tận dụng được nguồn khí thải để làm nhiên liệu sản xuất phân bón, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Bên cạnh đó, PVCFC cũng tăng cường rà soát, điều chỉnh các quy định quản trị nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và một số thị trường ít chịu ảnh hưởng của đại dịch nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ tốt nhất. Tính đến hết quý III/2020, các chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch vận hành cơ bản được đảm bảo.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch vừa qua, PVCFC đã tăng cường ứng phó phòng chống dịch Covid-19 trên nhiều bình diện. Một mặt tuyên truyền nâng cao nhận thức CBCNV tuân thủ các khuyến cáo y tế, trang bị máy móc thiết bị nhằm kiểm soát mầm bệnh cũng như quản lý nhân sự ra vào nhà máy… Mặt khác, buộc phải điều chỉnh hoạt động bộ máy theo hướng giảm nhẹ, giãn cách tiếp xúc bằng kế hoạch làm việc online, duy trì các phần việc đặc thù.

Do dù trong thời điểm đỉnh dịch nhưng vẫn phải phục vụ thị trường, nên Nhà máy Đạm Cà Mau đã “căng mình” để vừa có thể sản xuất đều đặn vừa kiểm soát không để lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ có tiếp xúc với vùng dịch, hạn chế tối đa các ca nghi nhiễm tại nhà máy.

Phân bón Cà Mau: Cứng cáp, vững vàng hơn sau “bão kép”
Đội ngũ cán bộ kỹ sư Nhà máy đã tự chủ hoàn toàn trong công tác BDTT

Tháng 8/2020 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau đã được tiến hành bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 9 với khoảng 1.950 hạng mục. Do đợt bảo dưỡng diễn ra đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp nên đã gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc mua sắm, vận chuyển vật tư thiết bị, huy động chuyên gia trong và ngoài nước… khiến kế hoạch này tưởng chừng bất khả thi.

Tuy vậy, công tác chuẩn bị cho BDTT thật ra đã được thực hiện dần, trước cả khi dịch bệnh xảy ra nên Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế. Cộng với đó là đội ngũ kỹ sư nhà máy đã trưởng thành qua thời gian 10 năm vận hành, bão dưỡng nhà máy, đam mê học hỏi và nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự động viên hỗ trợ từ Ban lãnh đạo nên họ đã mạnh dạn đảm trách bảo dưỡng toàn bộ nhà máy thay cho các chuyên gia nước ngoài.

Ngoài ra, PVCFC được biết đến là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ vào mọi mặt sản xuất, kinh doanh, vận hành. Lực lượng lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ sư nhà máy đã thấm nhuần tinh thần đổi mới, hăng say khám phá. Họ đã sớm làm chủ công nghệ, tự tin độc lập thực hiện ngay cả những phần việc phức tạp nhất. Cho nên hơn 1.950 hạng mục lớn nhỏ trong đợt BDTT lần 9 vừa qua đã được hoàn thành sớm hơn kế hoạch, tiết kiệm hiệu quả chi phí cho Công ty.

Bên cạnh đó, phân xưởng NPK vừa vận hành mới đây cũng đảm bảo được hoạt động thông suốt, mọi hạng mục công việc, công trình tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều triển khai trên tinh thần an ninh, an toàn môi trường, phòng chống dịch bệnh chặt chẽ nhất.

Cho nên, nếu nói Covid-19 như là phép thử cho mọi doanh nghiệp thì qua đó, Phân bón Cà Mau cũng đã đúc rút được nhiều bài học và “cứng cáp” hơn sau cơn khủng hoảng này.

Nguồn petrotimes.vn